Toàn cảnh hội nghị |
Sáng 28/9, Ủy ban ATGT Quốc gia và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo "Khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội". Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách, các doanh nghiệp quan tâm và đang thực hiện các dự án về giao thông nhằm trao đổi những thông tin về chính sách, hệ thống pháp luật, thực trạng sử dụng xe đạp tại Việt Nam; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về việc phát triển xe đạp công cộng tại các thành phố lớn và điều kiện áp dụng tại Việt Nam, tăng cường sự ủng hộ và tham gia của toàn xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước Châu Á là thiên đường xe đạp trước những thập niên 90, sau đó chuyển sang xã hội xe máy. Thách thức lớn nhất để phục hưng xe đạp ở Việt Nam và các đô thị đó chính là xe máy. Xe máy tiện dụng, tiếp cận rất cao.
"Ở Việt Nam đi 200m cũng đi xe máy, một số bộ phận người dân không thích đi xe đạp. Nhiều người cho rằng, xe đạp là tiêu biểu cho cái cũ, lạc hậu và nghèo nên người Việt Nam những năm tháng trước đây. Đồng thời nghĩ rằng phải thoát khỏi xe đạp, tiến lên xe máy và cả ôtô. Tuy nhiên, ở Đan Mạch hay Hà Lan thoát khỏi ôtô và quay trở về xe đạp. Phải chăng đây là vòng xoáy trôn lốc của phát triển giao thông?”, ông Hùng chia sẻ.
Đồng thời, trong điều kiện mật độ cao, hạ tầng hạn chế, đi chậm thì sẽ giải quyết được ATGT, động cơ 2 bánh trong mọi khía cạnh thân thiện môi trường so với ôtô nhưng tìm kiếm sự thịnh vượng thông qua hình ảnh ôtô, biểu tượng cho sự văn minh, giá trị ngày nay. Chúng ta phải nhận thức lại, đi bằng gì tiết kiệm nhất và thỏa mãn chuyến đi. Quan điểm phát triển phục hưng xe đạp công cộng có trong đề án phát triển hài hòa phương tiện giao thông công cộng năm 2013, trong đó yêu cầu các đô thị khuyến khích phát triển giao thông công cộng, giảm phát thải ra môi trường.
Ông Khuất Việt Hùng phát biểu tại Hội nghị |
Theo ông Khuất Việt Hùng, xe đạp vẫn là 1 lựa chọn, có người nói tại Hà Nội xe đạp đang là mốt mới trong giới có thu nhập cao cho những chuyến đi giải trí, phượt. Nhưng quan trọng xe đạp trở thành phương tiện đi lại trong công việc bình thường của người dân.
Trong đó, ý tưởng truyền cảm hứng cho Hội thảo này xuất phát từ Dự án “Thí điểm năng lượng mặt trời & xe đạp điện hai bánh tại Hà Nội - Ebike” thuộc nhóm các dự án phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng hiệu quả - do tổ chức phi chính phủ Caritas (Thụy Sĩ) tài trợ cho Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thông qua đơn vị triển khai thực hiện là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa (BK-Holdings) từ năm 2014.
Dự án gọi tắt là BK- Ebike, ban đầu triển khai các trạm sạc và cho thuê xe đạp điện bằng năng lượng mặt trời tại một số trường học ở Hà Nội để khuyến khích việc sử dụng năng lượng hiệu quả và thúc đẩy mô hình xe 2 bánh phát triển theo hướng kết nối với hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội, hỗ trợ cho người dân sử dụng hệ thống xe bus hay tàu điện trên cao trong tương lai.
Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Dự án BK-Ebike, mô hình xe đạp công cộng tại Việt Nam hiện nay như một dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, ở trên thế giới, mô hình này khá phổ biến và đã được triển khai thực hiện được khoảng gần 50 năm, bao gồm cả các nước châu Âu và châu Á. Đặc biệt trên thế giới, mô hình này được tổ chức bởi khối chính quyền khối tư nhân triển khai rất phong phú, còn ở Việt Nam chỉ do một nhóm nhỏ triển khai. Đến nay, dự án mô hình xe đạp công cộng đã đưa vào sử dụng 780 xe đạp và xe đạp điện tại Hà Nội.
Cụ thể, dự án đã triển khai 7 điểm giao dịch với 180 xe đạp điện và 600 xe đạp với phần mềm đa điểm và thí điểm 3 loại xe đạp, 2 loại xe đạp điện. Giá thuê dịch vụ dành cho sinh viên với xe đạp 1 chỗ là 3.000 đồng/h, xe đạp 2 chỗ là 5.000đồng/h và xe đạp điện là 15.000 đồng/h. Hiện nay khách hàng chủ yếu của mô hình là sinh viên.
BK-Ebike là Dự án thí điểm mô hình xe đạp công cộng cho Hà Nội, truyền cảm hứng và thúc đẩy nhận thức xã hội về giao thông xanh. Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holdings xác nhận BK-Ebike là hệ thống xe đạp công cộng đa điểm và tích hợp công nghệ IT trong quản lý đầu xe, điểm trao nhận cho thuê xe đầu tiên ở Việt Nam và đang tích cực mở rộng, kết nối đồng bộ giao thông công cộng tại trung tâm Hà Nội. |
“Mục tiêu chúng tôi đề ra khi thực hiện đề án này là thêm 1 xe 2 bánh công cộng, bớt 3 xe máy cá nhân; bớt 3 xe máy cá nhân là bớt 6,3 kg CO2 một ngày, giảm 90% khí thải”, ông Hiệp chia sẻ.
Đồng thời, với tầm nhìn 2020, dự án phát triển hệ thống xe 2 bánh công cộng kết nối đồng bộ với xe buýt, tàu điện trên cao với tiêu chí rẻ, tiện, xanh hơn xe máy cá nhân. Theo đó, lộ trình đưa ra năm 2016, thí điểm trạm cho thuê xe tự động tại Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng với việc phát triển phần cứng tự động giao nhận xe, phát triển phần mềm giao dịch, thanh toán tự động. Năm 2017-2018 thí điểm khả năng kết nối với xe buýt, đường sắt đô thị và thay thế xe máy cá nhân với 50 trạm và 1500 xe. Năm 2019-2020 mở rộng quy mô toàn bộ các quận trung tâm Hà Nội với 400 trạm và 12.000 xe, mục tiêu đề ra là tối ưu hóa phân bố xe và trạm, tối ưu hệ thống giao dịch mà mở rộng hệ thống bằng chia sẻ tài sản, hợp tác kinh doanh là phát triển thành công ty đại chúng.
Với tầm nhìn 12.000 xe, 400 trạm của BK-ebike đến năm 2020, Dự án cần có nhiều phương thức huy động nguồn lực cả về tài chính, cả về năng lực triển khai một dự án giao thông xanh cho Hà Nội. Bà Nguyễn Hồng Giang, trường đại diện Caritas tại Việt Nam cho biết: ”Đến tháng 9/2016, Caritas sẽ kết thúc giai đoạn 2 tài trợ cho Dự án BK-ebike và vì thế, chúng tôi mong muốn cơ hội gặp gỡ, trao đổi với những đơn vị quan tâm về việc triển khai giai đoạn mới, tài trợ cho Hà Nội để từng bước hiện thực hoá tầm nhìn của Dự án”.
Tại Hội nghị, các chuyên gia nước ngoài đến từ Hà Lan và các chuyên gia trong nước đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm khuyến khích sử dụng xe đạp của Hà Lan, thúc đẩy giao thông xe đạp và xe máy điện ở Việt Nam, phát triển hài hòa các phương tiện vận tải tại đô thị Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.