Nghiêm khắc hơn trong xử phạt vi phạm pháp luật giao thông đường thủy

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 28/04/2016 07:51

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 132/2015/NĐ-CP sẽ được hoàn thiện vào đầu tháng 5 tới đây.

Tăng sức răn đe

Chiều 27/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng lĩnh vực Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) về Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ.

_DSC5657
Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 132/2015/NĐ-CP sẽ được hoàn thiện vào đầu tháng 5 tới đây

Tại buổi làm việc, ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, Ban soạn thảo đã tiếp thu và sửa đổi, bổ sung những nội dung của Dự thảo Thông tư từ ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan. Đến nay, Dự thảo Thông tư đã thống nhất hầu hết các nội dung và đang dần đi vào bước hoàn thiện cuối cùng.

Theo đó, dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể việc lập biên bản, xử lý đối với việc xử phạt hành vi "cho thuê, cho mượn", "thuê, mượn" quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định 132/2015/NĐ-CP. Ban soạn thảo cho rằng, hành vi cho thuê, cho mượn bằng là hành vi vi phạm pháp luật, trong trường hợp này chỉ xử phạt đối với hành vi đó.

Về xác định vi phạm mới đối với hành vi chở người vượt quá sức chở của phương tiện, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn theo quy định. Điều 12 của Dự thảo quy định: trường hợp hành vi vi phạm chở người vượt quá sức chở của phương tiện, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 26 và Điều 28 của Nghị định đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính phù hợp theo quy định để chấm dứt hành vi vi phạm.

Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi này, người có thẩm quyền xử phạt áp dụng bổ sung tình tiết tăng nặng quy định tải Điểm i Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.

Bên cạnh đó, trường hợp đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới...

Đầu tháng 5 sẽ hoàn thiện Thông tư

Về ý nghĩa của những quy định xử phạt hành chính, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh: “An ninh an toàn ĐTNĐ đang có vấn đề khi liên tục xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trên khắp 3 miền đất nước. Chính vì vậy, chúng ta cần quyết liệt siết chặt việc triển khai, thực hiện Luật. Đặc biệt là tăng cường những giải pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật nhằm giúp người dân ý thức được sai phạm của mình và không tiếp diễn những hành vi sai phạm khác, nhất là không được nhờn luật”.

Sau khi tiếp nhận một số ý kiến góp ý của các cơ quan tham mưu của Bộ tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Trần Văn Thọ cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp và sẽ sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo. Vào đầu tháng 5 tới đây, Ban soạn thảo sẽ trình Dự thảo cuối cùng lên Bộ để phê duyệt trước khi ban hành.

Trước đó, tại buổi làm việc về Dự thảo Thông tư này vào ngày 23/3, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải thực hiện việc soạn thảo Thông tư hướng dẫn này một cách thật gần gũi và dễ hiểu với bà con sinh sống và làm việc trên sông nước vốn có điều kiện sống rất hạn chế. Đồng thời tránh những nội dung chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt là lĩnh vực đăng kiểm nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận