ME Four-Twelve là mẫu concept đáng chú ý nhất trong giai đoạn Chrysler hợp tác với Daimler-Benz. |
Chrysler ME Four-Twelve Concept không chỉ là mẫu xe ý tưởng đơn thuần, đã có một chiếc "bằng da bằng thịt" được ra lò. Nếu thương vụ sáp nhập giữa Chrysler và Daimler-Benz diễn ra tốt đẹp thì ME Four-Twelve đã được sản xuất đại trà.
Thương vụ sáp nhập trị giá 36 tỷ USD bắt đầu từ năm 1998 và kéo dài cho đến năm 2007 để rồi đi vào bế tắc. Chỉ vì sự do dự của giới thượng tầng Daimler-Benz mà một công ty khác đã chen ngang, mua lại 81% cổ phần của Chrysler chỉ với giá 7,4 tỷ USD.
Trong thời gian gần 10 năm, Chrysler đã cho ra những dòng xe Dodge Journey, Dodge Caliber, Dodge Nitro, Chrysler Sebring, Jeep Compass, Patriot và Jeep Liberty dưới sự bảo trợ của Daimler-Benz. Đáng tiếc nhất là dự án siêu xe ME Four-Twelve đã tan vỡ theo sự "hụt chân" của tập đoàn Đức.
Điều gì làm nên Chrysler ME Four-Twelve?
ME Four-Twelve sở hữu động cơ V12 6.0L với 4 bộ tăng áp của AMG, cho ra công suất 850 mã lực. |
Ra mắt lần đầu tại triển lãm Detroit Auto Show 2004, mẫu concept Chrysler ME Four-Twelve đã gây ấn tượng mạnh với giới truyền thông. Dưới sự trợ giúp của Daimler-Benz, Chrysler đã tạo ra siêu xe sở hữu động cơ V12 6.0L với 4 bộ tăng áp của AMG.
Động cơ này cho ra công suất 850 mã lực tại 5.750 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 1.152 Nm tại dải tua 2.500-4.500 vòng/phút. Sức mạnh được truyền đến trục bánh sau qua hộp số 7 cấp ly hợp ướt. ME Four-Twelve cũng là siêu xe hiếm hoi sở hữu bộ lẫy số ở thời điểm đó.
Động cơ không phải là điều ấn tượng duy nhất của siêu xe này. Nhờ ứng dụng vật liệu nhẹ như carbon và nhôm cho khung sườn, sợi carbon cho thân xe nên ME Four-Twelve có khối lượng chỉ 1.309 kg. Đây là khối lượng đáng mơ ước đối với một chiếc siêu xe, ngay cả chiếc Koenigsegg Agera One ra mắt sau đó 10 năm vẫn không thể đạt khối lượng này.
Hệ thống đĩa phanh của ME Four-Twelve được làm từ vật liệu gốm và nhựa tổng hợp. |
Ngay cả ghế ngồi trên ME Four-Twelve cũng được làm từ carbon, trong khi hệ thống đĩa phanh được làm từ vật liệu gốm và nhựa tổng hợp.
Dù chưa được thử nghiệm thực tế nhưng theo công bố của Chrysler, ME Four-Twelve có thể tăng tốc 0-100 km/h trong chỉ 2,6 giây. Tỷ lệ công suất/trọng lượng của ME Four-Twelve đã vượt qua những siêu xe đầu bảng thời đó như Ferrari Enzo, McLaren F1 và Bugatti Veyron.
Bên cạnh đó, hệ thống treo trên ME Four-Twelve cũng thuộc hàng hiện đại nhất ở thời điểm đó. Các giảm xóc có thể điều chỉnh bằng các thanh đẩy kết nối với tay đòn kép ở cả trước và sau.
ME Four-Twelve trông như thế nào?
Hệ thống treo trên ME Four-Twelve cũng thuộc hàng hiện đại nhất ở thời điểm đó. |
ME Four-Twelve là mẫu xe ý tưởng nhưng thiết kế thực tế của mẫu xe này lại chẳng viển vông. Thậm chí, mẫu concept này được cho là đã ở rất gần với bản sản xuất thương mại và nếu Daimler-Benz quyết đoán hơn thì ME Four-Twelve đã có mặt trên thị trường.
Ở thời điểm đó, ngôn ngữ thiết kế của Chrysler được đánh giá là rất "mãnh liệt". Khi áp dụng vào ME Four-Twelve, siêu xe này trông hung tợn. Đáng chú ý, không biết Chrysler đã phù phép như thế nào mà chiếc ME Four-Twelve có đôi chút nét thanh lịch - một thái cực hoàn toàn trái ngược với hung tợn.
Bên trong, nội thất của ME Four-Twelve đã được thiết lập hoàn chỉnh và trông có vẻ đã sẵn sàng cho việc sản xuất đại trà.
Điều gì đã xảy đến với dự án ME Four-Twelve?
Mọi thứ về ME Four-Twelve đã sẵn sàng để lên dây chuyền sản xuất. Chrysler cũng đã tính toán đến chi phí phát triển và xây dựng dây chuyền sản xuất siêu xe này ở một giới hạn như 10 chiếc hoặc 100 chiếc. Từ đó, giá mỗi chiếc ME Four-Twelve sẽ nằm trong khoảng từ 250.000 USD đến 750.000 USD. Phản hồi khá tốt của công chúng về mức giá của ME Four-Twelve đã bật đèn xanh để Chrysler sản xuất siêu xe này.
Tuy nhiên, dự án này bị đổ vỡ ngay trước khi dây chuyền sản xuất được phê duyệt do một bản báo cáo xuất hiện vào năm 2005. Theo bản báo cáo này, chi phí phát triển ME Four-Twelve, xây dựng dây chuyền sản xuất có thể lên đến hàng trăm triệu USD.
Mặc dù ME Four-Twelve nhanh hơn Mercedes-Benz SLR McLaren - mẫu xe đầu bảng của hãng xe Đức lúc bấy giờ - nhưng giá thành cũng đắt hơn rất nhiều. Giới thượng tầng của hãng xe Đức cần thêm thời gian để suy nghĩ về dự án này. Để rồi đến năm 2007, thương vụ sáp nhập đổ vỡ đã khiến dự án này đi vào ngõ cụt
ME Four-Twelve "chết", nền siêu xe Mỹ cũng "băng hà"
Nếu không có bản báo cáo xuất hiện vào năm 2005, Chrysler đã có một mẫu siêu xe cho nước Mỹ (dù mang động cơ của Đức) và Ford GT cũng đã có bạn đồng hành trong việc chống lại xe Italy.
Thậm chí, ME Four-Twelve có thể đã đánh bại những chiếc Ferrari mạnh nhất ở thời điểm đó để mang vinh quang về cho người Mỹ. Bên cạnh đó, người Mỹ luôn thích những mẫu siêu xe, những quái vật cơ bắp và ME Four-Twelve hội tụ đủ 2 yếu tố đó.
Nếu ME Four-Twelve được sản xuất thì GM đã chẳng phải chật vật phát triển siêu xe trong hơn 15 năm qua. Đến nay, tập đoàn biểu tượng cho nền công nghiệp ôtô Mỹ chỉ làm ra được chiếc Corvette C8. Tuy nhiên, Corvette C8 chỉ đủ đẳng cấp đứng trong phân khúc xe thể thao động cơ đặt giữa và thua xa "tiền bối" ME Four-Twelve.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.