Nga ngừng cấp S-300 cho Syria vì phát hiện F-35I đã tham chiến?

Tác giả: SOHA

saosaosaosaosao
Ứng dụng 27/05/2018 06:09

Hành động bất ngờ ngừng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Syria của Nga hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi

 

46-15270913816541693866393

Nga hiện đã hủy bỏ kế hoạch cung cấp S-300 cho Syria

Hôm 11/5, ông Vladimir Kozhin - trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với phóng viên báo Izvestia rằng Moskva hiện không có kế hoạch đàm phán về việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Syria.

Hành động này của Nga gây bất ngờ lớn, vì trước đó không lâu chính họ đã khẳng định bằng nhiều lời lẽ vô cùng đanh thép rằng sẽ sớm chuyển giao S-300 cho Damascus nhằm giúp đồng minh thân thiết tại Trung Đông đủ sức đánh trả các cuộc tập kích đường không trong tương lai.

Lý do mà Nga đưa ra đó là phòng không Syria hiện đã quá mạnh, thừa sức bảo vệ không phận kể cả khi không sở hữu S-300. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh điều ngược lại hoàn toàn, khi Quân đội Syria gần như chỉ biết "giơ lưng chịu trận" trước những đòn tấn công mãnh liệt của Không quân Israel.

Đến lúc này, một giả thiết nữa lại được đưa ra, đó là Nga không dám giao S-300 vào tay Quân đội Syria vì dù sao đây vẫn là một vũ khí mang tính biểu tượng của Moskva, nếu nó bị phá hủy thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quốc phòng của họ.

Phòng không Syria tỏ ra chưa đủ khả năng chống lại các cuộc tập kích của Không quân Israel, kể cả khi họ sử dụng những phương tiện đã quen thuộc như tiêm kích F-15I Ra'am, F-16I Sufa; tên lửa hành trình Delilah hay Popeye Turbo.

Israel từng nhiều lần đánh tiếng rằng nếu Nga cung cấp S-300 cho Syria thì họ sẽ hủy diệt nó "ngay từ trong trứng nước" thông qua việc tung vào trận "vũ khí thay đổi cuộc chơi" là tiêm kích tàng hình F-35I Adir.

Hôm 29/4 đã diễn ra một trận tấn công vào các cơ sở tình nghi là căn cứ quân sự của Iran trên đất Syria, điều gây chú ý là trong đống đổ nát đã phát hiện được các mảnh vỡ của bom thông minh GBU-39 SDB II, dẫn tới nhận định rằng F-35I đã tham chiến vì đây là vũ khí được thiết kế tối ưu hóa cho nó.

Phía Israel không đưa ra bất cứ tuyên bố nào liên quan tới sự kiện trên, khiến cho nhiều chuyên gia quân sự còn cho rằng thực chất Tel Aviv đã sử dụng F-15I và giả dạng làm F-15E của Mỹ nhằm qua mặt phòng không Syria. 

Nhưng mới đây khi Tư lệnh Không quân Israel thông báo rằng F-35I Adir của họ đã thực hiện tới 2 vụ không kích thì gần như chẳng còn mấy ai nghi ngờ gì về việc chiếc tiêm kích tàng hình tối tân trên là "tác giả" của những trận ném bom đó.

Tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Israel được xác nhận đã tham chiến

Thêm một sự kiện nữa cũng nên được nhắc tới, đó là Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu đã có chuyến thăm Nga vào dịp kỷ niệm 73 năm chiến thắng phát xít, mục đích chuyến công tác này chắc chắn có liên quan tới tình hình Syria và không loại từ khả năng Moskva được thông báo rằng Tel Aviv đã cho F-35I xung trận.

Việc Israel cho F-35I tham chiến chứng tỏ đường lối cứng rắn của họ đối với vấn đề Syria là không thay đổi, thực tế cũng chứng minh Israel không phải là đối tượng quen nói chơi. Nga chắc hẳn không thể bỏ qua những cảnh báo của Tel Aviv nếu vẫn giữ ý định cung cấp S-300 cho Damascus.

Vì vậy có lẽ sau khi cân nhắc lợi hại, nhằm không gây tổn hại mối quan hệ hợp tác với Israel và cũng tránh nguy cơ cao vũ khí chủ lực của mình bị đồng minh làm cho xấu mặt, Nga đã ra quyết định tạm đình chỉ đàm phán chuyển giao S-300 cho Syria.

Có lẽ nếu muốn nhận được tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa tối tân S-300 trong tương lai, ít nhất thì Damascus cũng phải chứng minh rằng mình đủ sức bảo vệ an toàn cho nó trước đòn đánh của F-35I Adir.

Ý kiến của bạn

Bình luận