Ngành GTVT quyết tâm giải ngân 100% kế hoạch

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Bạn đọc 27/07/2020 10:36

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian qua nhưng toàn ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực, đoàn kết, khắc phục tồn tại hạn chế, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

MJM_5465
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị quyết liệt trong công tác giải ngân

Dẫn đầu trong công tác giải ngân

Đánh giá về kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2020, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Bộ GTVT lần đầu tiên được đánh giá nằm trong top 9 bộ, ngành có kết quả giải ngân 6 tháng tốt nhất. Theo đó, đến hết tháng 6/2020, Bộ giải ngân được khoảng 13.388 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch giải ngân cả năm (bình quân chung cả nước là 28,9%), gồm: 11.400 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 31,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; 33,1% kế hoạch đã giao chi tiết các chủ đầu tư (bình quân chung cả nước là 30,2%) và 1.988 tỷ đồng kế hoạch kéo dài, đạt 52,5% (bình quân chung cả nước là 19,6%).

“Kết quả giải ngân vốn trong nước đạt tương đối cao so với bình quân chung. Bộ đã giải ngân được 11.991 tỷ đồng, đạt 33,5% kế hoạch được Thủ tướng giao và đạt 35,4% kế hoạch giao chi tiết chủ đầu tư. Tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ GTVT cũng cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước, đạt 22,8% trong khi bình quân chung của cả nước là 12%”, ông Huy cho biết thêm.

Một số chủ đầu tư, ban QLDA có kết quả giải ngân đạt cao như: Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 2, Sở GTVT tỉnh Ninh Bình, Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp.

Hiện cũng có một số dự án công tác giải ngân có biểu hiện chững lại do chưa xử lý hết các vướng mắc trong quá trình quyết toán, thanh toán cuối cùng, thủ tục sử dụng vốn dư, cơ cấu lại khoản vay (cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu, kết nối sông Mê Kông và đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông). Ngoài ra, mặt bằng thi công tại dự án tuyến tránh Tân An, mở rộng QL1 đoạn qua Quảng Ngãi, QL40B, QL27 tránh Liên Khương, tuyến tránh Kon Tum... còn nhiều vướng mắc.

Thúc tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các đơn vị đã khẩn trương triển khai 8 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam. Ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết chuyển đổi 3 dự án sang hình thức đầu tư công, Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Ngày 24/6, Bộ GTVT có Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó kiến nghị Chính phủ quyết nghị về thẩm quyền đầu tư, giao Bộ GTVT tiếp tục thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư dự án trước đây; kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí đủ vốn để thực hiện, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Quan tâm đặc biệt đến xây dựng cơ bảnBộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá công tác xây dựng cơ bản, duy tu sửa chữa cần được quan tâm đặc biệt. Đây là lĩnh vực quan trọng bậc nhất của ngành GTVT.Theo Bộ trưởng, từ tháng 7, dự án nào triển khai thi công tốt sẽ được tăng vốn, còn dự án nào chậm Bộ sẽ cắt vốn và điều chuyển cho ban QLDA khác, ban nào bị cắt vốn thì sẽ bị đánh giá là yếu kém. Kế hoạch giải ngân vốn nhà nước của năm nay phấn đấu đạt 100%. Do đó, các ban QLDA phải quyết liệt bám sát tiến độ, giải ngân tốt, điều hành tốt.

Hiện nay, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phối hợp với Ban QLDA 7, Ban QLDA Thăng Long và các đơn vị tư vấn để triển khai ngay các thủ tục khi có Nghị quyết của Chính phủ. Các nội dung đang chuẩn bị gồm: công tác điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm định, trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu xây lắp; thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp.

Đối với 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP, đến nay đã duyệt thiết kế kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật và tổng dự toán của 5/5 dự án, bao gồm cả thiết kế, dự toán hạng mục ITS; chấp thuận Quy trình bảo trì, vận hành khai thác và xác định số liệu chi phí bảo trì và vận hành khai thác.

Về công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam, ông Phan Quang Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, xác định công tác giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là cơ sở bắt buộc để có thể triển khai thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị liên quan đã thường xuyên kiểm điểm, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công tác này.

 

Vận tải phấn đấu tăng trưởng, đạt mục tiêu sau Covid-19

Về tổng thể, những tháng đầu năm 2020, dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, vận tải vẫn vận hành đúng định hướng, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện và nâng cao.

thoi su
Hàng hải được đánh giá là vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt sau đại dịch Covid-19

 Theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ngoại trừ vận tải hàng hải, còn lại các loại hình vận tải như hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đều giảm mạnh về sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa. Trong đó, ngành Hàng không chịu nhiều tổn thất nhất trong 5 lĩnh vực và đang diễn biến theo tình huống xấu hơn với các kịch bản dự báo với tổng thị trường năm 2020 đạt khoảng 43 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019. Ngành Hàng hải dù bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong những tháng đầu năm tăng 8% và khối lượng hàng container tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.

“Trước những tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quan tâm đến đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời giữ vững được kinh tế vĩ mô, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, ngành GTVT phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng”, ông Ngọc khẳng định.

Thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Bộ tăng cường lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành về những khó khăn, vướng mắc để đưa ra giải pháp khắc phục và thường xuyên duy trì đường dây nóng để tiếp nhận xử lý các khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn

Bình luận