Nghiên cứu lại quy định về niên hạn đầu máy, toa tàu

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Vận tải 10/05/2023 09:42

Bộ GTVT được giao chủ trì nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.

Nghiên cứu lại quy định về niên hạn đầu máy, toa tàu - Ảnh 1.

Hết năm 2023, đường sắt bắt đầu có 38 đầu máy, 74 toa xe khách và 391 toa hàng hết niên hạn sử dụng, song Tổng công ty Đường sắt VN cho biết gặp nhiều khó khăn khi áp dụng quy định niên hạn

Ngày 9/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3244/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt; đề xuất sửa Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Nghị định 01/2022 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2018).

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP, Nghị định số 01/2022 nhằm đảm bảo lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt.

"Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng lộ trình để chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực đường sắt theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở, quy trình sửa chữa định kỳ phương tiện giao thông đường sắt và chịu trách nhiệm toàn diện về đảm bảo an toàn phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác, vận hành", nội dung văn bản nêu.

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về quy định niên hạn đầu máy, toa xe cũng như đề xuất sửa Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, Bộ GTVT nhận thấy đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về định hướng sửa đổi nội dung liên quan đến niên hạn là có cơ sở và cần thiết phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Do vậy, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trong thời gian đang tiến hành tổng kết, đánh giá và sửa đổi Luật Đường sắt, cần xem xét chỉnh sửa quy định tại Nghị định 65/2018, Nghị định 01/2022 theo hướng điều chỉnh thời điểm áp dụng niên hạn đối với phương tiện giao thông đường sắt cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Đường sắt sửa đổi.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng lộ trình để chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực đường sắt; rà soát, ban hành bổ sung các nội dung trong các quy định liên quan nhằm tăng cường trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ đối với phương tiện đường sắt trong quá trình khai thác vận hành, đặc biệt đối với các phương tiện có thời gian khai thác vận hành trên 40 năm.

Về triển khai thực hiện quy định niên hạn phương tiện đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hiện đường sắt có 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa hàng đang hoạt động. Hết năm 2023 bắt đầu có 38 đầu máy, 74 toa xe khách và 391 toa hàng hết niên hạn sử dụng. Con số trên tăng thêm từng năm, tính đến năm 2050 sẽ có 238 đầu máy và 3.848 toa tàu phải dừng hoạt động do hết niên hạn sử dụng.

Hiện tại, dù chưa loại bỏ phương tiện nào theo quy định về niên hạn sử dụng, VNR cho biết, gặp khó khăn, vướng mắc rất lớn khi thực hiện theo quy định trên. Do đó, VNR có văn bản đề nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa Luật Đường sắt 2017 theo hướng bỏ quy định về niên hạn đường sắt; giao Bộ GTVT quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện đường sắt.

Bên cạnh đó, trong thời gian kiến nghị sửa quy định niên hạn trong luật, đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định ngưng hiệu lực quy định về niên hạn đường sắt tại Nghị định 65/2018 và Nghị định số 01/2022 cho đến khi nhà nước hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo hướng điện khí hóa.

Theo Luật Đường sắt và quy định tại Nghị định số 65/2018 của Chính phủ, đầu máy và toa xe chở khách đường sắt có niên hạn sử dụng 40 năm, toa chở hàng 45 năm và bắt đầu áp dụng từ năm 2020. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số khó khăn khác, Nghị định 01/2022 của Chính phủ cho lùi thời điểm áp dụng niên hạn đầu máy, toa xe thêm 2-5 năm.

Cụ thể, phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được hoạt động đến hết năm 2023; phương tiện hết niên hạn trong năm 2019 được hoạt động đến hết năm 2024; phương tiện hết niên hạn trong thời gian năm 2020-2025 được hoạt động đến hết ngày 31/12/2025. Còn phương tiện hết hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 sẽ không được kéo dài thời gian hoạt động.

Ý kiến của bạn

Bình luận