Lùi xây sân bay Long Thành 5 năm sẽ đội vốn lên 10 tỉ USD

Ý kiến phản biện 29/03/2018 18:42

Nếu lùi lại 5 năm so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỉ USD thay vì 5,4 tỉ USD như dự tính hiện nay.

 

Lùi xây sân bay Long Thành 5 năm sẽ đội vốn lên 10
Bộ GTVT chốt thiết kế hoa sen cho sân bay Long Thành - Ảnh: ACV

Đây là ý kiến của ông Đỗ Tất Bình - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại hội thảo "Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành" được tổ chức ở TP.HCM ngày 28-3

Càng chậm triển khai, càng bị đội vốn

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam - cho biết trong cuộc đàm phán với nhà chức trách hàng không Nga vào ngày 21-3 vừa qua, phía Nga đã từ bỏ kế hoạch tăng tần suất bay tại Tân Sơn Nhất, đồng thời đề nghị Việt Nam nghiên cứu khả năng cho phép tiếp nhận các chuyến bay của Nga đến sân bay Liên Khương và Tuy Hòa.

Ngoài ra, Hãng hàng không Etihad của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng thông báo đến ngày 15-4 sẽ giảm tần suất từ 7 chuyến/tuần xuống còn 4 chuyến/tuần do đường tiếp cận Tân Sơn Nhất khó khăn.

Do đó, theo ông Cường, càng sớm triển khai xây dựng sân bay Long Thành càng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng của ngành hàng không Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cũng thừa nhận việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ là một bước đệm to lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực hàng không Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.

Lý do là theo dự báo của Tổ chức Hàng không quốc tế, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 khu vực có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong thập kỷ tới, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải.

Trong khi đó, ông Đỗ Tất Bình - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - khuyến cáo việc chậm triển khai đầu tư xây dựng sân bay Long Thành không chỉ ảnh hưởng đến việc vận chuyển mà còn có nguy cơ dự án bị đội vốn.

Thực tế cũng cho thấy nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác năm 2007 có mức đầu tư 200 triệu USD, nhưng nhà ga T2 của sân bay Nội Bài (khai thác năm 2014) có giá trị đầu tư lên tới 800 triệu USD.

"Nếu lùi lại 5 năm so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỉ USD thay vì 5,4 tỉ USD như dự tính hiện nay", ông Bình nói.

Trong khi đó, sân bay Long Thành đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng cho TP.HCM phát triển theo hướng là hạt nhân của cả khu vực, lúc đó sân bay Tân Sơn Nhất sẽ trở thành sân bay nội địa như xu thế chung của các nước trên thế giới là sân bay phải dời ra ngoại thành hoặc sử dụng làm sân bay phục vụ nội địa.

Không thiếu vốn, chỉ thiếu cơ chế?

Dù khẳng định việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành là bức thiết nhưng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, việc triển khai dự án này vẫn đang đứng trước những thách thức cực kỳ lớn, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, việc huy động vốn cho dự án sân bay Long Thành không khó, do tính chất lợi nhuận sân bay tương đối ổn định.

Sở dĩ dự án sân bay Long Thành còn đang "loay hoay", theo ông Nam, là do các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định rõ mô hình đầu tư.

"Một dự án đầu tư chỉ thật sự bắt đầu khi làm rõ được việc ai đầu tư. Họ xuống tiền với tư cách nào, là nhà đầu tư hay là tổ chức tín dụng? Họ xuống tiền bao nhiêu, khi nào và cho hạng mục đầu tư nào?... Khi nào có đủ hành lang pháp lý cho dòng tiền chuyển dịch, lúc đó dự án sân bay Long Thành đầu tư mới thật sự bắt đầu" - ông Nam nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng với dự án xây dựng sân bay Long Thành, việc xác định cơ chế đầu tư nào mới quan trọng.

Ví dụ sân bay của một tập đoàn tư nhân như sân bay Vân Đồn, chỉ cần Nhà nước có cơ chế là làm được rất nhanh.

Dự án sân bay Long Thành là cơ hội tốt để ổn định cuộc sống nhưng cũng là cơ hội để có lợi ích của mình, do đó cần phải vận động không chỉ về tinh thần mà còn lợi ích của người dân.

"Dù dự án còn nhiều khó khăn nhưng là triển vọng lâu dài cho người dân, cho khu vực. Do đó, việc xây dựng hệ thống pháp luật cần năng động hơn. Cần có nghị quyết riêng để sớm có mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành bởi nó chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lớn cho thành phố cũng như toàn khu vực", ông Quốc nói.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Tất Bình, nếu dự án này khởi động sớm và được giao làm chủ đầu tư nhiều hạng mục quan trọng sân bay Long Thành, ACV sẽ có nhiều biện pháp rút ngắn thời gian để sân bay khởi công vào năm 2020.

"Trong tầm nhìn dài hạn, đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Long Thành là rất cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển vừa giảm được chi phí đầu tư", ông Bình nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận