Lựa chọn nội dung điều tra kinh tế xã hội trong công tác dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách đô thị

04/11/2016 09:28

Công tác điều tra kinh tế - xã hội, điều tra GTVT là nội dung quan trọng và cần thiết khi dự báo nhu cầu vận chuyển nói chung và dự báo nhu cầu đi lại của hành khách trong đô thị nói riêng, quy trình điều tra và các nội dung điều tra cần được nhận thức thật rõ, có như vậy công tác điều tra sẽ đạt hiệu quả, góp phần làm tăng độ chính xác và độ tin cậy của kết quả dự báo.

TS. Nguyễn Văn Ðiệp

Trường Ðại học Giao thông vận tải

Người phản biện:

PGS.TS. Từ Sỹ Sùa

PGS. TS. Vũ Trọng Tích

TÓM TẮT: Công tác điều tra kinh tế - xã hội, điều tra GTVT là nội dung quan trọng và cần thiết khi dự báo nhu cầu vận chuyển nói chung và dự báo nhu cầu đi lại của hành khách trong đô thị nói riêng, quy trình điều tra và các nội dung điều tra cần được nhận thức thật rõ, có như vậy công tác điều tra sẽ đạt hiệu quả, góp phần làm tăng độ chính xác và độ tin cậy của kết quả dự báo. Vấn đề đặt ra ở đây là các nội dung và phương pháp điều tra cần được thực hiện là gì? Bài báo sẽ đề cập đến vấn đề này.

TỪ KHÓA: Điều tra kinh tế - xã hội, phân khu giao thông, dự báo nhu cầu vận chuyển.

ABSTRACT: The socio-economic survey content is very important and necessary when forecasting demand for transportation in general and forecast travel demand of passengers in urban centers in particular,the process of investigation and the contents of the investigation should be clearly aware that such investigation will be effective, contributing to increase the accuracy and reliability of the forecast results. The problem here is that the content and method of investigation is what needs to be done. The article will address this issue.

Keywords: Socio-economic survey, subdivision traffic, transportation demand forecasts.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Để dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách đô thị, trước hết ta phải chia diện tích đất đô thị thành các phân khu giao thông (khu giao thông), ta coi sự đi lại của người dân trong đô thị là các chuyến đi nối liền giữa các khu giao thông đó với nhau. Số lượng các khu giao thông, kích thước mỗi khu phụ thuộc vào qui mô đất đai của đô thị cũng như phụ thuộc hình dạng và mật độ của mạng lưới đường. Việc phân chia khu giao thông là cơ sở để tiến hành công tác điều tra và dự báo nhu cầu đi lại trong tương lai. Điều tra kinh tế - xã hội nhằm mục đích thu nhận số liệu và thông tin ban đầu, là công việc rất cần thiết và quan trọng, chất lượng thông tin ban đầu quyết định chất lượng của kết quả dự báo. Như vậy, nội dung, phương pháp cũng như quy trình điều tra được thực hiện ra sao để kết quả và hiệu quả điều tra mang lại là cao nhất.

2. NỘI DUNG

2.1. Công tác chuẩn bị cho điều tra

Việc điều tra nhằm mục đích lấy thông tin, số liệu phục vụ cho công tác tính toán dự báo nhu cầu đi lại trong đô thị. Sự đi lại của hành khách được coi như sự di chuyển từ khu giao thông này đến khu giao thông kia. Như vậy, trước khi điều tra ta phải tiến hành phân chia khu giao thông. Toàn bộ diện tích đất của đô thị được phân thành nhiều khu giao thông. Việc phân chia này phải đảm bảo sao cho đơn giản hóa được quá trình mô hình hóa, các dữ liệu về đặc điểm kinh tế - xã hội của từng khu được đưa vào mô hình theo giá trị bình quân. Việc phân chia khu giao thông càng nhỏ và càng đồng nhất về đặc điểm kinh tế - xã hội bao nhiêu thì càng ít xảy ra các vấn đề rắc rối trong mô hình hóa bấy nhiêu.

Diện tích mỗi khu giao thông có thể khác nhau tùy theo vị trí và đặc điểm của khu vực đó. Những vùng xa trung tâm đô thị ít tác động hơn đến việc đi lại thì có thể phân thành các khu vực có diện tích lớn hơn, với những vùng bên trong gần trung tâm đô thị có thể phân vùng với diện tích nhỏ hơn.

Việc phân chia khu giao thông cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Tương đối gần với tính chất sử dụng đất trong khu, thuận tiện cho việc tiến hành dự báo nhu cầu vận chuyển.

- Ranh giới của phân khu giao thông cần gắn với ranh giới của khu hành chính, thuận tiện cho việc thực thi điều tra giao thông và thu thập số liệu thống kê.

- Phần ranh giới của phân khu giao thông cần lợi dụng các tuyến ranh giới tự nhiên như sông, tuyến đường bộ, đường sắt, ranh giới hành chính... thuận tiện cho việc tiến hành phân phối giao thông.

- Phân khu giao thông không nên quá rộng hoặc quá hẹp, quá rộng sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của việc dự báo nhu cầu vận chuyển và phân phối giao thông, quá hẹp làm tăng lượng công tác điều tra, thống kê và dự báo.

2.2. Nội dung điều tra

Mục đích của việc điều tra kinh tế - xã hội nhằm thu nhận các thông tin cần thiết để làm cơ sở cho việc lựa chọn biến số, xác định quy mô của từng biến số, lựa chọn mô hình và phương pháp dự báo. Các thông tin thu thập liên quan đến:

- Dân số, các điều kiện tự nhiên của đô thị;

- Quy mô về kinh tế của các ngành chủ yếu của đô thị;

- Hiện trạng sự đi lại của hành khách trong đô thị;

- Các số liệu về các chỉ tiêu liên quan đến hệ thống đường bộ của đô thị;

- Các chỉ tiêu của các loại hình vận tải đường sắt, đường sông, đường hàng không có quan hệ với sự đi lại của người dân đô thị.

Để đạt được mục đích trên, việc điều tra kinh tế - xã hội sẽ phải lựa chọn nội dung để thực hiện. Các nội dung điều tra được lựa chọn kỹ càng, cẩn thận sao cho không thừa, không thiếu. Nội dung điều tra được khái quát như sau:

2.2.1. Điều tra về điều kiện tự nhiên và dân số

Vị trí địa lý của một đô thị có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội, có tác động đến quan hệ giữa đô thị với các khu vực, các đô thị khác, đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ bên trong đô thị, một đô thị có vị trí địa lý thuận lợi sẽ là đầu mối giao thông quan trọng phục vụ cho việc giao lưu giữa các đô thị và khu vực khác.

Diện tích đô thị có ảnh hưởng lớn đến tính chất đi lại của hành khách. Khi điều tra về vấn đề này cần xác định được thực trạng về sử dụng đất cho từng lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội như diện tích đất cho nhà ở, văn phòng làm việc, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm... Đây là cơ sở cho việc xác định mức độ phát sinh và thu hút của mỗi khu vực trong đô thị.

Về dân số: Dân số là nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến số lượng chuyến đi, trên cơ sở phân khu giao thông chúng ta điều tra về dân số cũng như cơ cấu độ tuổi, nghề nghiệp của từng khu, điều tra về tốc độ tăng dân số thông qua số liệu thống kê của các năm, từ đó làm cơ sở cho việc dự báo dân số của khu giao thông cũng như toàn đô thị trong tương lai. Điều tra dân số cần nắm được đặc điểm đi lại của dân cư, mật độ dân cư, hình thức cư trú nhà riêng hay nhà chung cư cao tầng. Trong kết cấu dân số theo độ tuổi thì đối tượng chủ yếu được quan tâm điều tra là nhóm người đang trong độ tuổi lao động. Nhóm này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dân số và cường độ đi lại cũng cao. Tuy nhiên, do đặc điểm của từng ngành kinh tế mà các lao động trong từng ngành sẽ có mức độ đi lại khác nhau, cho nên việc điều tra dân số cần xác định tỷ trọng lao động của từng ngành như lao động công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, dịch vụ...

2.2.2. Điều tra về kinh tế của đô thị

* Về công nghiệp: Điều tra về số lượng doanh nghiệp, xí nghiệp đóng trên địa bàn đô thị, trong đó có phân biệt các doanh nghiệp, xí nghiệp theo thành phần kinh tế hoặc ngành hàng sản xuất kinh doanh. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp cũng như giá trị sản lượng của một số ngành chủ yếu, các số liệu này được thu thập từ nhiều năm để thấy được sự phát triển chung cũng như sự tăng trưởng của từng ngành. Trong số các số liệu thu thập được thì có những số liệu được sử dụng làm biến số trực tiếp cho các mô hình dự báo như diện tích đất sử dụng, số người làm việc trong từng doanh nghiệp, xí nghiệp. Nhìn chung, các khu công nghiệp có mức độ thu hút chuyến đi ổn định, đều đặn theo thời gian.

Ở thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp thường được đặt trong các đô thị lớn nhưng trong tương lai có xu hướng bố trí các khu công nghiệp ra ngoài đô thị để bảo vệ môi trường, giảm UTGT. Do vậy, khi điều tra cần thu thập những thông tin về qui hoạch phát triển của ngành liên quan đến việc di dời hay ở lại của các doanh nghiệp trong tương lai.

*Về nông nghiệp: Thông thường, các vùng nông nghiệp nằm ở ven các đô thị có khoảng cách tới các trung tâm đô thị không lớn, vì vậy số lượng chuyến đi mang tính chất thường xuyên là tương đối lớn, lượng dân cư ở vùng này thường cao nhưng số việc làm ở các vùng này lại rất ít, số lượng lao động làm trong ngành Nông nghiệp cũng không nhiều, do đó lượng đi lại từ các vùng này vào đô thị với mục đích khác nhau là rất lớn tạo ra lưu lượng hành khách lớn, sự đi lại thường tập trung trên các tuyến cửa ngõ đi vào đô thị.

Trong các vùng nông nghiệp, số lượng lao động nhiều, tuy vậy số lao động làm nông nghiệp chỉ chiếm một phần, phần còn lại là họ làm công việc khác trong đó có buôn bán nhỏ, mỗi loại công việc này có đặc điểm chuyến đi khác nhau. Vì thế, ở các khu nông nghiệp này cần phải điều tra cụ thể lao động trong từng ngành nghề, số lao động thường xuyên đi lại để buôn bán ở các khu trong nội đô là bao nhiêu, tuyến đường mà họ thường xuyên sử dụng, quy luật đi lại của họ..., ngoài ra có thể điều tra thu thập số liệu cần thiết khác như sản lượng lương thực, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp, thu nhập bình quân của người dân...

*Về thương mại: Đối với một đô thị thì diện tích đất sử dụng cho lĩnh vực thương mại, buôn bán khá lớn, nó thu hút một lượng hành khách đến để mua sắm là rất nhiều. Khi điều tra cần thu thập số liệu về số trung tâm thương mại, siêu thị, sức mua hàng hóa của mỗi trung tâm, siêu thị, số lượng hành khách đến mua sắm bình quân hàng ngày, quy luật đi đến mua sắm của người dân...

2.2.3. Điu tragiáo dục, y tế, văn hóa

* Về giáo dục: Việc điều tra nhằm thu thập số liệu về tổng số người đi học (chi tiết cho từng bậc học) và số giáo viên tương ứng. Các số liệu này làm cơ sở cho việc xác định số chuyến đi phát sinh của mỗi vùng. Bên cạnh đó cũng cần phải điều tra về cơ sở vật chất cho giáo dục, chủ yếu là trường học, trong đó cần xác định tổng số trường học, vị trí trường học, số giáo viên và số học sinh của từng trường, đặc điểm và quy luật các chuyến đi của học sinh, sinh viên, qua đó xác định khả năng thu hút chuyến đi đến khu vực này. Ngoài ra cần tìm hiểu về kế hoạch mở rộng qui mô đào tạo của các trường, diện tích đất sử dụng, qua đó có thể tính được mức thu hút trong tương lai.

* Về y tế: Các trung tâm, cơ sở y tế, bệnh viện là nơi thu hút người bệnh và thân nhân của họ đến để khám chữa bệnh, điều tra y tế cần thu thập số liệu về số lượng bệnh viện, qui mô của bệnh viện thể hiện qua số giường bệnh, số lượng cán bộ y tế, số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh bình quân hằng ngày, quy luật đến khám và chữa bệnh của người dân, kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô của các bệnh viện, các cơ sở y tế.

2.2.4. Điều tra về hiện trạng giao thông

* Điều tra xuất hành O-D: Điều tra xuất hành O-D bao gồm điều tra về sự đi lại của cư dân, của các phương tiện giao thông, phương tiện vận tải hành khách công cộng. Mục đích của việc điều tra này là tìm ra quy luật hiện trạng về sự đi lại của cư dân, của các loại phương tiện vận tải, của các luồng hành khách trên các phương tiện vận tải, nhất là phương tiện vận tải hành khách công cộng, đồng thời tìm tham số xuất hành của các phương thức giao thông làm cơ sở cho dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách trong tương lai. Điều tra xuất hành O-D chiếm một vị trí quan trọng trong điều tra giao thông, về mặt kinh phí và thời gian nó chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ kinh phí điều tra. Trên cơ sở của phân chia khu giao thông, tiến hành điều tra và thu thập số liệu cụ thể về hiện trạng lượng xuất hành, kết quả được thể hiện bằng ma trận O-D như trong Biểu số 2.1:

Biểu số 2.1. Kết quả điều tra Xuất hành - Thu hút (O - D)

                  D

o

 

 

 

 

 

Lượng xuất hành đi

 1

X11

X1j

X1n

X1

 ..

..

 

..

 

..

..

 i

Xi1

Xij

Xin

Xi

 ..

..

 

..

 

..

..

 n

Xn1

Xnj

Xnn

Xn

Lượng thu hút đến

Y1

Yj

Yn

X

Trong đó:

Xij - Số lượng chuyến đi xuất phát từ khu i đến khu j;

Xi, Yj - Tổng số chuyến đi xuất phát từ khu i, tổng số chuyến đi thu hút đến khu j;

X - Tổng số chuyến đixuất phát (xuất hành) hoặc thu hút của toàn đô thị.

* Điều tra tình trạng giao thông trên đường: Điều tra tình trạng giao thông trên đường bao gồm: Điều tra lưu lượng theo từng hướng đi ở một số thời điểm quan trọng trong ngày, điều tra và đo lường về vận tốc của các loại hình phương tiện tại các nút giao thông và trên các đoạn đường ở giờ cao điểm. Mục đích của điều tra này là để nắm được hiện trạng về chất lượng giao thông của mạng lưới đường, đồng thời làm căn cứ cho việc đề xuất và lựa chọn tiêu chuẩn chất lượng phục vụ của mạng lưới đường giao thông.

* Điều tra theo xe trên các tuyến vận tải hành khách công cộng: Điều tra theo xe trên các tuyến vận tải hành khách công cộng là điều tra về số lượng hành khách lên xuống ở từng bến đỗ và lưu lượng hành khách trên mặt cắt tuyến đường. Mục đích của việc điều tra này là tìm hiểu hiện trạng tình hình phục vụ của các tuyến vận tải hành khách công cộng, thời gian hao phí của từng hành trình, kết quả thu được làm căn cứ cho bước phân phối giao thông trong quy trình dự báo.

2.2.5. Điều tra hiện trạng về hệ thống đường bộ và đường phố

- Điều tra tổng quát về hình dạng đường phố, tổng chiều dài đường phố, tổng số đường phố chính cũng như các đường nhánh, chiều dài từng đường phố, số điểm giao cắt (nút giao thông) trong mạng lưới giao thông;

- Điều tra về các chỉ tiêu cụ thể của tuyến đường như chiều rộng từng làn xe, số làn xe, số nút giao thông quan trọng có bật đèn điều khiển, số nút giao thông chưa đặt đèn điều khiển, tốc độ giao thông trên từng tuyến đường;

- Điều tra về kết cấu mặt đường cũng như chất lượng đường phố hiện tại, mục đích là để có những nhận định về sự lựa chọn tuyến đường của hành khách khi họ đi lại;

- Mật độ đường phố của toàn đô thị cũng như của từng khu giao thông.

2.2.6. Điều tra các loại giao thông vận tải khác

* Về đường sắt: Nhiều đô thị có hệ thống đường sắt chạy qua nhằm vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa đô thị với các đô thị khác, hệ thống đường sắt chạy qua đô thị, góp phần làm giảm gánh nặng cho các tuyến đường bộ đối ngoại nhưng nó lại tạo ra các nút giao cắt gây cản trở lớn cho hệ thống đường bộ, các số liệu cần thiết khi điều tra gồm tổng chiều dài đường sắt chạy qua đô thị, lượng hành khách đến và đi bình quân một ngày đêm, quy luật về sự đi lại của hành khách đi và đến các ga, lượng hàng hóa vận chuyển đến và đi hàng ngày liên quan đến ga đường sắt, số lần cũng như thời điểm các đoàn tàu đi, đến và tàu thông qua đô thị.

* Về đường sông: Hệ thống vận tải đường sông ảnh hưởng nhiều đến sự vận chuyển hàng hóa và hành khách của đô thị, các số liệu cần thu thập ở đây là số lượng cảng sông trong đô thị, vị trí của các cảng sông, lượng hành khách rời khỏi đô thị cũng như vào đô thị trong một ngày đêm, quy luật đi, đến của hành khách, thời gian các đoàn tàu cập bến để nhận và trả hành khách.

* Hệ thống sân bay: Sân bay là một trong những điểm phát sinh và thu hút số lượng chuyến đi lớn, khi điều tra chúng ta cần thu thập số liệu về số lượng sân bay, vị trí của sân bay, diện tích nhà ga sân bay, tuyến đường nối từ sân bay về đô thị, lượng hành khách được phục vụ trong năm cũng như bình quân một ngày đêm, quy luật đi đến sân bay của hành khách.

Ngoài ra, ở các đô thị còn có thêm một số loại hình vận tải khác cũng tham gia vận chuyển hành khách như xe điện bánh sắt, bánh hơi, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao. Mỗi loại hình vận tải đều làm thay đổi ít nhiều đến việc đi lại của hành khách trong đô thị với thời gian và chi phí khác nhau, mỗi loại hình vận tải này sẽ thích hợp cho một số đối tượng hành khách khác nhau làm cho quá trình dự báo lựa chọn phương tiện trở nên phức tạp hơn.

Nói tóm lại, điều tra kinh tế - xã hội và điều tra giao thông của đô thị là bước khởi đầu nhưng rất quan trọng trong công tác dự báo nhu cầu đi lại của đô thị. Việc xác định nội dung và phương pháp điều tra ngay từ đầu sẽ giúp cho công tác điều tra đạt hiệu quả cao nhất, mất ít thời gian và chi phí, hơn nữa nó lại bao quát được toàn bộ những vấn đề cần quan tâm, cần sử dụng làm yếu tố đầu vào phục vụ cho dự báo.

3. KẾT LUẬN

Với những nội dung trên đây, việc bắt tay vào điều tra phục vụ công tác dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách trong đô thị sẽ trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn, công tác điều tra sẽ nhanh hơn và tiết kiệm được chi phí. Hy vọng rằng, bài báo sẽ là một gợi ý có ích cho bạn đọc, nhất là những người sẽ thực hiện công việc dự báo phục vụ cho việc lập phương án quy hoạch GTVT cho đô thị.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nguyễn Ngọc Châu (2003), Phương pháp dự báo kinh tế, NXB. Lao động.

[2]. PGS. TS. Từ Sỹ Sùa (2005), Bài giảng Tổ chức vận tải, Trường Đại học GTVT, Hà Nội.

[3]. TS. Nguyễn Văn Tuấn (2004), Điu tra kinh tế,NXB. GTVT, Hà Nội.

Ý kiến của bạn

Bình luận