Nga - Trung sưởi ấm quan hệ bằng đường khí đốt 55 tỷ USD

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 04/12/2019 08:44

Với đường ống khí đốt gần 2.900 km Sức mạnh Siberia, Trung Quốc và Nga tạo động lực cho nhau vào thời điểm quan hệ với phương Tây lạnh nhạt.

lynxmpefas0hv-l-1599-1575261157_irsi

Các công nhân Trung Quốc tại công trường xây dựng tuyến đường ống Sức mạnh Siberia ở thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: Reuters.

Sức mạnh Siberia được đánh giá là dự án năng lượng quan trọng nhất của Nga kể từ khi Liên Xô tan rã và là liên kết giúp bồi đắp kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Bắc Kinh và Moskva, sau nhiều năm cạnh tranh và nghi ngờ lẫn nhau, đang mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược, động thái có tác động không nhỏ tới chính trị toàn cầu cũng như thị trường thương mại và năng lượng thế giới. Cùng lúc, Bắc Kinh đang xảy ra chiến tranh thương mại với Washington trong khi quan hệ giữa Nga với phương Tây ngày càng lạnh giá hơn.

 "Việc Trung Quốc và Nga hợp lực truyền đi thông điệp rằng vẫn có những lựa chọn thay thế cho trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn dắt", Erica Downs, học giả từ Đại học Columbia, cựu chuyên gia phân tích về năng lượng thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), bình luận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì lễ khánh thành đường ống. Chủ tịch Tập từng mô tả ông chủ Điện Kremlin là "người bạn thân thiết và gắn bó nhất" của mình trong số các lãnh đạo thế giới.

Nga, quốc gia sở hữu trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, cần tiền trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp khó khăn dưới sức ép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cần nhiên liệu và đang hướng tới mục tiêu loại bỏ than đá trong sản xuất, sinh hoạt.

"Trung Quốc cần nguồn cung năng lượng và Nga có nguồn cung như thế", Tổng thống Putin hồi tháng 10 nói. "Đây là mối quan hệ đối tác hoàn toàn tự nhiên và nó sẽ tiếp tục".

Nga và Trung Quốc bắt đầu tăng cường hợp tác sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Đối mặt với các biện pháp cấm vận đau thương, Điện Kremlin phải tìm đến bắt tay với những quốc gia không quay lưng với mình nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014. Chỉ hai tháng sau, một hợp đồng cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD được ký Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập ký.

Hợp tác sau đó còn mở rộng sang cả lĩnh vực quân sự. Tháng 9/2018, các binh sĩ Trung Quốc và Nga tham gia một cuộc tập trận chung. Đây là lần đầu tiên Nga mời một quốc gia nằm ngoài các đồng minh Liên Xô cũ tham gia vào cuộc tập trận thường niên lớn nhất năm.

Thương mại Nga - Trung đã vươn lên mức lịch sử vào năm ngoái, vượt 100 tỷ USD, theo dữ liệu từ chính phủ Nga.

Hồi tháng 6, tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei ký một thỏa thuận với nhà mạng di động MTS Nga để phát triển mạng lưới 5G ở nước này, bất chấp việc Huawei bị Mỹ liệt vào danh sách đen và bị coi là "mối đe dọa an ninh quốc gia".

Trong lúc Nga tìm cách phi đôla hóa nền kinh tế, đồng nhân dân tệ Trung Quốc đang dần chiếm tỷ lệ lớn hơn trong kho dự trữ ngoại tệ của Nga, tăng lên mức 14,2% hồi tháng 3, từ mức 5% một năm trước đó, theo Ngân hàng Trung ương Nga. Bước thay đổi trên giúp thúc đẩy thương mại giữa hai nước khi các doanh nghiệp Nga bắt đầu làm ăn nhiều hơn với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ.

Nhưng liên minh Nga - Trung không phải lúc nào cũng "thuận buồm xuôi gió". Hợp tác có thể bị sứt mẻ bởi cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở các khu vực như Trung Á. Vùng Viễn Đông thuộc Nga gần đây chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống lại các dự án do Trung Quốc tài trợ như nhà máy nước đóng chai trên hồ Baikal hay nhà máy khai thác gỗ trong các cánh rừng Siberia.

Khả năng tiếp cận với nguồn khí đốt tự nhiên ở Nga còn mang đến đòn bẩy lợi thế mới cho Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ bằng cách giúp Bắc Kinh giảm phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Washington.

Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ vào Trung Quốc liên tục tăng cho tới khi Bắc Kinh đưa ra mức thuế 10% hồi năm ngoái. Đến khi Bắc Kinh tăng thuế lên 25% vào tháng 5 năm nay, lượng khi đốt tự nhiên Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ đã chững lại.

"Nếu chiến tranh thương mại không xảy ra, Mỹ vẫn là nguồn tăng trưởng cung cấp khí đốt vô cùng hứa hẹn với Trung Quốc", Hou Qijun, chủ tịch PetroChina, nhà sản xuất dầu khí hàng đầu Trung Quốc, nhận định.

Đường đi của tuyến đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia (nét đứt màu xanh lá cây). Ảnh: Gazprom.

Khi được hỏi về các giao dịch năng lượng giữa Trung Quốc và Nga, một phát ngôn viên công ty nói họ sẽ "tính toán để mua khí đốt phù hợp với nhu cầu thực tế cũng như chi phí".

Việc Nga gia nhập thị trường khí đốt Trung Quốc sẽ tiếp tục là trở ngại lớn đối với các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ ngay cả nếu Washington và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận thương mại, đồng thời thống nhất giảm thuế năng lượng.

Tuyến đường ống từ Nga sẽ "đóng lại một số cánh cửa đối với khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ", Anna Mikulska, chuyên gia từ Viện Baker về Chính sách Công thuộc Đại học Rice, nhận xét.

Dự án Sức mạnh Siberia, được xây dựng và vận hành bởi tập đoàn nhà nước Nga Gazprom, sẽ kết nối các mỏ khí đốt Siberia với những trung tâm công nghiệp ở phía bắc Trung Quốc, đi qua những địa hình trắc trở như đầm lầy, núi cao hay băng vĩnh cửu.

Tại trạm nén khí Atamanskaya, nơi khí đốt sẽ được nén lại trước khi đi vào lãnh thổ Trung Quốc cách đó 145 km, kỹ sư Pavel Vesnin đang kiểm tra hàng chục van và vòi trong hệ thống. "Đường ống lớn đến nỗi tôi có thể đi bộ bên trong mà không cần phải cong lưng", ông nói.

Hợp tác năng lượng với Nga đang gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Bắc Cực, nơi Mỹ, Canada và một số quốc gia khác đang cạnh tranh gay gắt nhằm làm chủ các tuyến vận tải biển cùng nguồn tài nguyên dồi dào tại đây. Trung Quốc, dù không tiếp giáp với Bắc Cực, giờ đây vẫn có phần trong chiếc bánh.

Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào những dự án khí đốt lớn của Moskva ở Bắc Cực, nằm ở phía bắc tuyến đường ống Sức mạnh Siberia. Hãng vận tải biển lớn nhất Trung Quốc, Cosco Shipping Holdings Co. đang liên doanh với đối tác PAO Sovcomflot của Nga để vận hành một đội tàu phá băng chở khí đốt.

Suốt nhiều năm, hợp tác năng lượng giữa Nga và Trung Quốc là một trong những tiềm năng chưa được khai phá, bị cản trở do những nghi ngại và bất đồng về ý thức hệ.

Một đường ống dẫn dầu, được thảo luận từ những năm 1970, cuối cùng cũng đi vào hoạt động hồi năm 2009. Tuy nhiên, tiến trình mở rộng hợp tác khí đốt vẫn chậm chạp do thường xuyên xảy ra tranh cãi về giá cả và thiếu cơ sở hạ tầng.

Từ sau thỏa thuận khí đốt năm 2014, Nga đã tăng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, đủ sức cạnh tranh với Arab Saudi.

Dự án Sức mạnh Siberia sẽ bắt đầu xuất khẩu 5 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc trong năm nay và tăng dần lên mức 38 tỷ m3 vào năm 2025, tương đương mức tiêu thụ khí đốt hàng năm của Brazil.

Trung Quốc dự kiến trở thành quốc gia nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới vào năm tới và chiếm hơn 40% tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu đến năm 2024, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Với Sức mạnh Siberia, Nga có thể đáp ứng gần 10% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vào năm 2024.

Hai chính phủ đã bắt tay vào thảo luận phần tiếp theo: Một đường ống khí đốt đi qua Mông Cổ. Mối quan hệ về năng lượng là dấu hiệu cho thấy liên kết địa chính trị rộng lớn hơn giữa Nga và Trung Quốc, Alexander Gabuev, chuyên gia tại viện nghiên cứu Trung tâm Carnegie Moskva, đánh giá.

"Hợp tác năng lượng có lợi cho cả Nga và Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn chiến lược", ông nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận