Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở báo cáo của các ban quản lý dự án về kết quả khảo sát, nhu cầu vật liệu và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thủ tục khai thác vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải phục vụ thi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tổng hợp để Bộ GTVT báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Văn bản 573 ngày 18/1/2023.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị các ban quản lý dự án khẩn trương rà soát, cập nhật kết quả khảo sát, nhu cầu vật liệu, các vướng mắc về vật liệu xây dựng cho dự án; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm do tư vấn thiết kế; các vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, của các bộ, ngành trung ương; kiến nghị biện pháp giải quyết cho từng đoạn, từng dự án thành phần.
Trước đó, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Văn bản 573 ngày 18/1/2023, Bộ GTVT cho biết, tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa theo kết quả tính toán cần khoảng 17,1 triệu m3 đá; tổng khối lượng cát khoảng 8,95 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 45,3 triệu m3.
Theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của tư vấn đã thực hiện khảo sát 102 mỏ đá, tổng trữ lượng 189,2 triệu m3, dự kiến sử dụng đá tại 82 mỏ với trữ lượng khoảng 152,3 triệu m3; 114 mỏ cát, tổng trữ lượng 33,66 triệu m3, dự kiến sử dụng cát tại 104 mỏ có trữ lượng khoảng 32 triệu m3; 109 mỏ đất đắp, tổng trữ lượng 134,8 triệu m3, dự kiến sử dụng đất tại 90 mỏ có trữ lượng khoảng 113,8 triệu m3.
Các mỏ đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án nhưng về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.
Cụ thể, so với tổng nhu cầu vật liệu đá của các dự án (khoảng 17,1 triệu m3), với tổng công suất khai thác hiện nay (khoảng 6,4 triệu m3/năm) và nếu tính nhu cầu đá cho thời gian thi công 1,5 năm (thời điểm sử dụng nhiều nhất cho công tác móng, mặt đường) thì còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 (tỉnh Hà Tĩnh 1,4 triệu m3; tỉnh Quảng Bình 1,56 triệu m3; tỉnh Quảng Trị 0,75 triệu m3; tỉnh Quảng Ngãi 0,23 triệu m3; tỉnh Bình Định 1,43 triệu m3; tỉnh Phú Yên 1,64 triệu m3; tỉnh Khánh Hòa 0,5 triệu m3), chưa kể đến nhu cầu sử dụng cho các dự án xây dựng khác của địa phương.
So với tổng nhu cầu vật liệu cát của các dự án (khoảng 8,95 triệu m3, trong đó, dự kiến lấy tại các mỏ chưa cấp phép 4,4 triệu m3; từ các mỏ đang khai thác 4,55 triệu m3), với tổng công suất khai thác hiện nay (khoảng 1,76 triệu m3/năm) và nếu tính nhu cầu cát cho thời gian thi công 1,5 năm (thời điểm sử dụng nhiều nhất cho công tác xử lý đất yếu) thì các mỏ đang khai thác còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3 (tỉnh Hà Tĩnh 0,21 triệu m3; tỉnh Quảng Bình 1,0 triệu m3; tỉnh Quảng Trị 0,08 triệu m3; tỉnh Quảng Ngãi 0,03 triệu m3; tỉnh Bình Định 0,3 triệu m3; tỉnh Phú Yên 0,17 triệu m3; tỉnh Khánh Hòa 0,1 triệu m3), chưa kể đến nhu cầu sử dụng cho các dự án xây dựng khác của địa phương.
Về vật liệu đất đắp, hiện nay, các mỏ sử dụng cho dự án đã được các địa phương quy hoạch 86/90 mỏ đã đảm bảo nhu cầu vật liệu đắp, riêng 4 mỏ sử dụng tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (nhu cầu khoảng 1,23 triệu m3) chưa được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch. Đối với các mỏ đang khai thác, so với nhu cầu của dự án còn thiếu khoảng 3 triệu m3 (tỉnh Hà Tĩnh 2,3 triệu m3; Quảng Ngãi 0,7 triệu m3).
Liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng phục vụ 2 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau, Bộ GTVT cho biết, theo kết quả tính toán, tổng nhu cầu vật liệu của 2 dự án thành phần đoạn từ TP.Cần Thơ đến Cà Mau, tổng khối lượng đá các loại cần khoảng 1,37 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 1,7 triệu m3; tổng khối lượng cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.