Phụ nữ đồng bào dân tộc Thái tại Yên Bái rạng rỡ với chiếc MBH Tằng Cẩu. |
Không thỏa hiệp với giảm giá thành
Tại buổi Họp báo Công bố chương trình “Vận động hỗ trợ mũ bảo hiểm (MBH) dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái có hoàn cảnh khó khăn” do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức ngày 27/2, một số vấn đề quan trọng liên quan đến chất lượng và tính khả thi của loại “MBH độc nhất thế giới” này đã được phân tích kỹ lưỡng.
Khi được hỏi về việc loại MBH này có giá thành từ 300 đến 400 ngàn đồng là chưa phù hợp với thu nhập của đồng bào dân tộc Thái, Ts. Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, phụ nữ dân tộc Thái có truyền thống búi tóc cao trên đỉnh đầu sau khi kết hôn là một nét bản sắc tốt đẹp cần được tôn vinh. Việc sở hữu chiếc MBH vừa phù hợp với điều kiện phong tục tập quán, vừa đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông là một mong muốn chính đáng đã có từ rất lâu của chị em dân tộc Thái.
“Chính vì vậy, chúng ta không được phép hy sinh chất lượng của MBH Tằng Cẩu vì giá thành. Tất nhiên khi đảm bảo chất lượng thì giá thành sẽ phải cao. Trên thực tế, một chiếc mũ loại 3/4 thông thường đạt quy chuẩn cũng có giá xấp xỉ 300 ngàn đồng.. Trong khi đó, MBH Tằng Cẩu với thiết kế đặc biệt nhưng quy mô sản xuất lại nhỏ vì nhu cầu sử dụng MBH Tằng Cầu trên toàn thị trường là không cao, nên không thể sản xuất hàng loạt với giá thành thấp hơn được”, TS. Khuất Việt Hùng khẳng định.
Ts. Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: "Chúng ta không được phép hy sinh chất lượng của MBH Tằng Cẩu vì giá thành". |
Về giải pháp khắc phục trở ngại này, Ts. Khuất Việt Hùng cho hay, Ủy ban ATGT Quốc gia rất mong muốn có được sự hỗ trợ tích cực từ phía các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo sự thuận lợi tối đa chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có thể tiếp cận được với mũ.
Mặt khác, Ts. Khuất Việt Hùng cũng thông tin thêm, giá thành của MBH Tằng Cẩu phụ thuộc theo số lượng sản xuất mũ. Nếu sản xuất càng nhiều thì giá càng rẻ.
“Với tính toán của chúng tôi, phương án sản xuất đồng bộ một lần hơn 200 nghìn chiếc (tương ứng với số lượng phụ nữ Thái đã có gia đình và cần sử dụng MBH Tằng Cẩu hiện nay) thì giá thành rơi vào khoảng 300 nghìn đồng/chiếc. Còn nếu sản xuất khoảng 100 nghìn chiếc thì giá thành sẽ rơi vào khoảng 400 nghìn đồng/chiếc. Tất cả các mũ mà chúng tôi hỗ trợ lần này đều do các doanh nghiệp tài trợ, các nhà tài trợ mua trực tiếp từ nhà sản xuất. Hình thức hỗ trợ có thể là tài trợ hoàn toàn 100%; hỗ trợ một phần giá thành của mũ; thu mua mũ cũ và lấy đổi mũ Tằng Cẩu… sẽ là những giải pháp hữu hiệu trong thực tế”, Ts. Khuất Việt Hùng nhìn nhận.
Đạt chất lượng theo quy chuẩn quốc gia
Trước những thắc mắc về chất lượng của loại MBH dành riêng cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, chiếc MBH được thiết kế dành cho chị em dân tộc Thái này đã trải qua quá trình thiết kế, nghiên cứu kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các đơn vị kỹ thuật trực thuộc để điều chỉnh thông số kỹ thuật và thiết kế.
“Đến thời điểm này, chiếc MBH Tằng Cẩu đã cơ bản đạt các chỉ tiêu theo quy chuẩn quốc gia về MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng, tiêu chuẩn chất lượng của MBH dành riêng cho phụ nữ đồng bào dân tộc Thái được dựa trên 2 văn bản chính gồm tiêu chuẩn công bố của nhà sản xuất và tiêu chuẩn QCVN2 về MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy.
MBH Tằng Cẩu hiện nay có thiết kế đẹp mặt với những hoa văn đặc trưng của dân tộc Thái kèm theo chức năng phản quang khi đi trong đêm, phù hợp với điều kiện giao thông miền núi. |
Đánh giá về thiết kế của MBH Tằng Cẩu, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho hay, về mặt cảm quan, chiếc mũ mới được thiết kế khá phù hợp với người dân sinh sống trên địa bàn miền núi. Mũ có độ khít và vừa nhất định với phụ nữ hơn rất nhiều so với các loại MBH thông thường. Đồng thời, các chỉ tiêu kỹ thuật của chiếc mũ này cũng đã đáp ứng cơ bản các quy chuẩn kỹ thuật.
“Cá nhân tôi thấy nó đã tương đối phù hợp, ngoài ra, hội đồng các nhà nhà khoa học, các nhà kỹ thuật cũng đã tích cực nghiên cứu và điều chỉnh thiết kế cho chiếc mũ này. Quá trình thực tế thử nghiệm cũng cho kết quả tích cực khi tất cả các Ban ATGT địa phương đều phản hồi tích cực”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ từ Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện toàn quốc có trên 219 nghìn phụ nữ đồng bào dân tộc Thái có gia đình và phải búi tóc trên đỉnh đầu. Trong đó, tỉnh Sơn La có trên 109 nghìn người (thống kê đến ngày 15/11/2016).
Ông Nguyễn Văn Ninh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Sơn La cho biết, Ban ATGT tỉnh đã tiến hành trao 30 mũ thí điểm đợt 1 và nhận được phản hồi cơ bản đạt yêu cầu, chỉ cần chỉnh sửa đôi chút. Đến khi trao 800 chiếc trong đợt 2 vừa rồi thì bà con đều chấp nhận về kể cả chất lượng và hình thức.
Theo luật tục của đồng bào dân tộc Thái đen, khi phụ nữ người Thái đen lấy chồng sẽ phải búi tóc lên trên đỉnh đầu. Đây là tục lệ lâu đời và là dấu hiệu để phân biệt giữa phụ nữ có chồng và chưa chồng. Tằng Cẩu là biểu tượng của sự thủy chung và cũng là cách thể hiện tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng, người phụ nữ chỉ bỏ tằng cẩu khi chồng chết. Riêng bà con dân tộc Thái ở Sơn La có khác các vùng miền khác khi búi tóc lớn hơn và có phần nghiêm ngặt hơn. Khi đã lấy chồng thì người phụ nữ sẽ không được phép bỏ búi tó dưới bất cứ hình thức nào. Bởi vậy, với truyền thống phong tục tập quán lâu đời của mình, chị em đồng bào dân tộc Thái rất khó tuân thủ luật giao thông, gây mất an toàn cho bản thân, đồng thời gây khó khăn cho các lực lượng chức năng đảm bảo TTATGT. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.