Logistics - “chìa khóa” để cảng Chu Lai mở cánh cửa hội nhập

Tác giả: Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Doanh nhân 02/10/2018 10:10

Năm 2003, hưởng ứng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

 

00
Cảng Chu Lai

Logistics - ưu tiên hàng đầu của THACO khi đầu tư vào Chu Lai

Năm 2003, hưởng ứng “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô lớn, Thaco bắt đầu đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai để xây dựng các nhà máy lắp ráp ô tô, đến năm 2005 đưa vào hoạt động nhà máy xe tải đầu tiên. Tại thời điểm đó, Thaco đối diện với vấn đề khó khăn nhất đó là giao nhận - vận chuyển (logistics). Do hàng linh kiện CKD từ Hàn Quốc phải về TP. Hồ Chí Minh rồi mới đến Chu Lai, qua nhiều công đoạn nên chi phí tăng cao và mất nhiều thời gian. Để chủ động và tiết giảm chi phí, năm 2010 Thaco quyết định đầu tư xây dựng cảng Chu Lai với công suất 3 triệu tấn hàng hóa/năm, đến năm 2012 hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động với chiều dài cầu cảng 300m, có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn.

Cảng Chu Lai có ưu điểm là cảng biển kín gió, gần QL1A và nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thuận tiện cho tàu hàng ra, vào cập bến. Cảng được xây dựng theo mô hình cảng hiện đại với kết cấu bến liền bờ, bằng công nghệ từ larsen tiên tiến, rất phổ biến tại các quốc gia trên thế giới, độ sâu trước bến -9,5m. Đây là cảng hàng hóa tổng hợp, có thể tiếp nhận tất cả các loại hàng gồm: Container, hàng rời tổng hợp và hàng lỏng. Các khu vực bãi được chia theo chức năng như: Bãi container, kho ngoại quan, kho hàng, xưởng tháo kiện, kiểm hàng…

Sau khi đưa vào hoạt động, Cảng tiếp nhận các chuyến tàu có tải trọng 15.000 tấn với sức chở hơn 1.000 TEU hoạt động chuyên tuyến Trung Quốc - Chu Lai và Chu Lai - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng. Cùng với việc thành lập các công ty vận tải biển, vận tải đường bộ, cảng Chu Lai đã hình thành chuỗi dịch vụ logistics trọn gói bao gồm: Vận tải biển, cảng biển, vận tải đường bộ và kho bãi, phục vụ các nhà đầu tư tại Khu Kinh tế mở Chu Lai và các vùng lân cận.

Đầu tư phát triển hoạt động logistics

Trước những yêu cầu cấp thiết của giai đoạn hội nhập, xây dựng mục tiêu chiến lược phát triển, đẩy mạnh hoạt động logistics, xây dựng cảng Chu Lai trở thành trung tâm dịch vụ logistics hàng đầu miền Trung, năm 2016 Cảng được mở rộng về phía thượng lưu, nâng tổng chiều dài cầu cảng lên 500m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu tải trọng 20.000 tấn, bao gồm các loại tàu hàng tổng hợp và tàu hàng lỏng. Hệ thống kho bãi, xưởng được nâng cấp, mở rộng với diện tích gần 100.000m2.

Đến nay, số vốn đầu tư cho cảng là trên 900 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của cảng ngày càng được hoàn thiện, bao gồm các thiết bị chuyên dụng như cẩu Liebherr, xe nâng chụp, xe cẩu bánh lốp, xe nâng Folk Lift, tàu lai dắt, hàng trăm xe đầu kéo công suất lớn được trang bị thiết bị GPS tiên tiến và cùng các thiết bị bốc xếp hiện đại, đồng bộ… đảm bảo cung cấp các dịch vụ như: Cầu bến, xếp dỡ hàng hóa, kiểm đếm, đóng gói, lưu kho; lai dắt, cứu hộ; giao nhận vận tải và đại lý tàu biển... với các giải pháp tối ưu, chi phí hợp lý, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.

Ông Trần Hữu Hoàng - Giám đốc Chu Lai Logistics kiêm Giám đốc Cảng Chu Lai cho biết, để tối ưu hóa chi phí vận chuyển cho khách hàng, từ năm 2017 Chu Lai Logistics thực hiện giảm giá 10% đối với tất cả các loại dịch vụ bằng các giải pháp thay đổi, tìm phương thức liên kết với các đối tác hợp lý để giảm chi phí. Nhờ đó, lượng hàng hóa qua cảng tăng lên, chủng loại hàng hóa cũng ngày càng phong phú. Năm 2017, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 1,7 triệu tấn, tăng 33% so với năm 2016 và tăng 55% so với năm 2015. Dự kiến, sản lượng năm 2018 đạt 3,1 triệu tấn (tăng 82% so với năm 2017, gồm 1,5 triệu tấn hàng rời và 100.000 TEU container) và 4 triệu tấn vào năm 2020.

Đầu tư mở các tuyến hàng hải quốc tế

Thực hiện kế hoạch mở các tuyến vận tải quốc tế, đẩy mạnh hoạt động logistics, đáp ứng nhu cầu giao nhận - vận chuyển hàng hóa và giảm giá thành cho các doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là khu vực miền Trung, tháng 8/2016, Chu Lai Logistics hợp tác với hãng tàu SITC (Hàn Quốc) - một trong những hãng vận tải biển chính của khu vực châu Á mở tuyến hàng hải container quốc tế trực tiếp từ Hàn Quốc về cảng Chu Lai (với tần suất 02 chuyến/tuần). Đây là lần đầu tiên có một bến cảng trong khu vực cảng biển Kỳ Hà trực tiếp đón tàu container quốc tế có trọng tải 20.000 tấn từ cảng Incheon (Hàn Quốc) cập cảng mà không cần phải thông qua các cảng trung chuyển tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này đã tạo ra bước ngoặt đưa cảng Chu Lai trở thành cảng xuất khẩu trực tiếp của Quảng Nam, tạo điều kiện để gia tăng hàng hóa xuất nhập khẩu từ các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế mở Chu Lai và khu vực lân cận (như ván ép, hạt nhựa, bột giấy, dăm gỗ, kính, linh kiện phụ tùng ô tô…) thông qua cảng Chu Lai.

Ngày 25/3/2018, Chu Lai Logistics hợp tác với APL - một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới khai trương tuyến hàng hải quốc tế Nhật Bản - Chu Lai và đón chuyến tàu đầu tiên của hãng cập cảng Chu Lai. Hãng tàu APL thuộc Tập đoàn đa quốc gia CMA đến từ Pháp, có mạng lưới hoạt động trên toàn cầu với trên 170 năm kinh nghiệm. Hiện nay, hãng cung cấp hơn 120 chuyến tàu mỗi tuần và cung cấp dịch vụ logistics đến hơn 70 quốc gia. Trước khi đến Chu Lai, tàu APL - Chu Lai (trọng tải 1.000 TEU) đã ghé qua các cảng lớn như Tokyo, Yokohama, Kobe, Shekou. Hàng hóa vận chuyển của tàu đến Chu Lai gồm: Linh kiện, phụ tùng các dòng xe Mazda, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và lắp ráp ô tô cho Nhà máy Thaco Mazda và nguyên vật liệu phục vụ cho Khu Công nghiệp Cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải, tần suất khai thác 01 chuyến/tuần với sản lượng 400 - 600 TEU/tuần.Việc mở tuyến hàng hải này không chỉ giảm được chi phí vận chuyển linh kiện, hàng hóa từ Nhật Bản (thay vì trước đây phải đưa về cảng TP. Hồ Chí Minh, sau đó ra Chu Lai), phục vụ nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng của các nhà cung cấp của Mazda Nhật Bản khi đầu tư tại Chu Lai trong thời gian tới, mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tại Khu Kinh tế mở Chu Lai và khu vực miền Trung - Tây Nguyên xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng, mở ra cơ hội giao thương hàng hóa đến các cảng biển lớn trên thế giới.Từ tháng 4/2018, tuyến Qinzhou - Chu Lai do Chu Lai Logistics hợp tác với hãng tàu Cosco cũng được khai trương, vận chuyển hàng hóa đi trực tiếp từ cảng Qinzhou (Trung Quốc) đến cảng Chu Lai và ngược lại.

Ông Hoàng cho biết thêm, việc mở các tuyến vận tải này đã góp phần gia tăng đáng kể hàng hóa qua cảng Chu Lai. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2018, lượng hàng hóa qua cảng đạt 2,5 triệu tấn gồm hàng container, hàng rời tổng hợp và hàng lỏng, với các loại hàng hóa chủ lực như: Linh kiện ô tô, thiết bị xây dựng, vật liệu xây dựng, xi măng, dăm gỗ, viên nén gỗ, nhựa đường, gas… Trong đó, lượng hàng nhập khẩu chiếm khoảng 40%, chủ yếu là từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đối với hàng nội địa, hiện nay Chu Lai Logistics đang tích cực khai thác hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, Khu Công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam), Khu Công nghiệp VSIP (Quảng Ngãi) và trái cây, hàng nông sản của các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.Cũng theo ông Hoàng, hiện nay Chu Lai Logistics đang từng bước đầu tư hệ thống quản lý kho hàng theo mô hình quản lý thông minh để giúp khách hàng quản lý tình trạng hàng hóa của mình một cách thuận tiện.

Đồng thời, để nâng cao năng lực của cảng, Chu Lai Logistics có kế hoạch mở rộng cảng về phía hạ lưu, xây dựng thêm một cầu cảng dài 450m vào giai đoạn 2020 - 2022, qua đó đề xuất tỉnh Quảng Nam tiến hành nạo vét luồng sâu đến -1,5m, đảm bảo tiếp nhận tàu 50.000 tấn để nâng cao năng lực giao nhận vận chuyển cho khu vực miền Trung

Ý kiến của bạn

Bình luận