Nghề lái xe tải ở Trung Quốc: Chở hàng liên tục... 34 tiếng

Giao thông toàn cầu 28/09/2021 16:56

Những tài xế xe tải ở Trung Quốc đang phải lao động mưu sinh trong một ngành công nghiệp nguy hiểm và đầy tính cạnh tranh.

 

Wheels-of-Fortune_inpost1-1.width-800
Giá vận chuyển thấp khiến nhiều tài xế phải làm việc vất vả hơn để kiếm tiền

5 giờ sáng, khi trời vẫn còn xám xịt tại một trạm nghỉ cao tốc vắng vẻ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, ông Li Zhanwei đang thực hiện thói quen tập thể dục hàng ngày của mình, với một vài động tác thái cực quyền, một vài động tác vươn vai, chống đẩy và kết thúc bằng trồng cây chuối. Đây là thói quen của người tài xế 48 tuổi này mỗi khi dừng xe.

"Bạn phải vận động nếu không cơ thể sẽ kiệt quệ. Cơ thể mà không tốt thì không kiếm tiền được." - Ông Li nói. Sau khi giãn cơ xong, ông lại leo lên cabin chiếc xe tải khổng lồ của mình và tiếp tục hành trình chở 50 tấn giấy nến tới một nhà máy in ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô.

Ông Li đã khởi hành từ 7h tối hôm trước, chỉ dừng lại để chợp mắt khoảng 1 tiếng lúc nửa đêm. Dự kiến, ông sẽ đến Tô Châu vào khoảng buổi trưa, dỡ hàng và sau đó tìm một lô hàng mới đưa ông về nhà ở Tháp Hà, tỉnh Hà Nam, nơi ông có thể nghỉ ngơi một ngày trước khi bắt đầu một chuyến hàng mới.

Thu nhập không cao

"Tôi có thích công việc này không ấy à?" - Ông Li lặp lại câu hỏi với chính mình bằng một tiếng thở dài. "Tôi chẳng thích thú gì nghề này nhưng phải làm để mưu sinh."

Ông Li là một trong khoảng 30 triệu tài xế xe tải đang tham gia vận chuyển hơn 40 tỷ tấn hàng hóa trên khắp Trung Quốc mỗi năm. Khi ngành sản xuất của Trung Quốc tăng vọt, thương mại điện tử bùng nổ trở thành ngành công nghiệp trị giá 2.000 tỷ USD, nhu cầu về dịch vụ hậu cần và giao nhận hàng hóa cũng gia tăng.

Khoảng 75% hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ, với 84 triệu tấn hàng hóa di chuyển trên đường mỗi ngày, khiến những tài xế xe tải như Li trở thành mạch máu của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, không nhiều người đánh giá cao công việc của họ. Theo một khảo sát năm 2018 của Đại học Thanh Hoa và Quỹ Transfar, hơn 50% tài xế xe tải có thu nhập hàng năm dưới 100 nghìn NDT (352 triệu đồng). Khoảng 32% tài xế có dấu hiệu tổn thương cột sống và trung bình cứ 20 ngày họ mới được gặp gia đình một lần.

Sự gia tăng của tính cạnh tranh, chi phí nhiên liệu và phí cầu đường cũng như sự ra đời của các ứng dụng di động mới, chưa kể đến tính nguy hiểm của công việc và những tình huống bị phạt bất ngờ đang siết chặt các doanh nghiệp vận tải đường bộ và tài xế xe tải, đồng thời thay đổi bản chất của ngành.

Những yếu tố này là một phần lý do tại sao ông Li, dù đã lái xe hơn 20 năm, không sở hữu một chiếc xe tải cho riêng mình. Trước kia, khi ông lái xe tải của mình, ông kiếm được khoảng 3.000 NDT/tháng (10,6 triệu đồng); còn bây giờ khi lái thuê ông nhận được lương cơ bản là 4.000 NDT/tháng (14,1 triệu đồng) và thêm khoảng 600 NDT (2,1 triệu đồng) cho mỗi chuyến đi khứ hồi giữa Tháp Hà và Giang Tô, chi phí nhiên liệu và phí cầu đường do chủ của ông chi trả.

Những người sở hữu xe riêng phải tự trang trải chi phí xăng dầu, cầu đường, bảo dưỡng và trả nợ vay, chưa kể còn phải tự tìm nguồn hàng để vận chuyển. Giá nhiên liệu đã tăng trong những năm gần đây và phí cầu đường của Trung Quốc nằm ở mức cao nhất thế giới, chiếm 10-20% chi phí của xe tải Trung Quốc, cao gấp 15 lần ở Mỹ.

Song Yantao, đến từ tỉnh Sơn Đông, bắt đầu lái xe tải khi mới 18 tuổi. Năm nay, anh đã 35 tuổi và cũng đang làm việc cho một công ty hậu cần. Sự cạnh tranh của thị trường, giá vận chuyển thấp và áp lực trả tiền vay cuối cùng đã khiến anh từ bỏ việc trở thành ông chủ của chính mình. Khi làm việc cho công ty, nhiệm vụ duy nhất của anh là lái chiếc xe tải đến đích an toàn. Song hiện kiếm được khoảng 10.000 NDT (35,2 triệu đồng) mỗi tháng khi lái các chuyến khứ hồi dài 3.200 km từ Từ Châu, Giang Tô đến Đông Quan, Quảng Đông.

Wheels-of-Fortune_inpost2.width-800
Xe tải tập kết tại một kho hàng để chờ chuyến hàng tiếp theo

Lái xe liên tục 34 tiếng

Trước đây, các chủ xe tải có thể thu lời lớn hơn bằng cách lách luật. "Hồi trước, chúng tôi có câu: "Không chở quá tải thì làm sao kiếm được tiền."" - Ông Sun Hao, 40 tuổi, quê ở Nam Kinh, từng lái xe tải cá nhân từ năm 2008 - 2012 cho hay.

"Ngoài ra, chúng tôi còn tự hoán cải xe tải của mình. Ví dụ như chế tạo thêm thùng xăng để cho phép chạy quãng đường dài hơn." - ông Sun nói. "Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc biến chiếc xe thành một quả bom."

Ông Sun chia sẻ, ông đã từng phải lái xe không ngừng nghỉ để kịp thời gian giao hàng, thậm chí còn không dám dừng lại để đi vệ sinh mà giải quyết bằng một vỏ chai nước. Khoảng thời gian dài nhất mà ông từng lái xe liên tục không nghỉ ngơi lên tới 34 tiếng.

Hiện nay, việc siết chặt việc thực thi luật giao thông và công tác quản lý đường bộ đã chấm dứt một số hành vi này. "Nhìn kìa, chốt cảnh sát và trạm kiểm soát ở khắp mọi nơi." - ông Li vừa nói vừa lái xe chạy bon bon trên đường cao tốc tuân thủ giới hạn tốc độ một cách nghiêm túc. Các phương tiện được cân tải trọng tại các lối vào đường cao tốc và xe tải không thể đi vào nếu quá tải. Ngoài ra, theo quy định, mọi xe tải đều phải gắn hệ thống GPS để giám sát thời gian lái xe và tốc độ của tài xế.

Tuy nhiên, một số tài xế vẫn có chiêu trò để lách luật. Ông Li tiết lộ, mỗi tài xế đều mang 2 thẻ định vị GPS, họ chỉ cần đổi thẻ và tiếp tục lái xe khi đạt đến thời gian tối đa là 4 giờ. Tình trạng quá tải trên đường cao tốc vẫn diễn ra khá phổ biến. Tháng 10/2019, 3 người đã thiệt mạng và 2 người bị thương khi một cây cầu bị sập dưới sức nặng của một chiếc xe quá tải ở Vô Tích, Giang Tô.

Ngay cả khi không chở quá tải hoặc cải tạo xe, rủi ro mà tài xế xe tải phải đối mặt vẫn rất cao. Một báo cáo năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, Trung Quốc có hơn 104 trường hợp tử vong do đường bộ trên 100.000 phương tiện, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 33/100.000 ở Mỹ. Một nghiên cứu của Đại học Massachusetts - Lowell năm 2014 chỉ ra rằng, dù xe tải chỉ chiếm 7,8% phương tiện cơ giới ở Trung Quốc nhưng chúng đã gây ra 22% số ca tử vong do giao thông.

Ông Li than thở: "Tất cả chúng tôi đều đã từng gặp tai nạn. Công việc này thực sự rất mệt mỏi và nguy hiểm."

Ông Sun cũng đã bỏ nghề vì một tai nạn ở Quảng Đông. Do không phanh kịp nên chiếc xe chở quá tải của ông lao vào dải phân cách giữa đường cao tốc để tránh húc vào xe khách phía trước. Sau tai nạn này, ông Sun nhận ra tính mạng mới là quan trọng nhất.

Chưa dừng lại ở đó, khi ra khỏi đường cao tốc, lái xe ở các khu vực hẻo lánh còn là một thách thức nguy hiểm hơn. Các tài xế phải đối mặt với một vấn nạn: Trộm xăng. Những kẻ trộm xăng có thể khiến tài xế mất hàng nghìn NDT và lãng phí thời gian trên đường. Chưa kể, thi thoảng tài xế còn gặp phải những tên côn đồ địa phương đòi phí mãi lộ.

"Tôi đã từng giấu một con dao dài 1,8m trên xe dùng để "chiến" khi gặp phải bọn trộm xăng hay côn đồ." - Ông Sun nói.

Cách đây 7, 8 năm, ông Sun đã từng bị trộm xăng và thậm chí là cả lốp xe. Hiện nay, tình hình đã được cải thiện do các tuyến đường được quản lý tốt hơn và ý thức của người dân cũng được nâng cao, mặc dù trên các diễn đàn dành cho lái xe trên mạng thỉnh thoảng vẫn đưa tin về các trường hợp trộm cắp và vòi tiền tài xế.

Việc cải thiện công tác quản lý đường bộ nhận được sự hoan nghênh của các chủ xe tải nhưng điều này cùng với việc giá cước giảm khiến việc kiếm tiền ngày càng khó khăn hơn.

Trước khi phí vận chuyển giảm xuống quá thấp như hiện nay, nhiều đầu xe có thể thuê thêm phụ lái. Các tài xế có thể ăn tại nhà hàng, ngủ tại khách sạn và đi trên đường cao tốc suốt chặng đường. Còn bây giờ, ông Li phải mang theo đồ ăn nhẹ và mì ăn liền để ăn trên đường, chợp mắt trên xe tải và đi theo những tuyến đường tiểu ngạch thay cho cao tốc trên một số đoạn hành trình.

Wheels-of-Fortune_inpost3.width-800

Hi vọng từ những ứng dụng gọi xe?

Hiện nay, có một số nền tảng trực tuyến cho phép các tài xế xe tải tìm kiếm các hợp đồng chở hàng, tương tự như cách Uber kết nối hành khách với ô tô. Các nền tảng này cũng đang thay đổi ngành nghề chở hàng bằng xe tải và cách các tài xế mưu sinh. Manbang, một công ty được định giá 6,5 tỷ USD, sở hữu Huochebang và Yunmanman là hai nền tảng cho thuê xe tải lớn nhất Trung Quốc với tổng cộng 13 triệu người dùng đã đăng ký, trong đó có 9 triệu tài xế. Công ty hứa hẹn sẽ cải thiện hiệu quả lĩnh vực vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc, giảm thời gian tìm hàng hóa và số lượng xe tải trống trên đường.

Mặc dù vậy, ông Li không hào hứng lắm với những ứng dụng này. Khi đã giao hàng xong ở Tô Châu, ông tìm một chỗ đậu xe bên đường và lướt Yunmanman trên điện thoại của mình để tìm các đơn hàng phù hợp với lộ trình trở lại Hà Nam. Ông đã thực hiện vài cuộc gọi nhưng tất cả đều không có kết quả.

"Giá như có thể tìm thấy đơn hàng mà không cần ứng dụng vì các đơn hàng "ngon nghẻ" trên ứng dụng thường bị chốt rất nhanh. Sự cạnh tranh trên này rất khốc liệt." - Ông Li giải thích.

Manbang được thành lập khi Yunmanman và Huochebang hợp nhất vào năm 2017 hiện đang thống lĩnh thị trường ứng dụng gọi xe tải và bị cáo buộc là đã phá giả cước vận tải bằng cách khiến các tài xế đua nhau giảm giá thấp hơn đối thủ để chốt được đơn hàng.

Đại diện Manbang cho biết, công ty chỉ đang cố gắng truyền bá tiếng nói của các tài xế xe tải và giúp họ tìm việc nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nhưng vào năm 2018, sự phản đối của giới tài xế đối với các nền tảng gọi xe tải đã lên đến đỉnh điểm với những đoàn tài xế căng băng rôn, biểu ngữ "Từ chối giá thấp" và "Chấm dứt mệt mỏi" tại nhiều tỉnh thành như Trùng Khánh, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Giang Tây...

Các ứng dụng gọi xe tải được cho là một phản ứng đối với ngành vận tải hàng hóa đường bộ còn thiếu hiệu quả và phân mảnh ở Trung Quốc. Theo báo cáo năm 2018 của Tsinghua-Transfar, các công ty nhỏ và chủ sở hữu xe tải đơn lẻ chiếm phần lớn thị trường, với 71% xe tải thuộc sở hữu cá nhân. Hệ quả là chi phí hậu cần chiếm tới 14,8% GDP của Trung Quốc vào năm 2018, so với chỉ 8% ở Mỹ.

Một công việc rất cô độc

Quốc vụ viện Trung Quốc đã kêu gọi chuyển đổi phương thức vận tải đối với các hàng hóa lớn và đường dài từ đường bộ sang đường sắt và đường thủy. Tuy nhiên, tiến độ của việc chuyển đối này còn khá chậm. Chính quyền Trung Quốc hy vọng có thể gia tăng hiệu quả ngành vận tải hàng hóa Trung Quốc nhưng vẫn chưa có nhiều chính sách cải thiện điều kiện làm việc của tài xế.

"Vị thế của tài xế xe tải trong xã hội rất thấp." - ông Cai Shuang, một lái xe 15 tuổi nghề cho biết.

Trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 đầu năm 2020, những người lái xe tải được ca ngợi trên truyền thông vì đã tham gia vận chuyển thực phẩm và thiết bị y tế khẩn cấp cho tỉnh Hồ Bắc. "Nhưng thực tế thì mọi người chẳng thực sự quan tâm." - Cai nói.

Theo báo cáo của Tsinghua-Transfar, hơn 65% tài xế xe tải tự cho mình là địa diện cho các tầng lớp thấp hơn của xã hội. Việc các phương tiện truyền thông đưa tin về tình trạng chở quá tải và lái xe ẩu đã khiến tài xế xe tải phải chịu nhiều tiếng xấu.

Lao động vất vả nhưng không được công nhận, nhiều tài xế xe tải cảm thấy rất cô độc. "Trên con đường dài đó, tôi cảm thấy rất buồn chán. Không có ai để nói chuyện, không được xem video, cũng không được gọi cho ai..., tôi rất nhớ gia đình của mình." - Ông Sun kể lại. "Nhưng nghề này đã mang lại cho tôi thu nhập, nó giúp tôi mua được một căn nhà và trả hết nợ. Nó thay đổi cuộc sống của gia đình tôi."

Lúc này, đã là nửa đêm, ông Li đang lái chiếc xe của mình bằng một tay, tay còn lại nhúng vào túi hạt hướng dương, vừa nhấm nháp vừa suy ngẫm về cách ông đối phó với sự buồn chán trên đường.

"Anh phải coi như mình đang đi du lịch ấy. Hãy nghĩ đó là một kỳ nghỉ, một cơ hội để trải nghiệm cuộc sống. Tôi không cảm thấy buồn chán. Đó là công việc của tôi và tôi muốn làm tốt công việc của mình." - Ông Li nói. "Bởi nếu bạn cảm thấy buồn chán, tai nạn có thể ập đến."

Ý kiến của bạn

Bình luận