Các tình nguyện viên ra quân làm sạch bãi biển và các khu sinh thái ven biển ở Quảng Nam |
Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên: Trong số những lợi ích mà biển mang lại, các yếu tố môi trường biển, hệ sinh thái và đa dạng sinh học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đan xen giữa lợi ích trước mắt và lâu dài theo đúng nghĩa của nó. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo, là nền tảng cho phát triển bền vững các ngành kinh tế sinh thái (ecosystem-based economy) của đất nước. Cho nên, có thể nói sự “trường tồn của biển cả” sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển.
Giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và vùng ven biển: Chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm biển kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tăng cường thực thi Luật Bảo vệ môi trường (2004) liên quan tới quy định các hành vi hủy hoại môi trường bị nghiêm cấm trong các điều 14 - 16, 20 - 29... áp dụng cho vùng biển.
Quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo: Thông qua áp dụng và thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng, liên kết với cộng đồng và các bên liên quan (stakeholder) và quản lý không gian biển (marine spatial management) dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái (ecosystem-based approach). Mục đích chung của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là: Đảm bảo phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hóa) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa Nhà nước, tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương, cũng như giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành trong quá trình khai thác, sử dụng các hệ thống tài nguyên - môi trường biển, ven biển và hải đảo.
Tăng cường kiểm soát môi trường biển và vùng ven biển: Phương thức này bao gồm các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát, cưỡng chế thực thi (kiểm soát liên ngành), chủ yếu như: Tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược, quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường hoặc ô nhiễm, các giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển và mặt nước biển và hải đảo.
Quan trắc - cảnh báo môi trường: Tiến hành quan trắc định kỳ và lập lại để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời cảnh báo để xử lý và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường. Ngoài hệ thống quan trắc môi trường biển quốc gia, gần đây Chính phủ đang đầu tư xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển bằng rada tích hợp (các trạm dọc biển, đảo).
Các công cụ kinh tế và chính sách: Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, như: Lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác.
Thực tế cho thấy, các quy định xử phạt của Việt Nam còn nhiều khác biệt và chồng chéo. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển còn chưa được đề cập đến. Các mức độ vi phạm đã cố gắng chi tiết hóa nhưng chưa đầy đủ, mức độ xử phạt còn thấp và còn thiếu qui định về sử dụng các công cụ pháp lý - kinh tế như những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm biển. Cho nên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường biển.
Tham vấn của các bên liên quan và tuyên truyền: Về bản chất, tài nguyên biển - ven biển thuộc loại tài nguyên chia sẻ (shared resources) nên việc sử dụng nó làm gia tăng mâu thuẫn lợi ích giữa các cộng đồng hưởng dụng các hệ thống tài nguyên này. Vì thế, cần một giải pháp quan trọng là phải tranh thủ càng nhiều càng tốt sự tham vấn của các bên liên quan và lôi cuốn được khả năng tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động quản lý môi trường biển và ven biển. Vấn đề này thực hiện đơn lẻ ở từng khu vực, chưa đại trà.
Thúc đẩy tiến trình xây dựng “Thương hiệu biển Việt Nam”: Xây dựng hướng dẫn xác định và cấp chứng chỉ xanh cho các vùng biển, ven biển, hải đảo, cũng như "Nhãn sinh thái biển cho các sản phẩm và dịch vụ kinh tế biển”...; triển khai thường xuyên hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân địa phương về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo; hàng năm tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01 - 7/6) và hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới (8/6); xây dựng và truyền thông điệp về ý thức biển cả của dân tộc Việt Nam qua câu nói bất hủ của Bác Hồ (1959): “Biển cả của ta do nhân dân ta làm chủ!”
Biển Việt Nam nằm ở vị trí có nhiều tuyến đường Hàng hải quan trọng của khu vực cũng như của thế giới. Từ các hải cảng ven biển của Việt Nam thông qua eo biển Malacca để đi đến Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu, châu Phi; qua eo biển Bashi có thể đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, Nam Mỹ và Bắc Mỹ; qua các eo biển giữa Philippines, Indonesia, Singapore đến Autralia và New Zealand... Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Vận tải biển nước ta phát triển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Dọc bờ biển có trên 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, trong đó một số nơi có khả năng xây dựng cảng quy mô tương đối lớn, kể cả cấp trung chuyển quốc tế. Tiềm năng tài nguyên biển của nước ta tuy không được coi là vào loại giàu có của thế giới, nhưng cũng rất đáng kể và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu chiến lược khác, đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia, thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích chứa dầu khí và có nhiều triển vọng khai thác nguồn khoáng sản này. Vùng biển nước ta có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch. Dọc bờ biển hình chữ S của chúng ta có nhiều bãi biển lớn và nhỏ, cảnh quan đẹp, trong đó có những bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển, với nhiều trung tâm du lịch biển quan trọng có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến du lịch quốc tế Đông Nam Á như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh..., có đủ các điều kiện và khả năng để trở thành những tụ điểm về du lịch biển. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.