Những bê bối này không chỉ gây sốc với khách hàng, đối tác mà còn hủy hoại hình ảnh của các nhà sản xuất Nhật - vốn được biết đến với chất lượng cao và uy tín.
Theo các nhà phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bê bối này, trong đó chủ yếu đến từ văn hóa doanh nghiệp của Nhật.
Không có chuyên gia
Tại hầu hết công ty phương Tây, nhân viên được tuyển dụng theo một hợp đồng làm việc chi tiết và chỉ thực hiện những gì đã thỏa thuận trên hợp đồng đó. Nhưng tại Nhật, nhân viên được tuyển về mà không có mô tả công việc và họ có thể được giao bất cứ nhiệm vụ gì.
Vì vậy, tất cả nhân viên có thể được chuyển tới một phòng ban mới hoặc thậm chí một chi nhánh mới chỉ ngay trong ngày. Các công ty thường yêu cầu nhân viên thay đổi phòng ban 2 năm một lần. Sự luân chuyển này cho phép nhân viên nắm được nhiệm vụ cơ bản tại tất cả bộ phận của công ty, nhờ đó khi trở thành quản lý, họ có thể thực sự hiểu rõ công ty từ trong ra ngoài.
Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các công ty Nhật thiếu vắng những chuyên gia - những người có chuyên môn về một lĩnh vực, bởi hầu hết quản lý chỉ có một thời gian ngắn để học về quy trình nào đó của công ty. Và họ thường không bắt kịp với những vấn đề kinh doanh mới nảy sinh.
Làm việc trọn đời ở một công ty
Các công ty Nhật có chính sách tuyển dụng trọn đời và họ kỳ vọng nhân viên làm việc cho công ty tới khi họ nghỉ hưu. Trên thực tế, nhiều người Nhật được tuyển vào làm cho các công ty ngay sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc ở đó suốt đời.
Tuy nhiên, làm việc suốt đời tại một công ty với cùng một nhóm đồng nghiệp khiến họ gặp khó khăn trong việc chỉ ra vấn đề hay đặt nghi vấn về các quy trình hiện có. Theo các nhà phân tích, thậm chí trong đội ngũ lãnh đạo, nhiều quản lý Nhật chỉ biết đến một công ty duy nhất và làm việc ở đó trong nhiều thập kỷ. Theo đó, họ thường không nhận ra những tiêu chuẩn quốc tế mới hoặc nhận ra quá chậm.
Thêm nữa, nhân viên mới được đào tạo tại mỗi phòng ban bởi chính các nhân viên cũ (được gọi là senpai - tiền bối) - những người đóng vai trò là người chỉ dẫn đồng thời là quản lý phi chính thức của họ.
Điều này tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các nhân viên. Nhưng chính điều đó cùng với hệ thống phân cấp nghiêm ngặt khiến cho nhân viên khó có thể nảy sinh các ý tưởng mới.
Khó sa thải nhân viên
Luật lao động của Nhật cũng khiến các công ty khó có thể sa thải những nhân viên toàn thời gian. Họ có thể làm việc tại cùng một công ty cho đến khi nghỉ hưu và được pháp luật bảo vệ hoàn toàn, miễn là cống hiến hết mình cho công ty và luân chuyển khắp các vị trí tại công ty trong 10 năm đầu sự nghiệp.
Nhiều nhân viên Nhật không đặt câu hỏi về các quy trình nội bộ bởi họ không thể so sánh với quy trình của các công ty khác trước đây và hiện tại. Văn hóa làm việc tại một công ty trọn đời tạo ra mối liên kết chặt chẽ khiến nhân viên khó có thể chỉ ra những vấn đề hay chỉ trích quy trình nội bộ của công ty, kể cả khi họ nhận thấy sự sai trái.
Giờ đây, khi niềm tin vào các doanh nghiệp Nhật bị xói mòn nghiêm trọng, dĩ nhiên nước này cần phải thay đổi những quy định về quản lý doanh nghiệp. Trên thực tế, chính phủ Nhật đã có một số động thái. Năm 2015, ban giám đốc của một doanh nghiệp Nhật được yêu cầu phải có 2 giám đốc đến từ bên ngoài.
Dù bản thân quy định này không có ràng buộc về mặt pháp lý, các doanh nghiệp phải đưa ra lý do nếu như không tuân thủ. Chính phủ kỳ vọng việc đa dạng hóa thành phần ban giám đốc sẽ giúp đổi mới phương thức ra quyết định của đội ngũ lãnh đạo công ty.
Những thay đổi trong xã hội Nhật cũng có tác động tới các doanh nghiệp. Quốc gia này đang đối mặt tình trạng thiếu lao động trầm trọng do sụt giảm dân số. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật đang ở mức thấp kỷ lục 2,3% và các công ty coi việc tuyển dụng là thách thức lớn nhất trong tương lai.
Để ứng phó với tình trạng này, chính phủ đã nới lỏng các quy định về nhập cư và cho phép các quản lý nước ngoài dễ dàng gia nhập vào công ty Nhật hơn. Những nhân sự quốc tế có thể sẽ mang đến cái nhìn đa chiều hơn cũng như thực hiện các quy trình mới tại các công ty truyền thống của Nhật, giúp nâng cao tính cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh đó, làn sóng "lên tiếng" ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật vài năm trở lại đây. Nhiều trong số các bê bối vài tháng qua đã tạo ra những rủi ro lớn, vì vậy ngày càng nhiều nhân viên bắt đầu lên tiếng báo cáo tình trạng sai trái với nhà chức trách.
Bê bối của Nissan là một hồi chuông cảnh báo dành cho các công ty Nhật, để xem xét lại các quy trình và áp dụng những quy trình quản lý hiệu quả hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.