Muốn giữ đường tốt cần phát hiện sớm hư hỏng để sửa chữa

Tác giả: Khánh Lê

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 24/06/2018 08:00

Vốn cho bảo trì đường bộ hiện nay chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sửa chữa, do đó chỉ có phát hiện sớm, sửa chữa kịp thời thì mới bảo đảm cho giao thông an toàn, êm thuận.

 

IMG_3037_1
 

Vốn mới đáp ứng được 40%

Hiện nay, hệ thống quốc lộ gồm 146 tuyến đường (bao gồm cả một số đoạn tuyến cao tốc, đường an toàn khu…) với tổng chiều dài trên 23.800km, trong đó có tới 20.582km (gồm 5.450 cầu, các công trình cầu phao, bến phà và hầm đường bộ...) được quản lý, bảo trì bằng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, còn lại 3.234km được bàn giao cho địa phương và nhà đầu tư và BOT.

Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, vốn đầu tư cho việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ ngày càng tăng nên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nhiều tuyến đường chưa được cải tạo, nâng cấp, đường chưa vào cấp kỹ thuật, cầu yếu còn nhiều, hàng năm lại thường xuyên gặp thiên tai như bão, lũ lụt nên càng cần thiết phải chú trọng nhiều hơn cho công tác bảo trì đường bộ.

Trước năm 2012, thời điểm chưa thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ, tình trạng kỹ thuật đường bộ nhiều nơi còn thấp kém, đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường chưa bảo đảm cho việc đi lại an toàn, êm thuận; sụt trượt còn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông; số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều. Cụ thể, đối với mạng lưới quốc lộ, đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và trung bình (cấp I, II, III) mới chỉ chiếm 47%, còn lại 53% là đường cấp thấp (cấp IV chiếm 32%, cấp V trở lên chiếm 21%). Chiều rộng mặt đường theo đúng cấp kỹ thuật còn thấp; chiều rộng mặt đường 7m có khoảng 46%; mặt đường 5 - 7m khoảng 33%, còn lại khoảng 21% là mặt đường có bề rộng dưới 5m. Chất lượng mặt đường chưa cao, đường tốt chiếm 43%, trung bình chiếm 37%, đường xấu và rất xấu chiếm 20%; vẫn còn hàng nghìn cầu yếu. Trong 16.758km đường được bảo trì năm 2012 thì có tới 9.937km quá thời hạn sửa chữa lớn 8 năm và 2.577km quá thời hạn sửa chữa vừa 4 năm nhưng chưa được đầu tư sửa chữa; hàng nghìn cầu yếu và gần 3.000km (chiếm  gần 15%) quốc lộ hiện có chất lượng xấu và rất xấu cần được đầu tư, sửa chữa. Mặt khác, lưu lượng xe ngày càng tăng cao, nhu cầu đáp ứng về hạ tầng và ATGT là rất cấp bách; tình hình bão lụt diễn biến rất phức tạp, hàng năm đều có trên 10 cơn bão đổ bộ vào nước ta, trong đó nhiều cơn bão có cường độ rất lớn gây mưa lũ, sụt trượt lớn dẫn đến gây tắc đường ở một số tuyến quốc lộ. Bên cạnh đó, việc xe quá tải hoành hành ngày càng gia tăng, phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ...

Ông Trần Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục ĐBVN) cho biết, với thực tế chất lượng hệ thống quốc lộ nước ta hiện nay còn ở mức thấp trong khi vốn cho bảo trì quốc lộ thiếu nhiều từ năm 2013 đến nay (khi đã có Quỹ Bảo trì đường bộ thì đáp ứng khoảng 35 - 40%), tình trạng đó kéo dài qua nhiều năm dẫn đến công tác quản lý, bảo trì không được thực hiện đầy đủ theo quy định (công tác bảo dưỡng thường xuyên chỉ bố trí vốn để thực hiện một số nhiệm vụ chính, cấp thiết để đảm bảo giao thông; công tác sửa chữa định kỳ thụ động, hỏng đâu sửa đấy, không thực hiện sửa chữa theo đúng thời gian qui định). Hơn nữa, theo số liệu thống kê sơ bộ thì đến nay có khoảng 10.900km đường quá thời hạn sửa chữa định kỳ (trung hoặc đại tu). Đặc biệt, do điều kiện địa lý, có tới 40% quốc lộ đi qua khu vực đồi núi chịu tác động mạnh mẽ từ điều kiện thời tiết (mưa bão gây sạt lở, phá hủy kết cấu công trình…) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hệ thống quốc lộ bị xuống cấp nhanh, đòi hỏi kinh phí cần thiết cho bảo trì rất lớn và năm sau cao hơn năm trước.

Phải giữ đường thật tốt

Cũng theo ông Sơn, trong rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong bối cảnh hiện nay khi thắt chặt đầu tư công cũng như nguồn vốn dành cho bảo trì đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu thì công tác duy tu, phát hiện sớm và sửa chữa kịp thời những hư hỏng là giải pháp hàng đầu. Mặt khác trong các năm qua, do chưa có bộ cơ sở dữ liệu, hệ thống nên việc xây dựng kế hoạch nhu cầu bảo trì của Tổng cục ĐBVN mới chỉ nhằm mục tiêu phục vụ xây dựng dự toán ngân sách hàng năm (đáp ứng mục tiêu cơ bản đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt; chưa thực hiện được việc duy trì, bảo vệ bền vững công trình) nên kế hoạch được xây dựng không phản ánh hết nhu cầu vốn thực tế, chưa tạo ra cái nhìn đầy đủ, toàn diện của xã hội về yêu cầu cho công tác quản lý, bảo trì.

Kinh phí xây dựng kế hoạch trung hạn 3 năm từ 2018 - 2020 của Tổng cục ĐBVN năm 2018 là 23.891 tỷ đồng, năm 2019 là 25.475 tỷ đồng, năm 2020 là 28.023 tỷ đồng.  Từ cơ sở trên, cần thiết xác định đầy đủ kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ theo quy định, làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền quan tâm, ưu tiên bố trí vốn tương xứng, đồng thời tạo sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý bảo trì.

Trong cuộc họp mới đây về công tác bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương Nguyễn Văn Thể chỉ rõ quan điểm xuyên suốt là phải giữ đường cho thật tốt. Với các tuyến đường hiện nay nếu đầu tư để duy tu bảo dưỡng thì sẽ hiệu quả ngay, không lãng phí. Do vậy, các đơn vị cần tập trung nguồn vốn để bảo trì, bảo dưỡng hệ thống đường. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, các đơn vị cần tăng cường, kiểm tra, kiểm soát việc duy tu, bảo dưỡng ở các dự án BOT; xem xét các cầu yếu, cầu nhỏ hẹp, đường cong…, trong đó ưu tiên xử lý các “điểm đen” tiềm ẩn mất ATGT; thanh tra các doanh nghiệp thực hiện duy tu, bảo dưỡng đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo trì đường bộ...

Ý kiến của bạn

Bình luận