Miễn giảm nhiều thủ tục quản lý tàu thuyền du lịch của cá nhân

Tác giả: L. Chi

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 19/06/2024 09:02

Nhu cầu hoạt động cá nhân trong vùng nước cảng biển khác với hoạt động tàu hoạt động thương mại và vận tải dịch vụ hàng hóa hoặc chở khách. Vì vậy, cần có quy định miễn giảm về thủ tục vào, rời cảng; đặc thù về quản lý tàu thuyền neo đậu tại cảng, bến cho những đối tượng tàu thuyền này.

Miễn giảm nhiều thủ tục quản lý tàu thuyền du lịch của cá nhân- Ảnh 1.

Tàu thuyền du lịch của cá nhân cần có quy định miễn giảm về thủ tục vào, rời cảng; đặc thù về quản lý tàu thuyền neo đậu tại cảng, bến

Liên quan đến quy định tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân, mới đây tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 69/2022, Bộ GTVT cho biết, nhu cầu hoạt động cá nhân trong vùng nước cảng biển khác với hoạt động tàu hoạt động thương mại và vận tải dịch vụ hàng hóa hoặc chở khách. Vì vậy, cần có quy định miễn giảm về thủ tục vào, rời cảng; đặc thù về quản lý tàu thuyền neo đậu tại cảng, bến cho những đối tượng tàu thuyền này.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017 cũng quy định, các hoạt động lặn vệ sinh định kỳ phần dưới nước của tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân khi neo đậu tại cảng, bến dành riêng cho của tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân được miễn giảm thủ tục quy định tại điểm e khoản 2 Điều này. Chủ cảng, bến dành riêng cho của tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân chịu trách nhiệm thông báo kế hoạch lặn vệ sinh định kỳ, báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản hoặc fax hoặc email cho Cảng vụ hàng hải.

Khi neo đậu trong vùng nước cảng biển, số lượng thuyền viên được duy trì trên tàu thuyền như sau:

Đối với Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân: luôn duy trì ít nhất 1/3 số lượng thuyền viên. Trường hợp chủ cảng, bến bố trí nhân lực cảnh giới chu đáo, sẵn sàng điều động, đảm bảo an toàn thì không phải thực hiện bố trí trực ca.

Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân vào, rời khu vực hàng hải trong một vùng nước cảng biển thì Cảng vụ hàng hải thực hiện thủ tục đến cảng cho tàu thuyền. Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân hoạt động trong vùng nước cảng biển thì Cảng vụ hàng hải cấp lệnh điều động bằng văn bản theo Mẫu số 45a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân vào, rời cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải thì Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện thủ tục đến cảng cho tàu thuyền. Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân hoạt động trong vùng nước cảng biển thì Cảng vụ đường thủy nội địa cấp Lệnh điều động bằng văn bản theo Mẫu số 45a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đồng thời thông báo cho Cảng vụ hàng hải kế hoạch hoạt động của tàu để giám sát.

Đối với các quy định đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu cho tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân: thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT (định hướng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 57/2023/TT-BGTVT và Thông tư số 20/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT để bổ sung quy định về chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên làm việc trên tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân; tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu cho thuyền viên làm việc trên tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân).

Về giá dịch vụ tại cảng, bến của tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giá dịch vụ tại cảng, bến của du thuyền (định hướng sửa đổi, bổ sung vào các Quyết định của khung giá theo Thông tư số 12/2024/TT-BGTVT ngày 15/5/2024 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam.

Điều 69 Nghị định số 58/2017 quy định trực ca khi tàu thuyền hoạt động tại cảng như sau:

Trong thời gian tàu thuyền hoạt động tại cảng biển, thuyền trưởng phải bố trí thuyền viên trực ca, cảnh giới chu đáo, sẵn sàng xử lý việc trôi neo, đứt neo, đứt dây buộc tàu, khi dây buộc tàu quá căng hay quá chùng hoặc các nguy cơ gây mất an toàn khác đối với tàu thuyền, hàng hóa và người trên tàu; phải luôn duy trì máy móc, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, phương tiện dự phòng ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.

Khi neo đậu trong vùng nước cảng biển, trên tàu luôn duy trì ít nhất 2/3 số lượng thuyền viên của tàu thuyền với các chức danh phù hợp, trong đó phải có thuyền trưởng hoặc đại phó và máy trưởng hoặc máy hai để điều động tàu thuyền hoặc xử lý trong các trường hợp khẩn cấp.

Ý kiến của bạn

Bình luận