Cụ thể, Bộ GTVT nhận được văn bản của UBND tỉnh Hà Nam đề nghị chấp thuận vị trí, quy mô các đoạn đường gom bên phải đường sắt dọc tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh thuộc dự án: xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, thuộc địa phận thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Về việc này, Bộ GTVT cho biết, theo văn bản, UBND tỉnh Hà Nam đề nghị xây dựng các đoạn đường gom bằng bê tông xi măng phía bên phải tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, với tổng chiều chiều dài là 8.751m trong phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông đường sắt để xóa bỏ 120 lối đi tự mở qua đường sắt; hàng rào phòng hộ cách mép ray ngoài cùng tối thiểu 3,0m. Cụ thể:
Đoạn 1: Km60+612 - Km62+500 dài 1.888m; Đoạn 2: Km63+295 - Km64+575 dài 1.280m; Đoạn 3: Km65+150 - Km67+500 dài 2.350m; Đoạn 4: Km68+020 - Km70+480 dài 2.460m; Đoạn 5: Km71+357 - Km72+130 dài 773m.
Các đoạn đường gom đề xuất nêu trên được xây dựng nối tiếp với các đoạn tuyến đường gom hiện có để từng bước hoàn chỉnh hệ thống đường gom dọc theo đường sắt, kết hợp với xây dựng hàng rào ngăn cách và hoàn thiện hệ thống thoát nước dọc giữa đường sắt và đường gom.
Theo Bộ GTVT, việc đầu tư xây dựng đường gom dọc đường sắt để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt là phù hợp với quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ và Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Ngoài ra, theo quy định tại Luật Đường sắt: “Đất dành cho đường sắt được dùng để xây dựng công trình đường sắt và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”;
Mặt khác, Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định: “Khi xây dựng mới công trình gần, liền kề công trình đường sắt hiện hữu, phải bố trí công trình xây mới nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt. Trường hợp không thể bố trí công trình nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt, chủ đầu tư dự án phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt,…”.
Căn cứ quy định nêu trên, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu xây dựng đoạn đường gom nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt; trường hợp không thể bố trí đường gom nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt theo quy định, địa phương phải nêu rõ lý do và giải trình cụ thể.
"Đường gom xây dựng mới phải được kết nối và tổ chức giao thông qua đường sắt tại các đường ngang hợp pháp gần nhất và thực hiện rào chắn giữa đường gom và đường sắt để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt nhằm đảm bảo ATGT đường sắt, đường bộ trong khu vực. Việc di dời các cột đường dây thông tin, tín hiệu đường sắt (nếu có) phải đảm bảo phạm vi bảo vệ công trình đường sắt theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ", Bộ GTVT cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.