Trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. |
Trạm nhiều, tiền thu ít?
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về những bất cập trong khai thác trạm thu phí Đại Xuyên trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Theo đó, VEC đề nghị dỡ bỏ trạm thu phí này do ùn tắc giao thông, khoảng cách trạm tới trạm chỉ 30km… Theo các chuyên gia, đề xuất này của VEC là có cơ sở trước tình trạng thất thu tiền phí và việc vận hành 2 trạm thu phí quá tốn kém trên cùng tuyến đường có khoảng cách chưa đầy 30 km đang gây bức xúc trong dư luận.
Kết quả giám sát việc thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mới công bố đã khiến nhiều người giật mình bởi số tiền thu được trong những ngày có sự giám sát cao hơn nửa tỉ đồng mỗi ngày so với số tiền được báo cáo trước đó.
Cụ thể, doanh thu thu phí 10 ngày tại cao tốc này được công bố là 19,85 tỉ đồng, bao gồm doanh thu thu vé lượt 17,5 tỉ đồng; vé tháng của tháng 7 là 1,7 tỉ đồng và vé quý III là 640,7 triệu đồng. Chia bình quân một ngày trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được 1,985 tỉ đồng.
Con số thu phí trên là cao hơn rất nhiều so mức thu phí bình quân hàng ngày của các tháng trước đó mà Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông.
Bên cạnh đó, theo thống kê của VEC, sau hơn 4 năm đưa trạm Đại Xuyên vào hoạt động, tại đây xảy ra 146 vụ ùn tắc, chủ yếu vào những ngày lễ, cuối tuần. Đặc biệt, kể từ khi trạm thu phí Đại Xuyên được khai thác bởi 2 đơn vị, tình hình ùn tắc tại đây càng nghiêm trọng hơn, diễn ra ở cả hai chiều. Việc này đã làm giảm chất lượng khai thác đường cao tốc. Tốc độ di chuyển của các phương tiện giảm, sự chờ đợi khi ùn tắc gây thiệt hại cho người tham gia giao thông về thời gian, nhiên liệu tiêu hao nhiều hơn...
Được biết, để duy trì hoạt động của trạm thu phí Đại Xuyên, số lượng cán bộ công nhân viên làm việc 72 người, tổng chi phí vận hành trạm Đại Xuyên 1 năm là 5 tỷ 360 triệu đồng. Đây là một khoản chi phí lớn ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư khai thác hoàn vốn BOT.
Nhà nước trả tiền trước để bỏ trạm?
Tại kỳ họp hồi tháng 11/2015, gần 80% ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó có phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên vào các dự án thuộc Quốc lộ 1.
Được biết, sau khi dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên hoàn thành còn dư thừa hơn 14000 tỉ đồng.
Tại phiên họp hồi tháng 11/2015, Ủy ban Thường vụ QH đã đề nghị Chính phủ rà soát lại danh mục các dự án dự kiến bố trí vốn dư theo nguyên tắc: Chỉ bố trí vốn cho các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, khắc phục việc giảm quy mô gây ách tắc giao thông và từng bước hoàn thành đồng bộ các tuyến tránh, kết nối của 2 tuyến đường này. Trường hợp sau khi rà soát, phân bổ, ngoài số vốn dư nêu trên, nếu vẫn tiếp tục còn dư, giao Chính phủ phân bổ cho các dự án liên quan đến đầu tư xây dựng 2 tuyến đường này theo đúng quy định của pháp luật.
Trước ý kiến đề nghị cân nhắc có thể sử dụng số vốn dư để đầu tư cho một số lĩnh vực, công trình, dự án khác, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng nguồn vốn dư cũng không lớn, không thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu, nên Uỷ ban Thường vụ QH tổng hợp thành danh mục và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát theo thứ tự ưu tiên, cân đối nguồn để bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tuyến đường Pháp Vân - Cao Bồ (Ninh Bình) nằm song song nhằm hỗ trợ Quốc lộ 1A và có thể xem là tuyến Quốc lộ 1A mới. Vậy nên việc bố trí vốn dư thừa từ dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để trả cho nhà đầu tư, bỏ trạm thu phí bất cập là một phương án cần được tính đến.
Việc này hoàn toàn hợp lý vì trong hợp đồng BOT có điều khoản cho phép thực hiện, đồng thời giúp giải tỏa các bức xúc lâu nay của người dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.