Chủ mỏ vật liệu đưa giá "cắt cổ", Bộ GTVT họp khẩn với tỉnh Phú Yên

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 28/02/2023 15:51

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, tỉnh Phú Yên phải đưa lực lượng chức năng như công an và thanh tra vào cuộc xử lý ngay nếu phát hiện vi phạm. Đây là dự án quan trọng của quốc gia và khu vực. Nếu địa phương không làm mặt bằng thì không ai có thể làm thay.


Giá vật liệu làm cao tốc qua Phú Yên tăng đột biến, Bộ GTVT họp khẩn với địa phương - Ảnh 1.

Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với tỉnh Phú Yên

Sáng nay (28/2), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý những vướng mắc tại các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Chủ mỏ đưa giá vật liệu "cắt cổ" nhà thầu

Đại diện nhà thầu XL-01 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong cho biết, hiện nay, công suất các mỏ cát trên địa bàn chỉ  đạt 10.000m3/năm, chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án. Trong khi đó giá bán thực tế cao hơn rất nhiều so với công bố của tỉnh. Nhà thầu khảo sát các mỏ cát với giá dự toán 190.000 đồng/m3, nhưng giá bán thực tế gần 300 nghìn đồng/m3. 

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên lại cho rằng, các mỏ mua sẵn hiện nay niêm yết bán theo giá công bố của Sở. "Nếu có chứng cứ các chủ mỏ niêm yết một đằng bán một nẻo thì báo ngay về cho Sở Xây dựng để xử lý", vị này cho hay.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở xây dựng trình bày, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng bày tỏ thái độ bức xúc vì những phát biểu của lãnh đạo Sở Xây dựng Phú Yên còn chung chung, không thực tế. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói thẳng: “Chúng ta phải nhìn nhận vào sự thật, tôi đã làm việc với các địa phương khác và chưa bao giờ gặp trường hợp như hôm nay. Giá vật liệu được Sở này công bố khác xa so với các tỉnh lân cận. Trong khi giá công bố đã cao, địa phương vẫn để xảy ra tình trạng giá bán bên ngoài cao hơn cả công bố. Điều này đã được các nhà thầu, báo chí, nhiều lần lên tiếng".

Giá vật liệu làm cao tốc qua Phú Yên tăng đột biến, Bộ GTVT họp khẩn với địa phương - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT nêu lên 2 điểm nghẽn về GPMB và giá vật liệu ảnh hưởng tiến độ dự án

"Tôi yêu cầu các đơn vị phải nhận thức, đây là công trình quan trọng quốc gia, không thể để ai được phép lợi dụng, trục lợi. Sở xây dựng phải mời các chủ mỏ và các nhà thầu lên để trao đổi, thống nhất giá niêm yết của mỏ là bao nhiêu, nhà thầu cần mua bao nhiêu và ký hợp đồng ngay. Nếu chủ mỏ nào không chấp thuận có thể thu hồi giấy phép ngay. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là thực trạng tăng giá, “ép” giá trên địa bàn Phú Yên đang gây khó khăn, bức xúc cho nhà thầu", Bộ trưởng nói.

Giá vật liệu làm cao tốc qua Phú Yên tăng đột biến, Bộ GTVT họp khẩn với địa phương - Ảnh 3.

Giá vật liệu được công bố tại địa phương

Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng nhìn nhận, giá vật liệu tại địa phương đang cao hơn rất nhiều so với các tỉnh xung quanh. "Tỉnh Phú Yên cũng đã lập đoàn thanh tra về việc này. Trong tuần sau, các đơn vị phải triệu tập chủ mỏ cùng các nhà thầu để làm việc", ông Tuấn nói.

 Các nhà thầu không thể thi công đồng loạt

Tính đến nay, dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đã khởi công được gần 2 tháng, thế nhưng các đơn vị vẫn đang loay hoay về GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu, bãi đổ thải. Trong khi đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA và các nhà thầu phải làm ngay sau khi khởi công. Tiến độ hoàn thành dự án được lập từng tháng, từng quý. Nhưng, trên thực tế các nhà thầu tập trung máy móc nhân lực về dự án nhưng việc thi công lại không thể triển khai đồng bộ. 

Hiện nay, phạm vi mặt bằng bàn giao để tổ chức thi công được chỉ 35,24/90,2km (đạt 39,1%). Việc bàn giao không liên tục, xôi đỗ, vướng mắc công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời rất lớn. Một số vị trí người dân cản trở chưa cho thi công do còn tranh chấp, chưa nhận tiền đền bù. Một số trường hợp đất do dân khai hoang chưa đủ thủ tục để bồi thường, chờ địa phương xem xét quyết định,…

Trên toàn tuyến có 5.184 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 377 hộ phải bố trí tái định cư và 12 khu với tổng diện tích 18,65ha. Khối lượng GPMB còn lại khoảng 17km tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Sông Cầu (6km) và huyện Tuy An (6,1km). Phần tồn tại GPMB là những đường găng của dự án, do đó nhà thầu không thể thi công đường công vụ để tiếp cận công trường, tập kết nguyên, vật liệu thi công. Đặc biệt là vướng mặt bằng tại các gói thầu có quy mô lớn như cửa hầm, mố cầu trên dự án. 

Đại diện nhà thầu Trung Nam thi công đoạn Chí Thạnh - Vân Phong cho biết, khu vực thi công mố M1 của cầu Đà Rằng không thể thi công do không có đường tiếp cận. Địa phương đã bàn giao mặt bằng nhưng không đồng bộ khiến đơn vị không thể làm đường công vụ. Nhà thầu phải tự thoả thuận với người dân để "mua đường", nhưng giá đền bù cao hơn so với thực tế. Đơn vị thi công cũng cho biết, tại gói thầu chỉ mới triển khai được 6/16 mũi thi công. 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng khẳng định, đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc. Tuy nhiên, tỉnh cũng nhìn nhận công tác này vẫn còn chậm. Một phần cũng do địa phương cũng còn thiếu kinh nghiệm trong triển khai các dự án có quy mô lớn.

Giá vật liệu làm cao tốc qua Phú Yên tăng đột biến, Bộ GTVT họp khẩn với địa phương - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tại buổi làm việc

UBND tỉnh Phú Yên cam kết sẽ tiếp tục quán triệt và chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương liên quan phải vào cuộc phối hợp tích cực, hiệu quả với Ban QLDA và các nhà thầu để tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án.

Về công tác GPMB, Chủ tịch tỉnh Phú Yên yêu cầu các huyện, thị xã có dự án đi qua phải báo cáo cụ thể các mốc thời gian. Đặc biệt, lưu ý đến các điểm quan trọng cần phải xử lý ngay như cửa hầm, các cầu lớn tại dự án. Những cam kết của các huyện như Tuy An về mốc bàn giao mặt bằng phải được thực hiện.

Đáp lại sự chỉ đạo quyết liệt từ địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, các công việc của địa phương đã có những biến chuyển rất đáng ghi nhận. "Tuy nhiên thực tế hiện nay, những khó khăn của các dự án trên địa bàn vẫn chưa thực sự được tháo gỡ. Chúng ta gặp phải hai điểm nghẽn là bài học rất sâu sắc từ giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam là mặt bằng và vật liệu", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu ngay sau cuộc họp, Ban QLDA và các nhà thầu phải báo cáo các vị trí mặt bằng là đường găng cho các địa phương, sở, ngành liên quan. Để tỉnh Phú Yên ưu tiên GPMB các điểm này trước, đồng thời tỉnh phải thực hiện một cách sớm nhất, khẩn trương xây dựng các khu tái định cư, giải quyết vấn đề di dời hạ tầng kỹ thuật. 

“Chúng ta phải đảm bảo chất lượng của các khu tái định cư để người dân yên tâm và sẵn sàng về nơi ở mới. Riêng về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, tôi đề nghị tỉnh phải vào cuộc, UBND tỉnh phải chỉ đạo trực tiếp việc cấp mỏ cho các nhà thầu thi công, đặc biệt phải đảm bảo việc quản lý giá". 

"Tỉnh phải đưa lực lượng chức năng như công an và thanh tra vào cuộc xử lý ngay nếu phát hiện vi phạm. Chúng ta phải nhận thức rằng, đây là dự án quan trọng của quốc gia và khu vực. Nếu địa phương không làm mặt bằng thì không ai có thể làm thay. Vì vậy, các bên phải có trách nhiệm, phối hợp, hỗ trợ nhau tích cực hơn để dự án về đích đảm bảo tiến độ và chất lượng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Hiện nay, tỉnh Phú Yên có hai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai gồm: Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong với tổng chiều dài 90,2km. Các dự án đã được khởi công từ ngày 1/1/2023. Hiện các nhà thầu cũng đã tập trung huy động nhân lực, máy móc vào hiện trường, tuy nhiên nhiều nhà thầu chưa thể triển khai đồng bộ.


Ý kiến của bạn

Bình luận