Lực lượng chức năng phân luồng, giúp xe “luồng xanh” lưu thông thuận lợi trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ |
Tăng tính kết nối liên vùng - khơi thông hàng hóa
Theo Tổng cục ĐBVN, “luồng xanh” vận tải là tuyến đường lưu thông (đi, đến hoặc đi qua) kết nối giữa các khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với các khu vực khác, trên đó ưu tiên cho các phương tiện có giấy nhận diện kèm theo mã QR Code hoạt động, nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh thông suốt và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.Các loại phương tiện được đăng ký “luồng xanh” bao gồm phương tiện chở hàng hóa phục vụ an sinh xã hội, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, chở thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch; xe chở công nhân, người lao động, chuyên gia... có hành trình đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách.
Ngoài “luồng xanh” quốc gia đã công bố, Bộ GTVT đã chỉ đạo sở GTVT các tỉnh, thành triển khai "luồng xanh" trên địa bàn nội tỉnh để kết nối với “luồng xanh” quốc gia cho xe ô tô vận tải hàng hóa thông suốt nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Bà Lê Thị Mai Hương - Giám đốc Công ty Cổ phần Visun Việt Nam bày tỏ, trong những ngày thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới "luồng xanh" quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa, chống ùn ứ phương tiện khi đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh, điều này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong công tác vận tải hàng hóa của doanh nghiệp mà cả với công tác phòng, chống dịch Covid-19.Cũng theo bà Hương, ngay sau khi nắm bắt thông tin về việc đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện (kèm mã QR Code) ưu tiên hoạt động trên các "luồng xanh" vận tải, doanh nghiệp đã thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục ĐBVN và sở GTVT địa phương.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, qua báo cáo của các hiệp hội vận tải ô tô địa phương cho thấy đều ghi nhận sự tích cực của “luồng xanh” vận tải hàng hóa liên thông thông suốt từ quốc lộ đến đường địa phương. Chính việc công bố “luồng xanh” quốc gia vận tải hàng hóa và việc giảm bớt các thủ tục kiểm tra đã giúp doanh nghiệp vận tải, lái xe không bị lúng túng khi vận chuyển hàng hóa vào vùng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
“Luồng xanh” lan tỏa thông suốt mạng vận tải quốc gia trong dịch
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất trong thực hiện mục tiêu kép, Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương tiến hành tổ chức và công bố "luồng xanh" vận tải nội tỉnh để liên thông với "luồng xanh" quốc gia do Tổng cục ĐBVN công bố.
Theo ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ngay sau khi TP. Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Sở đã phối hợp với các địa phương cấp thẻ ưu tiên trên “luồng xanh” vận tải hàng hóa để ưu tiên cho phương tiện qua các chốt, giảm thủ tục kiểm soát, đảm bảo phòng dịch bệnh, giảm UTGT.
Tương tự, ông Nguyễn Bôn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Đồng Nai là địa phương nằm ở cửa ngõ đô thị lớn nhất cả nước TP. Hồ Chí Minh, đồng thời nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, sau khi công bố "luồng xanh" quốc gia, Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục ĐBVN, các địa phương liên vùng để thiết lập các "luồng xanh" đáp ứng yêu cầu cao nhất, vừa chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch nhưng vẫn tạo thuận lợi trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa; vận chuyển công nhân, chuyên gia… trong thời gian Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”.
Cụ thể, "luồng xanh" quốc gia (QL1, QL51, QL20, QL56...) qua địa phương đã kết nối với hơn 20 tuyến đường tỉnh được tỉnh Đồng Nai công bố là "luồng xanh" nội tỉnh.
Còn tại tỉnh Đắk Lắk, “luồng xanh” quốc gia kết nối với “luồng xanh” của tỉnh gồm: đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh thị trấn Ea Đ’răng (huyện Ea H’leo), tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, đường tránh phía Tây TP. Buôn Ma Thuột; QL27, QL26, QL29... “Luồng xanh” quốc gia cho các phương tiện lưu thông quá cảnh qua địa bàn tỉnh có 6 hướng lưu thông chính gồm: Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông; Gia Lai - Đắk Lắk - Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng); Gia Lai - Đắk Lắk - Khánh Hòa; Đắk Nông - Đắk Lắk - Khánh Hòa; Đắk Nông - Đắk Lắk - Phú Yên và hướng Đắk Lắk - Phú Yên.
Cùng với đó, “luồng xanh” nội tỉnh Đắk Lắk còn kết nối với 7 huyện trên địa bàn tỉnh gồm: Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Bông, Krông Năng và huyện Ea H’leo.
Theo ông Lê Đình Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, việc duyệt cấp mã QR Code ưu tiên “luồng xanh” được thực hiện hoàn toàn bằng phần mềm của Bộ GTVT thông qua môi trường mạng. Sở GTVT đã cấp hơn 2.600 mã QR Code cho các phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, số lượng phương tiện chở hàng hóa có nhu cầu cấp mã QR Code lưu thông trên “luồng xanh” còn khá lớn. Do đó, Sở đã bố trí cán bộ, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh, đảm bảo liên tục 24/24h và 7/7 ngày trong tuần. Thời hạn từ khi tiếp nhận thông tin, giải quyết và trả kết quả tối đa không quá 24h, đồng thời cử cán bộ đầu mối để giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code.
Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức vận tải "luồng xanh" nhất là trên các tuyến nội tỉnh còn xảy ra tình trạng mỗi nơi quy định, “siết” một kiểu gây khó cho tài xế xe “luồng xanh”. Theo thống kê, đã có tới 8 địa phương có các quy định gây ảnh hưởng đến lưu thông vận chuyển hàng hóa "luồng xanh". Khắc phục những bất cập này, Bộ GTVT đã tổ chức các cuộc họp liên Bộ GTVT, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương để bàn biện pháp tháo gỡ. Bộ GTVT đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát lại các văn bản địa phương đã ban hành. Văn bản nào trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” thì phải dừng áp dụng, tuyệt đối không cản trở vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm văn bản số 1015 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký và văn bản số 5187 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng với các chỉ đạo giúp chuỗi vận tải hàng hóa được khơi thông, đáp ứng “mục tiêu kép”.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, đến nay các địa phương đã dỡ bỏ hầu hết các điều kiện được cho là cản trở vận chuyển hành hóa. Mạng lưới "luồng xanh" đã hoạt đông trơn tru, thông suốt trên địa bàn cả nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.