Ngày 27/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị triển khai các nghị quyết của Chính phủ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hoà – Buôn Mê Thuột, Biên Hoà – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành khác và 8 địa phương có các dự án đi qua.
Nghị quyết nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư. Qua đó tổ chức lập thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản. Trình tự thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nêu rõ nhiệm vụ: Hiện nay thời gian để có thể khởi công dự án còn chưa đầy một năm nhưng khối lượng công việc là rất lớn. Đặc biệt là các địa phương khi được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với chính sách cơ chế đặc thù áp dụng cho 3 dự án, đồng thời các kinh nghiệm từ việc thực hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gặp phải một số khó khăn chúng ta cần thẳng thắn trao đổi và tìm cách tháo gỡ để giai đoạn 2 được thực hiện nhanh chóng hơn. Các Bộ ngành và địa phương cần chuẩn bị tốt GPMB, khảo sát thiết kế, các mỏ vật liệu, lựa chọn nhà thầu....để làm sao bám sát mục tiêu đến 30/6/2023 khởi công 3 dự án.
Phó Thủ tướng lưu ý việc lựa chọn tư vấn rất quan trọng, rất nhiều công việc phải thực hiện, do đó chúng ta phải chọn tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, khảo sát mỏ vật liệu phải chính xác tránh việc khảo sát một đằng nhưng thực tế tại địa phương lại khác. Đơn vị tư vấn phải chịu trách nhiệm về mình trước chủ đầu tư nếu công tác khảo sát không kỹ, không đảm bảo tính khả thi trong giai đoạn thực hiện.
Đồng thời ưu tiên việc cắt giảm các thủ tục cấp phép...để từ đó tạo mọi thuận lợi cho việc thực hiện các dự án.
Đối với công tác lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT và các tỉnh cần chọn nhà thầu có năng lực, tiềm lực kinh tế mạnh, có nhiều kinh nghiệm...Phải chú trọng công tác này vì nhà thầu cũng sẽ quyết định đến chất lượng của dự án rất nhiều.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, thời gian qua Bộ cùng các Ban ngành và đơn vị đã quyết tâm để có thể phê duyệt chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Với kinh nghiệm thực hiện dự án, Bộ và Cục QLXD Chất lượng công trình giao thông cùng các Ban QLDA sẽ cùng xử lý vướng mắc tại các địa phương và cùng nhau tháo gỡ.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Hiện nay các mỏ vật liệu bình thường không thể đáp ứng được cho việc thực hiện các dự án cao tốc. Do đó phải bổ sung các mỏ vật liệu đang khai thác và các mỏ chưa đưa vào quy hoạch. "Tôi khẳng định giai đoạn 2 sẽ không để bị động về nguồn nguyên vật liệu như giai đoạn 1 và các đơn vị cần rút ra bài học từ đó”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cung ứng vật liệu. Đơn cử như hai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã cần đến gần 40 triệu m3 cát. Do đó đối với hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp thì Chính phủ nên họp chuyên đề với hai địa phương này để có vật liệu thực hiện dự án. Nếu không có cát thì chúng ta không thể triển khai dự án như kế hoạch.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt, tổng khối lượng cát của dự án cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng là 17,8 triệu m3. Trong đó dự kiến nguồn cát vàng dùng cho xây dựng lấy tại mỏ Tân Châu là 1,6 triệu m3. Để đảm bảo nguồn cát san lắp cho dự án thuộc địa bàn tỉnh, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án tổng hợp các nguồn cát thu hồi (mỏ cát, nạo vét thông luồng, chỉnh dòng chảy) trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét cho chủ trương thực hiện.
Để đẩy nhanh công tác GPMB đáp ứng việc khởi công dự án UBND tỉnh kiến nghị cho chủ trương tỉnh tổ chức cắm mốc GPMB, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án GPMB theo thiết kế sơ bộ bước tiền khả thi được Quốc hội thông qua. Và địa phương sẽ cập nhật lại các mốc biên theo dự án được duyệt (nếu có thay đổi). Tỉnh An Giang cam kết sẽ triển khai đúng Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Đồng thời sẽ phối hợp với thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng thống nhất kế hoạch triển khai để đảm bảo đồng bộ cho toàn dự án. Trong quá trình triển khai dự án, kiến nghị các Bộ, Ngành trung ương hỗ trợ sớm các thủ tục liên quan đến dự án nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng có kiến nghị về việc thống nhất khung bồi thường GPMB tại các dự án thành phần để không xảy ra tình trạng trên một thôn xã nhưng nhận mức giá đền bù khác nhau. Đặc biệt hiện nay việc xác định giá vật liệu từ mỏ đến công trình gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: định mức vận chuyển bằng đường thủy, phương án vận chuyển, hao hụt trong quá trình vận chuyển, trung chuyển...
Do đó, có thể xảy ra tình trạng mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau và cách tính khác nhau, làm cho việc tính giá đến chân công trình không đồng nhất. Các địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp chuyên đề về vật liệu cát để đánh giá tổng thể về trữ lượng cát của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như đánh giá cụ thể về khả năng cung ứng nguồn vật liệu cát, từ đó có những giải pháp, chỉ đạo để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Theo kế hoạch thực hiện, dự án hoàn thành công tác GPMB và khởi công trước tháng 6/2023 nên có nhu cầu giải ngân vốn từ đầu 2023. Do đó, các địa phương cũng mong muốn được bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho dự án sớm nhất
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.