"Ma trận" phụ phí hãng tàu ngoại – Kỳ cuối: Cần minh bạch cơ chế hình thành giá, phí

Tác giả: Bình Minh

saosaosaosaosao
Hàng hải 20/03/2024 12:18

Cùng với việc minh bạch cơ chế hình thành giá, phí, các hãng tàu cần có giải pháp để giảm đến mức hợp lý các loại phụ phí, hài hòa lợi ích các bên.

Tăng cường quản lý phụ thu

"Ma trận" phụ phí hãng tàu ngoại – Kỳ cuối: Cần minh bạch cơ chế hình thành giá, phí- Ảnh 1.

Maersk Lines là hãng tàu hiếm hoi không tăng phí THC thời gian qua

Tại cuộc họp ngày 12/3 có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chủ hàng, cảng biển, môi giới hàng hải và các chủ tàu cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười đặc biệt chú ý đến một số hãng tàu thời gian qua tăng phí THC (phụ phí bốc dỡ hàng hóa tại cảng) ở mức cao để xem họ lý giải thế nào về cơ sở tăng phụ phí. Trong số này có hãng tàu Yangming (phí THC tăng khoảng 15%).

Được mời phát biểu, ông Nguyễn Trung Dũng, đại diện Yangming tại Hà Nội cho rằng, thời qua các hãng tàu gặp nhiều khó khăn, kinh doanh dưới mức hòa vốn. Trong khi thế giới có nhiều biến động, vấn đề lạm phát, xung đột ở một số khu vực. Thêm nữa, Việt Nam là nước xuất siêu nên lượng container về Việt Nam lúc nào cũng trong tình trạng thiếu so với nhu cầu xuất đi.

"Đây là những yếu tố khách quan gây khó khăn cho vấn đề tài chính của hãng tàu", ông Dũng nói và đề nghị cần nhìn nhận việc tăng phụ phí một cách khách quan hơn, bởi một số tuyến các khách hàng phải trả đầy đủ phụ phí, thậm chí có tuyến không phải trả phí.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Hồng, quản lý văn phòng Hải Phòng của hãng tàu CU Lines cho hay, mức tăng phụ phí THC mà hãng tàu đang áp dụng là khoảng 10%, dựa trên các dịch vụ mà hãng tàu cung cấp.

"Mức tăng giá được quyết định bởi tổng công ty tại nước ngoài sau khi cân nhắc, nghiên cứu các yếu tố thị trường. CU Lines chưa bao giờ có định tận thu tại Việt Nam mà luôn xác định đây là thị trường được ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, theo dõi và thực thi các quy định của Nhà nước", bà Hồng cam kết và cho biết, sau cuộc họp sẽ xem xét lại các vấn đề về phí, phụ phí để việc điều chỉnh nếu có vẫn ở mức hợp lý.

Là hãng tàu hiếm hoi không tăng phí THC thời gian qua, đại diện hãng tàu Maersk Lines tại Việt Nam thông tin, hãng vẫn đang xem xét, nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách hàng và việc cung cầu. "Maersk Lines mong muốn bình ổn thị trường, nếu có kế hoạch tăng phí THC, hãng sẽ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, gửi các thông báo tới Cục Hàng hải VN và các cơ quan, đơn vị liên quan", đại diện Maersk Lines tại Việt Nam cho hay.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, để tăng cường công tác quản lý giá các loại phụ thu của hãng tàu, Bộ GTVT đã có văn bản số 14643/BGTVT-TC ngày 21/12/2023 gửi Bộ Tài chính, trong đó đề xuất Bộ Tài chính bổ sung Phụ thu của hàng tàu đối với hàng hoá container vào đối tượng kê khai giá trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật giá năm 2023. Đây cũng là một trong những nội dung đề nghị của Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam và Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam.

Lý do đề xuất: Theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP thì giá phụ thu của hãng tàu đối với hàng hóa thuộc danh mục niêm yết giá; hãng tàu tự quyết định các loại phụ thu và mức giá, trong trường hợp thay đổi theo hướng tăng giá, hãng tàu phải niêm yết trước 15 ngày trước khi áp dụng mức giá mới. Việc niêm yết giá không quản lý được tình trạng các hãng tàu tăng giá và tăng các loại phụ thu như hiện nay. Một số loại phụ thu không phản ánh đúng chi phí giá thành, ví dụ phụ thu chứng từ, hãng tàu đang thu với giá 800.000-900.000/bộ.

Sau khi "Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển" được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá. Theo đó, các hãng tàu khi áp dụng phụ thu giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển phải nộp kê khai với cơ quan quản lý, trường hợp thay đổi mức giá phải xây dựng cơ cấu giá thành và báo cáo cơ quan quản lý. Sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận, hãng tàu mới được áp dụng. Với cơ chế này sẽ tăng cường công tác phụ thu của hãng tàu.

Tuy nhiên, mới đây, trong văn bản gửi Bộ GTVT liên quan tới việc tăng cường quản lý phụ phí của các hãng tàu nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết: Theo Nghị định số 146/2016 quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển, Bộ GTVT có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách, biện pháp, quyết định về niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu, giá dịch vụ tại cảng biển.

Ngoài ra, theo quy định tại Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá, bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá.

Đồng thời, quy định tại Luật Giá số 16 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giả bao gồm: Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng; Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu.

Bộ GTVT đã có văn bản về việc tham gia ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá và nghị định quy định về thẩm định giá. Trong đó, Bộ GTVT đề nghị bổ sung nội dung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện kê khai giá.

Theo Bộ Tài chính, Bộ GTVT chưa thuyết minh rõ sự phù hợp với quy định pháp luật về giá, pháp luật hàng hải và thông lệ quốc tế, cũng như sự cần thiết bổ sung dịch vụ này vào danh mục kê khai giá.

Đối với đề xuất của Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam về việc trường hợp các khoản phụ thu của hãng tàu siêu lợi nhuận thì phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, áp dụng đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhằm mục tiêu điều tiết thu nhập và sản xuất, tiêu dùng, không phân biệt hàng sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu và được xác định khi hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu được bán ra hoặc khi cung ứng dịch vụ.

"Bộ Tài chính thấy rằng kiến nghị trường hợp các khoản phụ thu siêu lợi thì phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt là kiến nghị mới và chưa có đủ thông tin, cơ sở để đánh thuế. Do vậy, cần được tiếp tục nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan", văn bản nêu.

Từ đây, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT thuyết minh về sự cần thiết bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện kê khai giá, cùng sự phù hợp với quy định pháp luật về giá, pháp luật hàng hải và thông lệ quốc tế.

Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với khoản phụ thu. Bộ Tài chính sẽ tham gia theo chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT.

Phát triển đội tàu, nâng vị thế thị trường Việt Nam

"Ma trận" phụ phí hãng tàu ngoại – Kỳ cuối: Cần minh bạch cơ chế hình thành giá, phí- Ảnh 2.

Xếp dỡ container tại Cảng Hải Phòng

Từ câu chuyện hãng tàu ngoại tăng phụ phí áp cho chủ hàng Việt Nam thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận thấy, ngoài những yếu tố khách quan tác động thì sự liên kết từ các hiệp hội, ngành hàng còn yếu, chưa ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung có sức nặng.

"Mối quan hệ (hãng tàu – chủ hàng) lẽ ra dựa trên cơ sở thị trường, trao đổi để tìm tiếng nói chung thì lại phải cần tính đến giải pháp hành chính", ông Phan Thông, Tổng Thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam chia sẻ.

Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nay Việt Nam đã có vị thế khác với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam cũng là nơi các hãng tàu đang tạo nguồn doanh thu lớn. Do đó, các hãng tàu cần thay đổi cách nhìn và tôn trọng thị trường Việt Nam, xem xét cẩn trọng trước các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

"Ngoài việc có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch cơ chế giá, phí thì giữa chủ tàu, chủ hàng, doanh nghiệp cảng… cần xác định rõ quan hệ tương hỗ để cùng phát triển. Các hiệp hội cũng cần chủ động làm việc với các hãng tàu. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận và thống nhất, cơ quan quản lý nhà nước sẽ can thiệp", ông Hải nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải VN (VIMC) cho rằng, hiện nay 100% hàng hóa đi đường xa dựa hoàn toàn vào khoảng 10 hãng tàu lớn. Những hãng tàu này đồng hành và hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

"Nhưng nếu không có cơ chế minh bạch thì việc tăng giá, phí sẽ khiến mục tiêu giảm chi phí logistics của Việt Nam khó thực hiện, đồng thời làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", ông Trung nói và cho rằng, cùng với tập trung phát triển đội tàu của Việt Nam để tránh phụ thuộc, cần rà soát hệ thống quy định pháp luật (các hãng tàu phải tuân thủ pháp luật nước sở tại) và tăng cường liên kết các chủ hàng, doanh nghiệp tham gia chuỗi logistics để đưa ra các giải pháp tổng thể, kết hợp ứng dụng công nghệ để giảm các chi phí không cần thiết.

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, trên cơ sở các kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng về phụ phí hãng tàu ngoại, thời gian tới Cục sẽ yêu cầu các Cảng vụ hàng hải tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định của các hãng tàu, đặc biệt là giá cước và phụ phí. "Thanh tra hàng hải cũng vào cuộc, để xem có phải những chủ tàu thu cước 0 đồng hoặc thu thấp, lại chính là những doanh nghiệp tăng phụ phí cao nhất hay không. Ngoài ra, làm cao điểm thanh tra các đại lý môi giới", ông Mười cho hay và đề nghị, ngoài việc minh bạch cơ chế cấu thành giá, phí, các hãng tàu cần có giải pháp để giảm đến mức hợp lý các loại phụ phí, hài hòa lợi ích các bên.

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế quản lý tuyến vận tải cố định vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 58/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Bộ Luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải. Lý do đề xuất: Theo quy định hiện nay, hãng tàu cung cấp dịch vụ vận chuyên hàng hóa container băng đường biển khi hoạt động tại Việt Nam không phải đăng ký tuyên vận tải cố định, do đó việc mở tuyến, hủy tuyến, bổ sung hay rút tàu đều do hãng tàu tự quyết định. Trong thời gian qua đã có nhiều trường hợp hãng tàu bỏ chuyến, chậm chuyến ảnh hưởng đến lịch trình vận tải và kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp XNK.

Việc đăng ký và quản lý tuyến vận tải góp phần bảo đảm các hãng tàu thực hiện vận tải theo đúng lịch trình và kế hoạch vận tải. Đồng thời, việc quản lý tuyến giúp cơ quan nhà nước điều tiết được hoạt động của cảng biển để phù hợp với công suất được quy hoạch.


Ý kiến của bạn

Bình luận