Đảm bảo an toàn trước dịch bệnh
Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã yêu cầu toàn ngành Đường sắt chủ động mọi phương án phòng, chống dịch có hiệu quả, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng. Theo đó, các đơn vị trực thuộc Tổng công ty đã khẩn trương thành lập và kiện toàn ban phòng chống dịch, bổ sung nhân lực, vật tư hóa chất và xây dựng các phương án xử lý tình huống dịch có thể xảy ra trong địa bàn; triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như: khử khuẩn, bố trí dung dịch sát khuẩn tại các nhà ga; tăng cường công tác tuyên truyền cho những người dân, hành khách đi tàu về các biện pháp phòng chống dịch bệnh qua hệ thống phát thanh tại nhà ga; khuyến cáo hành khách có mặt trước 30 phút giờ tàu chạy để thực hiện khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt... khi vào ga đi tàu.
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn song có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, ĐSVN đã an toàn trước dịch bệnh, không có ca lây nhiễm nào là hành khách đi tàu hay cán bộ, nhân viên đường sắt.
Hàng nghìn công nhân, lao động ngành Đường sắt gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh
Song song với việc chống dịch, việc làm thế nào để duy trì sản xuất kinh doanh là bài toán hóc búa đối với lãnh đạo ngành Đường sắt. Đại dịch Covid-19 bùng phát vào đúng các đợt vận tải cao điểm Tết Nguyên đán, dịp hè 2020 và Tết Nguyên đán 2021 đã khiến sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến doanh thu toàn Ngành. Nhiều tuyến tàu khách bị cắt giảm, người lao động thiếu việc làm, phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ luân phiên không hưởng lương, dẫn đến thu nhập sụt giảm.
Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tổng công ty ĐSVN, sản lượng vận tải hành khách năm 2020 đã sụt sụt giảm nghiêm trọng, lượng hành khách đi tàu chỉ bằng 47,5% so với cùng kỳ, có tháng chỉ đạt 30 - 35%, doanh thu vận tải hành khách giảm 51,7% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hành khách dịp Tết 2021 cũng chỉ đạt hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Các công ty vận tải đường sắt đã phải giảm, bãi bỏ nhiều mác tàu khách Thống Nhất và địa phương, thậm chí có thời điểm phải dừng chạy tàu trên một số tuyến như Hà Nội - Lào Cai, Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Quy Nhơn.
Trong bối cảnh vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Tổng công ty đã chủ trương chuyển đổi linh hoạt trong sản xuất kinh doanh. Tổng công ty chỉ đạo các công ty cổ phần vận tải cắt giảm bớt những tuyến tàu khách không hiệu quả; tăng cường cho ra mắt các gói kích cầu du lịch, giảm giá vé sau mỗi đợt bãi bỏ tình trạng giãn cách xã hội nhằm thu hút hành khách. Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đã phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội khởi động chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, triển khai những đoàn tàu cho thuê nguyên chuyến thu hút được sự tham gia đông đảo của hành khách.
Bên cạnh đó, ngành Đường sắt tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm; đầu tư và đưa vào khai thác các toa xe hành lý mới để mở rộng và phát triển dịch vụ vận chuyển hành lý, hàng hóa nhanh theo tàu khách, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài các tuyến vận tải hàng nội địa, ngành Đường sắt đã phối hợp với Đường sắt Trung Quốc nâng cao khai thác các đoàn tàu hàng liên vận quốc tế, tổ chức thêm nhiều đoàn tàu chở container lạnh xuất khẩu hoa quả, thủy hải sản sang Trung Quốc, các nước Trung Á và châu Âu nhằm giữ sản lượng vận tải hàng hóa ổn định, đồng thời không ngừng đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn hàng mới.
Cùng với đó, Tổng công ty cũng đã chính thức triển khai áp dụng phần mềm Hệ thống quản trị vận tải hàng hóa trên các tuyến đường sắt quốc gia. Đây là hệ thống phần mềm số hóa có chức năng quản lý vận dụng đầu máy, toa xe, quản lý vận tải hàng hóa và công tác điều hành chạy tàu, qua đó giúp giảm chi phí, giảm lao động thủ công.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành Đường sắt sau mùa Covid-19, ông Vũ Anh Minh cho biết, Tổng công ty ĐSVN đã dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị những nội dung như: Miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cho năm 2020; miễn trích nộp ngân sách nhà nước 20% tiền thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020; xem xét việc lùi thời gian thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BTC ngày 08/02/2021, theo đó giảm mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt từ 8% xuống 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt. Quy định mới này đã phần nào tháo gỡ bớt khó khăn cho ngành Đường sắt. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành Đường sắt cần một giải pháp căn cơ đó là tái cơ cấu toàn diện. Hiện tại, Tổng công ty đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2017 - 2020 và giải trình, bổ sung... để hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.