Ngành Giao thông vận tải trong tình yêu của Bác

Tác giả: Ngô Đức Nguyên

saosaosaosaosao
08/02/2016 07:47

Đã 47 mùa Xuân qua, mỗi khi Tết đến, nhân dân ta không còn được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ trong thời khắc giao thừa. Thế nhưng, trong tâm khảm mỗi người đều cảm nhận Bác vẫn luôn ở bên, cùng đồng bào, chiến sỹ dựng xây đất nước XHCN ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

anh tu lieu
Bác Hồ thăm công nhân khắc phục cầu hư hỏng do chiến tranh

Năm 2015, năm có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Đây là năm ngành GTVT lập được nhiều thành tích to lớn chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành. Bộ GTVT được đánh giá cao trong lĩnh vực xã hội hóa đầu tư, là “ngôi sao” cải cách hành chính, là hình mẫu và tiên phong trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tình hình TNGT liên tục giảm cả ba tiêu chí... Đó là những thành tích rất đáng tự hào dâng lên Bác.

Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói với chúng tôi trong trả lời phỏng vấn nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Các đồng chí đều biết, GTVT là một trong những Ngành được Bác Hồ quan tâm đặc biệt. Người đã từng viết: Giao thông là mạch máu của mọi việc, đường sá thông thì mọi việc đều thông...”. Sinh thời, dù bận “trăm công, ngàn việc” song Bác vẫn luôn đến động viên, thăm hỏi cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong (TNXP) GTVT, trong thời chiến cũng như thời bình. Đó là nguồn động viên to lớn với Ngành, để lại tình cảm sâu đậm, tha thiết và thiêng liêng trong lòng những người làm GTVT.

Tháng 9/1950, trên đường đi chiến dịch Biên giới, Bác đã ghé thăm Đội TNXP thuộc Liên đội 3 đang làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở cầu Na Cù (Bắc Kạn). Trong không khí gia đình đầm ấm, bên bếp lửa của đêm liên hoan, Bác đã ứng khẩu tặng TNXP làm đường 4 câu thơ:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Nhiều nhà máy, công trường xây dựng của ngành GTVT đã vinh dự được đón Bác đến thăm, để lại tình cảm của vị lãnh tụ và sự động viên to lớn đối với cán bộ, công nhân như: Nhà mày Xe lửa Gia Lâm, công trường khôi phục đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan (1955), công trường xây dựng cầu Việt Trì (1956), cảng Hải Phòng (1957)...

Bác là người rất quan tâm đến phát triển giao thông nông thôn, miền núi, đồng bào vùng sâu. Bác đã đề ra Cờ thưởng luân lưu “Làm giao thông nông thôn khá nhất” và tháng 4/1964, Bác đã tặng Cờ thưởng luân lưu này cho 2 tỉnh Hà Giang và Hà Nam.

Bác đã dành tình cảm động viên, ân cần chăm sóc đời sống cho cán bộ, công nhân và học sinh trong ngành GTVT. Bác đã đến thăm Trường Trung cấp Giao thông thủy bộ ở Cầu Giấy, Hà Nội (trước đó, nơi đây là Trường Cao đẳng Giao thông công chính). Bác thăm nhà ăn của Trường và khen ngợi xứng đáng được công nhận là nhà ăn tập thể xuất sắc toàn miền Bắc (29/11/1961). Mỗi khi Tết đến, Bác thường đến thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân Nhà máy ô tô Hòa Bình và nhiều đơn vị khác của Ngành.

Một sự kiện còn in đậm trong trái tim những người làm GTVT, đó là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bác cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự “Đại hội Thi đua đảm bảo GTVT quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 21 - 25/3/1966. Tại Đại hội này, Bác đã chỉ rõ: “GTVT là một mặt trận. Mỗi cán bộ, công nhân, TNXP, xã viên vận tải là một chiến sĩ. Quyết tâm làm cho GTVT thắng lợi là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi”. Bác và Thủ tướng ân cần bắt tay khen ngợi các anh hùng, chiến sĩ về dự Đại hội. Đây là thời kỳ “GTVT là nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta”. Nhiều năm sau đó, ngày 25/3 hằng năm đã được Bộ GTVT tổ chức kỷ niệm là Ngày Truyền thống vẻ vang của ngành GTVT.

Năm 1969, tuy sức khỏe giảm sút nhiều, Bác vẫn rất quan tâm động viên, khen thưởng các đơn vị trong Ngành. Bác tặng lẵng hoa cho Viện Thiết kế Giao thông (5/1969), lúc đó ông Trần Văn Cầu - một nhân sĩ yêu nước làm Viện trưởng. Đó cũng là phần thưởng cao quý đầu tiên của Viện Thiết kế Giao thông và là tiền đề để Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT sau này được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, rồi được phong tặng là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới…

Chúng ta vinh dự và tự hào được sống trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước của dân tộc. Tưởng nhớ và biết ơn Bác, mỗi chúng ta cùng hứa với Bác sẽ luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người; thực hiện lời nói đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm như Bác đã từng dạy: “Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn”…

 

Ý kiến của bạn

Bình luận