Logistics và vận tải đa phương thức là một trong những ngành thu hút nhiều sự quan tâm của các thí sinh |
Nghề “hot” thay đổi theo mùa tuyển sinh
Là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực của ngành GTVT trong 60 năm qua, Trường Đại học GTVT đã tạo dựng được 15 ngành đào tạo, 69 chuyên ngành bậc đại học, 16 chuyên ngành bậc thạc sĩ và 17 chuyên ngành bậc tiến sĩ. Thế mạnh của Nhà trường là các ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng, Kinh tế xây dựng, Khai thác vận tải... Theo lãnh đạo Nhà trường, với các chuyên ngành cơ bản mà nhiều năm qua Nhà trường đang đào tạo, xu thế hiện nay đã có sự chuyển đổi khi các ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Khai thác vận tải... đang được nhiều sinh viên lựa chọn hơn mà không tập trung đông vào khối Kỹ thuật xây dựng và Kỹ thuật công trình... như trước đây. Điều này cho thấy, khi xã hội phát triển thì nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp vận tải chuyển đổi từ tự phát sang quản lý bài bản, khoa học..., đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Theo Hội đồng tuyển sinh của Trường Đại học GTVT, năm 2021, hầu hết các ngành của trường đều có điểm trúng tuyển cao hơn năm trước, khoảng cách giữa các ngành tương đối đồng đều, thể hiện rõ được sự lựa chọn ngành nghề của thí sinh là hoàn toàn phù hợp và các ngành kinh tế - xã hội khác trong mùa tuyển sinh. Trong đó, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành có điểm chuẩn cao nhất (26,35 điểm), Khai thác vận tải (24,60 điểm).
Tương tự, Trường Đại học Công nghệ GTVT, các nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật giao thông, Kỹ thuật ô tô nhận được sự quân tâm của rất nhiều thí sinh cũng như các đơn đặt hàng của các đơn vị trong và ngoài nước về nhân lực liên quan đến nhóm ngành này, hay Logistics và Quản lý công chuỗi thương mại điện tử, Logistics và Đa phương thức cũng như Công nghệ thông tin ở lĩnh vực GTVT. Theo lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ GTVT, sinh viên tốt nghiệp những ngành trên có tỷ lệ xin được việc làm lương cao, chiếm khoảng 90%.
Sinh viên Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh đạt giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2020 |
Việc làm, thu nhập và triển vọng: Những yếu tố quyết định độ “hot”
Theo PSG. TS. Nguyễn Xuân Phương - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh, năm 2021, trường sử dụng hai phương thức xét tuyển là: xét điểm thi THPT 2021 và xét điểm học bạ THPT. Kết quả tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh, trong đó 3 chuyên ngành có điểm chuẩn cao nhất là: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Quản trị logistics và Vận tải đa phương thức; Công nghệ thông tin. Năm học 2020 - 2021 là giai đoạn khó khăn nhất của Nhà trường do tình hình dịch bệnh Covid-19, đặc biệt từ tháng 5/2021 đến tháng 9/2021 TP. Hồ Chí Minh phải áp dụng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, tập thể lãnh đạo Nhà trường đã kịp thời điều chỉnh phương án giảng dạy, kế hoạch đào tạo để phù hợp với tình hình.
PSG. TS. Nguyễn Xuân Phương cho rằng, việc đánh giá mức độ “hot” của ngành học còn tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực. Đối với ngành GTVT, chúng tôi căn cứ vào một số tiêu chí như: nhu cầu nguồn nhân lực của ngành GTVT, dễ xin được việc làm, mức thu nhập cao, triển vọng của ngành nghề đó trong tương lai... Đặc biệt, cơ hội thăng tiến của người học sau khi ra trường và ngành nghề đó phù hợp về sở thích, tính cách, năng lực, điều kiện, sức khỏe của người học. Hiện nay, sự quan tâm của phụ huynh, thí sinh (thông qua số lượng thí sinh đăng ký vào ngành) cũng là một yếu tố đánh giá về tầm quan trọng của ngành học đó. Trên cơ sở đó, Nhà trường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đánh giá mức học phí phù hợp cho ngành nghề.
Trong các ngành học của trường, các ngành học thuộc lĩnh vực GTVT luôn có ưu thế khi đảm bảo tỷ lệ việc làm cao, tùy từng giai đoạn khác nhau và theo xu hướng phát triển của ngành GTVT sẽ có mức độ khác nhau giữa các ngành. Giai đoạn 2019 tới nay, ngành học của trường có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập cao gồm: Nhóm ngành thuộc lĩnh vực Dịch vụ vận tải (Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Khai thác vận tải, Kinh tế vận tải, Khoa học hàng hải...; Nhóm ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật (Cơ khí, Ô tô, Tự động, Quản lý xây dựng, Kinh tế xây dựng...; Nhóm ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin (Công nghệ thông tin, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu...).
Ông Phương thông tin thêm, hiện nay Nhà trường đang đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo định hướng ABET, AUN và Bộ Giáo dục và Đào tạo để từ đó phát triển việc đào tạo nhân lực phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Người học sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo được kiểm định sẽ có cơ hội được làm việc tại nước ngoài. Từ những chương trình như vậy, nhiều lao động nước ngoài đã tìm đến và làm việc trên đội tàu bay, tàu biển Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, góp phần thúc đẩy, phát triển nhanh đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành GTVT và đất nước.
Xuất phát từ thực tiễn của nền giáo dục nước nhà cũng như sự phát triển của GTVT quốc tế, Nhà trường đã mở thêm một số ngành học mới để kịp đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động như: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý hàng hải, Cơ điện tử ô tô, Quản lý dự án xây dựng, Quản lý bất động sản, Kinh tế vận tải hàng không... Đồng thời, Nhà trường đã thay đổi, tích hợp nhiều chuyên ngành đào tạo phù hợp với chuẩn quốc tế như: Khoa học hàng hải, Xây dựng công trình giao thông, Kinh tế vận tải...
Hiện nay, Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng các tiêu chí vào việc đánh giá năng lực và trình độ của sinh viên, đáp ứng chuẩn đầu ra. Theo đó, sinh viên được trang bị khối lượng kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ, kỹ năng hội nhập quốc tế, năng lực khởi nghiệp, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển..., lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.