Lo thiếu vật liệu cho các dự án khu vực Đông Nam bộ

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 14/03/2023 06:46

Dù đây là khu vực có nguồn vật liệu dồi dào, thế nhưng việc đồng loạt triển khai nhiều dự án, khiến các tuyến cao tốc, đường kết nối vào sân bay Long Thành đứng trước nguy cơ thiếu nguồn vật liệu đắp nền.

Chiều 13/3, tại Đồng Nai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã có buổi kiểm tra tình hình thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, và làm việc với các địa phương về dự án giao thông kết nối sân bay cũng như việc khan hiếm vật liệu tại khu vực.

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM và đại diện lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vẫn lo thiếu vật liệu cho các dự án khu vực Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi kiếm tra dự án sân bay Long Thành

Làm rõ trách nhiệm về việc chậm tiến độ sân bay Long Thành 

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện tại dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã thu hồi 4.773/4.946ha (đạt 96,5%), chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng Nai đã xét duyệt tái định cư 3.985 hộ, đã bố trí tái định cư 3.844 hộ, còn lại 1.136 hộ. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai tập trung giải quyết dứt điểm công tác bồi thường theo yêu cầu của Chính phủ. Các bộ ngành liên quan cần phối hợp giám sát chặt chẽ công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách.

Còn các tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành hiện đang rất chậm. Bộ GTVT đang chỉ đạo VEC hoàn thiện phương án mở rộng đoạn TPHCM- Long Thành để khai thác đồng thời với sân bay Long Thành. Đối với dự án Vành đai 3 - TPHCM hiện đang triển khai giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, phấn đấu khởi công trước 30/6 tới đây. Và cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu hiện đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng đã hoàn thành để bàn giao cho địa phương. 

Tại buổi kiểm tra hiện trường, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định lại các dự án Cảng hàng không quốc tế (CHK) Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm của Quốc gia, Quốc hội, Chính phủ và người dân rất kỳ vọng. Tuy nhiên, thời gian qua tiến độ dự án bị chậm, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như dịch bệnh, thiếu kinh nghiệm và bàn giao mặt bằng. Do vậy sắp tới cần làm rõ trách nhiệm để sớm hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội. 

Vẫn lo thiếu vật liệu cho các dự án khu vực Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng yêu cầu ACV làm rõ về việc chậm tiến độ gói thầu nhà ga

 Phó thủ tướng lưu ý ACV, đối với gói thầu nhà ga hành khách cần thuyết trình rõ về việc chậm của gói thầu này. Sắp tới khi đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo nhà thầu có năng lực thực tế, không lựa chọn nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm. Quá trình điều hành phải tốt để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. 

Phó thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tránh đùn đẩy trách nhiệm. ACV phối hợp chặt với các bộ, ngành đề xuất hướng tháo gỡ đẩy nhanh việc lựa chọn nhà thầu. "ACV cần khẩn trương hoàn thiện giải trình để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện với tư cách người quyết định đầu tư và chủ đầu tư trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật hiện hành", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nan giải bài toán về nguồn vật liệu 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai đồng thời nhiều dự án trọng điểm quốc gia và một số dự án lớn của địa phương nên công suất khai thác từng mỏ có khả năng không đáp ứng tiến độ yêu cầu. Chỉ tính riêng nguồn cung cấp vật liệu cát đắp nền đường (khoảng 7,2 triệu) cho dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh rất khó khăn, khó đảm bảo nhu cầu theo tiến độ dự án.

Vẫn lo thiếu vật liệu cho các dự án khu vực Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chia sẻ các khó khăn về mặt bằng và nguồn vật liệu tại buổi làm việc

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công, hoàn thành các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 3 TP HCM, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố để cung cấp vật liệu cho dự án. 

 Bởi hiện nay, nguồn cung chủ yếu tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long nhưng các dự án tại khu vực ĐBSCL cũng đang gặp khó. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì cùng các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long rà soát để có thể nâng công suất khai thác, mở mỏ mới, điều phối cung cấp cát đắp cho Dự án Vành đai 3 TP HCM. UBND các tỉnh, thành phố chủ động, chuẩn bị các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền để có thể giao ngay mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu. 

Theo UBND TP.HCM, Dự án Vành đai 3 Thành phố cần 1,6 triệu m3 đất đắp, cát đắp nền đường khoảng 7,2 triệu m3, cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3 và đá xây dựng khoảng 4,4 triệu m3. TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thành lập tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu. 

Ngày 16/02/2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 492/UBND-ĐT gửi các địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp) đề nghị hỗ trợ, phối hợp cung cấp; đồng thời sẽ tiếp tục khảo sát, tìm kiếm nguồn vật liệu cát đắp nền đường cho Dự án. 

Đối với dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, nhu cầu đất đắp chiếm khoảng 7,6 triệu khối. Nguồn vật liệu theo khảo sát cơ bản đủ trữ lượng, chất lượng. Tuy nhiên do trong khu vực đang triển khai nhiều dự án nên khả năng công suất khai thác từng mỏ không đáp ứng tiến độ yêu cầu. Do đó các đơn vị cũng cần chủ động để tránh tình trạng thiếu hụt trong thời gian thi công. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết trong ngày mai sẽ làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về các mỏ vật liệu. Vì hiện nay nhu cầu vật liệu cho các dự án rất quan trọng, Chính phủ và các Bộ ngành cùng địa phương cần bắt tay thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ chính trị này. 

Ý kiến của bạn

Bình luận