KS. Nguyễn Toàn Thắng Công ty Giải pháp công nghệ FPT Người phản biện: TS. Trần Hữu Minh |
Tóm tắt: Hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự ATGT bằng hình ảnh là biện pháp góp phần trực tiếp nâng cao ý thức chấp hành các quy định về TTATGT của người điều khiển phương tiện; từng bước hoàn thiện việc đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, chiến thuật giám sát các hoạt động của người tham gia giao thông thích ứng với điều kiện giao thông hiện đại, từng bước giảm bớt sự có mặt của CSGT trên đường nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình TTATGT; góp phần trực tiếp giảm thiểu ách tắc giao thông, TNGT mà không xét đến sự đầu tư cải tạo kết cấu hạ tầng đường bộ. Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm Hệ thống giám sát và xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh theo hình thức thuê dịch vụ CNTT.
Từ khóa: Hệ thống giam sát xử lý vi phạm, an toàn giao thông, hình ảnh, đường bộ.
Abstract: Systems for monitoring and handling violations Photos traffic safety and order is a measure directly contribute to raise awareness about the observance of the provisions of the operator TTATGT means; gradually improved the renewal method patrolling, control, tactical surveillance activities traffic participants adapt to modern traffic conditions, gradually reduce the presence of Police on road while ensuring strict control TTATGT situation; contribute directly reduce traffic congestion, traffic accidents without regard to the investment in improvement of road infrastructure. The paper presents results of research, development and pilot monitoring system and handle violations of traffic safety and order in the form of rent image of IT services.
Keywords: Monitoring system to handle violations, traffic safety, photographs, road.
1. Tổng quan
Thu thập các thông tin về dòng xe trên đường (lưu lượng, mật độ, vận tốc dòng xe, khoảng cách giữa các xe, thời gian chiếm giữ mặt đường của phương tiện…) là yêu cầu quan trọng đầu tiên để quản lý và điều hành giao thông. Trên thế giới, vấn đề này đã được quan tâm từ rất lâu và có nhiều công nghệ được sử dụng để thu thập các thông số giao thông, trong đó công nghệ xử lý hình ảnh bằng camera (Video Image Processing) được đánh giá có tính khả thi, phù hợp với đặc trưng riêng về hệ thống giao thông và phương tiện giao thông tại Việt Nam.
Bảng 1.1. Các công nghệ thu thập thông số giao thông
Công nghệ xử lý hình ảnh bằng camera là kỹ thuật sử dụng máy tính để sử lý các thông tin từ chuỗi hình ảnh đã được số hóa phục vụ giám sát tình hình giao thông. Về mặt cấu trúc, thiết bị gồm camera để thu nhận hình ảnh theo thời gian thực, cung cấp chuỗi ảnh đã được số hóa về hiện trạng giao thông trong tầm kiểm soát của camera và truyền vào một máy tính nhúng tốc độ cao làm nhiệm vụ xử lý ảnh, các thuật toán xử lý ảnh như phân tích ảnh, biến đổi ảnh, nhận dạng ảnh... được áp dụng để đếm số lượng xe đi ngang qua camera (volume), phân loại (classifications), mật độ (density), khoảng cách giữa các phương tiện (headway)... truyền các thông tin kết quả về trung tâm giám sát qua hệ thống truyền dẫn. Sử dụng công nghệ xử lý ảnh bằng camera có khả năng cho kết quả tốt hơn nhiều so với các thiết bị cảm ứng khác, hiệu quả kinh tế cao do mỗi một camera riêng rẽ có thể giám sát được nhiều hơn một làn đường với khoảng cách vài trăm mét, dễ lắp đặt và bảo dưỡng.
Công nghệ xử lý ảnh ứng dụng cho giám sát giao thông đã được tiến hành nghiên cứu và ứng dụng khá phổ biến trên thế giới bao gồm:
- Phần mềm giám sát giao thông thời gian thực của IBM phát triển tại Trung tâm nghiên cứu IBM do Belle L. Tseng, Ching-Yung Lin và John R. Smith chủ trì.
- Hệ thống đánh giá giao thông bằng phương pháp xử lý ảnh (TRIP - Traffic Research using Image Processing) là một hệ thống được hợp tác phát triển giữa Trường Đại học Manchester, Viện Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Sheffield, Vương quốc Anh, từ những năm 1980.
- Hệ thống Sample Points được Nhật Bản phát triển đầu những năm 1980.
- Hệ thống phát hiện phạm vi rộng (WADS - Wide Area Detection System), được phát triển tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion, Mỹ.
- Hệ thống ACRC do Trung tâm nghiên cứu tính toán cao tại Trường Đại học Bristol, Vương quốc Anh thực hiện.
- Hệ thống cảm biến giao thông với sự hỗ trợ của máy tính và camera (CCATS) được phát triển thông qua sự hợp tác của Chính phủ Bỉ, Trường Đại học Leuven và Công ty điều khiển Devlonics.
- IMPACTS là một hệ thống giám sát giao thông được phát triển bởi Hoose tại Trường Đại học London, Vương quốc Anh…
Tại Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Nhà nước KC-03-21 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự động hóa trong điều hành và quản lý hệ thống giao thông đô thị” do Trường Đại học GTVT thực hiện năm 2005, trong đó đã có nghiên cứu, chế tạo một số cụm thiết bị thu thập thông tin về dòng xe trên đường bằng camera ứng dụng cho giám sát giao thông và một số ứng dụng phục vụ quản lý giao thông khác. Đây là điều kiện cơ sở tạo tiền đề cho việc ứng dụng thành công công nghệ xử lý ảnh bằng camera phù hợp với đặc trưng riêng về hệ thống giao thông và phương tiện giao thông tại Việt Nam, cho phép áp dụng với nhiều loại xe như xe máy, ô tô, chạy tự do không theo làn như hiện trạng giao thông của Việt Nam.
Năm 2007, Cục CSGT Đường bộ đường sắt (nay là Cục Cảnh sát giao thông) - Bộ Công an (thông qua Dự án ATGT đường bộ Việt Nam vốn vay Ngân hàng Thế giới) bắt đầu nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới nhằm giúp cho CSGT nâng cao được năng lực kiểm soát giao thông, đổi mới được phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, góp phần tích cực cải thiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, từ đó kiềm chế và làm giảm TNGT.
Tháng 11/2008, Bộ Công an có quyết định đầu tư xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh, mở rộng phạm vi triển khai thí điểm từ Pháp Vân - Hà Nội (Km 181+250) đến hết địa phận tỉnh Ninh Bình (Km 284+400) dài 104km. Từ ngày 1/6/2008 đến ngày 31/5/2010, qua hệ thống giám sát xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện, lập biên bản 20.664 trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó, xe ô tô khách 47 % (9.884); xe ô tô con 33,5 % (6.920); xe ô tô tải 28,4 % (3.860). Về hành vi vi phạm: Điều khiển xe chạy quá tốc độ chiếm 56,4% (11.649/20.664); đi không đúng phần đường, làn đường chiếm 40% (8.267/20.664); đã ra quyết định xử phạt, nộp kho bạc nhà nước trên 10 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 328 trường hợp, tạm giữ 32 xe ô tô các loại; thông báo đến chủ phương tiện vi phạm 303 trường hợp, đã có 188 trường hợp người vi phạm đến cơ quan CSGT làm thủ tục xử phạt, chiếm 62%, nộp kho bạc nhà nước trên 500 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày 10 trường hợp. Từ khi sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm nêu trên, tình hình TTATGT trên tuyến đã có chuyển biến tốt hơn, TNGT trên đoạn đường Pháp Vân - Ninh Bình đã giảm 43 vụ (23,2%), số người chết giảm 60 người (29,2%), số người bị thương giảm 18 người (19,6%). Một số điểm thường xảy ra TNGT đã được xóa bỏ. Việc triển khai lắp đặt và đưa hệ thống vào hoạt động, đã tác động mạnh vào ý thức người tham gia giao thông. Lái xe ô tô đã chấp hành tốt hơn quy định về tốc độ, làn đường, phần đường.
Từ kinh nghiệm, kết quả thí điểm xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến QL1A, đoạn Pháp Vân - Ninh Bình, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, đề xuất Bộ có Quyết định số 1914/2009/QĐ- BCA(E11) ngày 7/7/2009 về việc ban hành “Tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ” TCCS 01:2009/BCA, trong đó quy định mô hình kiến trúc vật lý, yêu cầu về chức năng, yêu cầu về công nghệ và mô hình chuẩn của hệ thống. Đây là văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở cho công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện; đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu tham gia xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh theo hình thức xã hội hóa như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Triển khai hệ thống theo hình thức thuê dịch vụ CNTT
Ngoài khía cạnh nhân đạo của ATGT đường bộ, những cái chết và thương tích nghiêm trọng do TNGT không những gây ra tổn thất đáng kể nguồn lực của một quốc gia mà còn gây nên nỗi đau buồn cho gia đình và bạn bè của người bị chết và thương tật, TNGT còn có tác động nghiêm trọng đến kinh tế và xã hội. Ước tính thiệt hại kinh tế do TNGT đường bộ tại Việt Nam năm 2007 lên tới 2,89% GDP và ước tính thiệt hại đến năm 2020 lên tới 5,5tỷ USD.
(Nguồn: Nghiên cứu quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 - JICA Báo cáo cuối kỳ 3/2009)
Hình 2.1: Ước tính thiệt hại kinh tế do TNGT đường bộ tại Việt Nam đến 2020 |
Cũng theo nghiên cứu nêu trên của JICA, dự toán cho chương trình hành động ATGT đường bộ 5 năm từ 2008 đến 2012 lên tới 1,351 tỷ USD. Theo dự toán, 55% tổng chi phí đầu tư là để triển khai việc nâng cấp hạ tầng; 24% dành cho công tác cưỡng chế; việc cải thiện hệ thống giấy phép và phương tiện giao thông cùng với hệ thống cấp cứu chiếm tới 8 - 9% trong tổng số. Tổng kinh phí cho Chương trình hành động tương đương khoảng 1,66% GDP cả nước vào năm 2007, thấp hơn so với thiệt hại do TNGT trên toàn quốc (khoảng 2,8% GDP như đã đề cập ở trên). Lợi ích kinh tế lượng hóa được của chương trình hành động là lợi ích từ sự giảm thiểu các vụ TNGT, những tổn thất do TNGT có thể tránh được sẽ là cơ sở hình thành nên lợi ích này. Tiếp theo là phải dự báo xem có bao nhiêu TNGT sẽ được giảm thiểu nhờ cải thiện các phương tiện an toàn, nhờ giáo dục, nhờ sự cưỡng chế của cảnh sát, nhờ cấp cứu kịp thời... Để có thể dự tính được con số giảm TNGT, sẽ sử dụng mục tiêu “Cứ mỗi năm, giảm từ 5,2% đến 6% các TNGT so với năm trước về số người chết”. Đánh giá kinh tế của chương trình hành động được thực hiện với dòng tiền mặt theo thời gian, từ đó ước tính được tỷ suất hoàn vốn nội bộ kinh tế (EIRR) 21%.
Để đạt được các mục tiêu bảo đảm TTATGT, khắc phục được hạn chế cơ bản và phổ biến nhất chính là thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, Công ty FPT đã đề xuất và được Bộ GTVT chấp thuận triển khai dự án thí điểm đầu tư “Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh” trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Nội Bài - Phú Thọ theo hình thức xã hội hóa với mục tiêu ứng dụng CNTT trong công tác bảo đảm TTATGT, kiềm chế TNGT, giảm thiểu tổn thất kinh tế do TNGT gây ra.
Dự án được FPT đề xuất thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ CNTT nhằm khắc phục được một phần khó khăn về nguồn kinh phí, không dẫn đến nợ công, đồng thời còn là chia sẻ rủi ro một cách hợp lý giữa bên thuê (cơ quan nhà nước) và bên cho thuê (công ty CNTT) trong việc cung cấp dịch vụ công, trong đó khái niệm dịch vụ công được hiểu “Dịch vụ công là các dịch vụ đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu chung của người dân và cộng đồng, do Nhà nước đảm bảo, không vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần ổn định, công bằng xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước”.
Theo hình thức thuê dịch vụ CNTT, toàn bộ hệ thống sẽ chạy trên nền tảng của nhà cung cấp dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ sẽ đảm trách mọi khâu từ triển khai dịch vụ, vận hành cho tới bảo trì, bảo dưỡng cho khách hàng. Về pháp lý, bên cạnh Quyết định 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về chính phủ điện tử, trong đó các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp... để cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công là một trong những giải pháp chủ yếu; Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo cơ chế thí điểm đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT phù hợp với đặc thù của công nghệ là liên tục đổi mới, thiết bị nhanh lạc hậu và giảm giá mạnh trình Thủ tướng trước ngày 01/01/2016.
Quá trình triển khai dự án thí điểm cho thấy một số khó khăn vướng mắc về trình tự thủ tục khi triển khai thực hiện dự án thí điểm theo hình thức thuê dịch vụ CNTT hiện tại được ghi nhận bao gồm:
- Thói quen truyền thống của cả các đơn vị chủ đầu tư lẫn cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, phân bổ kinh phí thường quen dự toán chi đầu tư, mua sắm hơn là dự toán để thuê dịch vụ.
- Quy định về nhiệm vụ chi cho thuê dịch vụ CNTT trong Mục lục ngân sách nhà nước chưa đầy đủ; việc lập dự toán chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, dẫn tới khó khăn trong việc lập và phê duyệt kinh phí thực hiện.
- Nguồn kinh phí: Việc trả phí hàng tháng, hàng năm cho thuê các dịch vụ CNTT với chi phí lớn gặp khó khăn trong việc phân khai thực hiện hàng năm.
- Thông tin của nhà cung cấp dịch vụ: Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đạt yêu cầu chưa có nhiều hướng dẫn, thiếu thông tin về chất lượng dịch vụ, giá của dịch vụ, các điều khoản trong thuê dịch vụ.
- Chưa có quy định cụ thể về sở hữu, quản lý tài sản hình thành trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, dự án thực hiện theo hình thức cho thuê dịch vụ CNTT sẽ gặp phải những rủi ro sau đây:
- Rủi ro do nhu cầu biến động;
- Rủi ro do tỷ giá và biến động giá/mặt bằng giá khiến giá bán hàng hóa do dự án tạo ra không cạnh tranh hoặc không đủ bù đắp chi phí. Tác động của rủi ro này đặc biệt lớn khi có sự cam kết về giữ cố định (hoặc trong một thời gian dài) giá cả của hàng hóa do dự án cho thuê dịch vụ CNTT tạo ra.
- Rủi ro gắn với bản thân các chủ thể liên quan tới dự án: Nhà đầu tư, tổ chức tài trợ vốn, tổ chức cam kết tiêu thụ hàng hóa do dự án cho thuê dịch vụ CNTT tạo ra hoặc cung cấp hàng hóa/nguyên liệu để vận hành công trình cho dự án cho thuê dịch vụ CNTT.
- Rủi ro gắn với việc chuẩn bị, tiếp nhận và vận hành các công trình do dự án cho thuê dịch vụ CNTT tạo ra, đặc biệt là khi đối tác này là cơ quan nhà nước hoặc tổ chức công. Những rủi ro cụ thể là các đối tác này chưa được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ trước thời điểm tiếp nhận các công trình, do những nhân viên được giao đảm nhận việc tiếp nhận thiếu động lực trong khi cơ chế động viên khuyến khích chưa thỏa đáng, do người sử dụng dịch vụ chưa được chuẩn bị đầy đủ về tinh thần hoặc vật chất (cơ sở hạ tầng đồng bộ, trang thiết bị phục vụ tiếp nhận và vận hành), cơ chế và tổ chức…
- Do nhận thức và kinh nghiệm thực tiễn kinh doanh, do khác biệt về mô hình hạch toán và kinh doanh, đặc biệt là những nhận thức khác nhau về chính phạm trù cho thuê dịch vụ CNTT và các nội dung cụ thể của nó, nhiều khi các đối tác trong cùng một dự án có những hình dung, nhận thức khác nhau về cùng một vấn đề được diễn đạt cùng bằng một ngôn ngữ.
3. Giải pháp của FPT
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình TTATGT trên cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, 6 tháng đầu năm 2015, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, số người chết do TNGT chỉ giảm được 4,5% so với cùng kỳ năm 2014, vẫn còn tình trạng lái xe vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, coi thường pháp luật vẫn còn diễn ra gây mất TTATGT, dẫn đến xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Một trong các biện pháp bức thiết là nâng cao ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện, chính việc thiếu ý thức này đã góp đến 80% trong số các nguyên nhân TNGT.
Về giải pháp kỹ thuật, hệ thống giám sát và xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh của FPT được xây dựng tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2009/BCA của Bộ Công an nhằm góp phần trực tiếp nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện. Căn cứ Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2009/BCA, kiến trúc vật lý của hệ thống bao gồm 03 thành phần cơ bản:
- Thiết bị lắp đặt trên đường: Bao gồm các máy đo tốc độ tự động có ghi hình, camera chuyên dụng, các thiết bị điều khiển; các thiết bị điện, điện tử, cơ khí.
- Trung tâm xử lý: Thực thi toàn bộ quy trình xử lý và thực hiện quản lý, lưu trữ dữ liệu của hệ thống. Trung tâm được trang bị các thiết bị tin học bao gồm máy tính chủ, máy trạm, máy in, hệ thống quản trị CSDL và các phần mềm ứng dụng.
- Mạng truyền dẫn: Thực hiện việc kết nối thiết bị được lắp đặt trên quốc lộ với Trung tâm xử lý cũng như giữa các thiết bị được lắp đặt trên quốc lộ với nhau và giữa các trung tâm với nhau. Mạng truyền dẫn sử dụng công nghệ vô tuyến và/hoặc hữu tuyến.
Hình 3.1: Mô hình kiến trúc tổng thể Hệ thống giám sát và xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh |
Hệ thống phần mềm giám sát xử lý vi phạm TTATGT được xây dựng và phát triển dựa trên công nghệ xử lý hình ảnh bằng camera (Video Image Processing), hình ảnh từ các camera giám sát giao thông được lắp đặt tại các địa điểm cố định trên tuyến đường được truyền về Trung tâm giám sát xử lý vi phạm TTATGT, tại Trung tâm các hình ảnh video được hệ thống phần mềm gồm các thuật toán xử lý hình ảnh (Video Detection Algorithms) như phân tích ảnh, phân tích chuyển động... tự động nhận diện biển số của phương tiện (ANPR - Automatic Number Plate Recognition) theo thời gian thực cho phép tự động giám sát, phát hiện, ghi lại hình ảnh các hành vi vi phạm quy định về TTATGT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2009/BCA của Bộ Công an. Hệ thống phần mềm đã được đăng ký quyền tác giả số 2666/2014/QTG ngày 31/7/2014 của Cục bản quyền tác giả.
Hình 3.2: Mô hình kiến trúc Hệ thống phần mềm giám sát xử lý vi phạm TTATGT |
Phân hệ quản lý và lưu trữ hình ảnh (Video Management System): Đây là phân hệ được sử dụng để quản lý và lưu trữ hình ảnh video tập trung giúp tối ưu hóa băng thông và hiệu suất sử dụng máy chủ. Ứng dụng công nghệ tiên tiến về xử lý video cho phép truy xuất đồng thời nhiều luồng video theo thời gian thực, xem lại hình ảnh video đã lưu trữ.
Phân hệ xử lý hình ảnh để phát hiện và ghi nhận hành vi vi phạm TTATGT (Traffic Violation Detection): Ứng dụng công nghệ xử lý hình ảnh cho phép tự động giám sát, phát hiện, ghi lại hình ảnh các hành vi vi phạm quy định về TTATGT tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2009/BCA của Bộ Công an đối với các hành vi là nguyên nhân chính gây ra TNGT bao gồm:
- Điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định;
- Điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định;
- Dừng, đỗ phương tiện trái quy định;
- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
- Vi phạm các lỗi khác;
· Phát hiện phương tiện trong diện kiểm soát đặc biệt, thông qua việc nhận dạng biển số tự động với độ chính xác >90% (chụp biển số phía trước, phía sau/biển số dài và biển số vuông), tự động phát hiện các phương tiện hết hạn đăng kiểm, phương tiện vi phạm quy định về TTATGT chưa được xử lý, phương tiện gây án...;
· Đo lưu lượng dòng phương tiện, vận tốc trung bình dòng phương tiện, đo độ chiếm dụng mặt đường của dòng phương tiện theo chu kỳ thời gian t;
· Tự động phát hiện và cảnh báo vật thể lạ, là các phương tiện, vật thể không được phép lưu thông trên cao tốc, có khả năng gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên cao tốc.
- Giám sát phục vụ cho việc đảm bảo an ninh, TTATXH trên các tuyến đường.
Phân hệ quản lý quy trình xử lý các hành vi vi phạm TTATGT (Traffic Violation Information System): Tất cả các thông tin, hình ảnh ghi lại các hành vi vi phạm quy định về TTATGT được quản lý tại Trung tâm giám sát xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến đường (hoặc Phòng CSGT các tỉnh/thành phố) và sau đó có thể được kết nối với Trung tâm thông tin chỉ huy (cấp Quốc gia) đặt tại Cục CSGT - Bộ Công an. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy CSGT các cấp hoàn toàn có thể giám sát các hoạt động của người tham gia giao thông thích ứng với điều kiện giao thông hiện đại, từng bước giảm bớt sự có mặt của CSGT trên đường nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình TTATGT; tổ chức đồng bộ việc thực hiện xử phạt “nguội” và xử lý vi phạm qua tài khoản ngân hàng.
Phân hệ quản lý quy trình xử lý các hành vi vi phạm TTATGT được xây dựng dưới hình thức cổng thông tin điện tử (Web Portal) cho phép cán bộ vận hành tùy theo thẩm quyền có thể truy xuất vào các chức năng đã được phân quyền, xử lý vi phạm theo trình tự xử lý đã được quy định. Quy trình xử lý vi phạm TTATGT tự động hóa hoàn toàn:
- Toàn bộ quy trình tự động giám sát, phát hiện, ghi lại hình ảnh các hành vi vi phạm quy định về TTATGT được tự động hóa toàn bộ.
- Các lỗi vi phạm của các đối tượng tham gia giao thông như: Vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường làn đường... được phát hiện, số hóa, ghi hình một cách tự động tại Trung tâm giám sát xử lý vi phạm TTATGT.
- Phân hệ xử lý trung tâm kết hợp khả năng nhận dạng biển số xe tự động và có thể tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký hoặc đăng kiểm phương tiện phục vụ công tác xử phạt hành chính theo cả hình thức xử phát “nóng” (xử phạt ngay tại hiện trường vi phạm) và hình thức xử phạt “nguội” (gửi thông báo về địa chỉ của chủ sở hữu phương tiện vi phạm).
Trung tâm giám sát xử lý vi phạm TTATGT được trang bị các thiết bị phần cứng và phần mềm tin học thực thi toàn bộ quy trình xử lý và thực hiện quản lý, lưu trữ dữ liệu của hệ thống. Trung tâm giám sát, xử lý vi phạm TTATGT có thể kết nối với Trung tâm Thông tin chỉ huy - Cục CSGT - Bộ Công an tích hợp và chia sẻ dữ liệu (CSDL đăng ký, đăng kiểm) theo yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.
Hình 3.3: Sơ đồ nguyên lý Trung tâm giám sát xử lý vi phạm TTATGT |
Trong giải pháp kỹ thuật của FPT, qua triển khai thực nghiệm, công nghệ xử lý hình ảnh phục vụ nhận dạng biển số tự động với độ chính xác lên tới 99% với ảnh chụp biển số xe có chất lượng tốt; nhận dạng cực nhanh đạt tốc độ dưới 100ms với ảnh kích thước 640 x 480pixel, dưới 200ms với ảnh kích thước lớn 2592 x 1944pixel; kích thước biển số tối thiểu có thể nhận dạng thành công 30pixel chiều cao; kích thước ký tự tối thiểu có thể nhận dạng thành công 12pixel chiều cao; có khả năng nhận dạng được cả biển số xe ô tô và xe máy (nhận dạng được biển số từ phía sau trong khi các đối tượng đang chuyển động với tốc độ cao); nhận dạng được các chủng loại biển số xe hiện đang lưu hành tại Việt Nam: Biển số trắng chữ đen, biển số xanh chữ trắng (xe cơ quan nhà nước), biển số đỏ chữ trắng (xe quân đội), biển 4 - 5 số, các loại biển số xe đặc thù: “NN”, “NG”, “LD”, “KT”... nhận dạng được biển số trong nhiều tình huống khó như các ký tự trên biển số xe dính vào nhau do đinh ốc, ký tự trên biển số xe bị mờ sơn, biển số xe bị bụi bẩn, chất lượng hình ảnh biển số không được rõ nét. Đây là tiêu chí kỹ thuật vô cùng quan trọng phục vụ hiệu quả công tác giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT bằng hình ảnh.
Kết quả triển khai thí điểm sẽ góp phần tối đa hóa tính hiệu quả của công tác cưỡng chế, xử phạt vi phạm giao thông đường bộ bằng cách sử dụng các hệ thống và các công nghệ cưỡng chế đã qua thử nghiệm; góp phần gia tăng giá trị thu được thông qua xử phạt vi phạm hành chính để đầu tư trở lại cho cho lĩnh vực ATGT đường bộ.
Với đặc thù của CNTT là liên tục đổi mới, thiết bị nhanh lạc hậu và giảm giá mạnh, đặc biệt tuổi thọ của các thiết bị lắp đặt trên đường ngắn do phải hoạt động liên tục 24/7 trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Kết hợp với tỷ suất hoàn vốn nội bộ kinh tế (EIRR) ước tính 21% theo Chương trình hành động ATGT đường bộ 5 năm của JICA, phân tích độ nhậy EIRR được kiểm nghiệm khi chi phí tăng và lợi ích giảm, chương trình hành động vẫn khả thi về mặt kinh tế với EIRR là 13%, cho dù chi phí có tăng lên 10% và lợi ích giảm xuống 10%.
Bảng 3.1. Phân tích độ nhậy EIRR %
(Nguồn: Nghiên cứu quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 - JICA Báo cáo cuối kỳ 3/2009)
Đối với các dự án thí điểm đầu tư xây dựng “Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh” theo hình thức cho thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT, Công ty FPT đề xuất quy trình thực hiện như sau:
- FPT tư vấn giải pháp, thiết kế và triển khai hệ thống;
- FPT đầu tư toàn bộ hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm;
- FPT đảm bảo việc vận hành và cung cấp dịch vụ hỗ trợ sử dụng, bảo trì bảo dưỡng thiết bị, thay thế và nâng cấp thiết bị phần cứng, phần mềm để đáp ứng nhu cầu của cơ quan quản lý nhà nước;
- Cơ quan quản lý nhà nước ký hợp đồng thuê dịch vụ của FPT và sử dụng nguồn kinh phí chi sự nghiệp, nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển và các nguồn vốn nhà nước hợp pháp khác trả tiền thuê dịch vụ hàng tháng.
Dự án thí điểm đầu tư xây dựng “Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh” theo hình thức cho thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT do Công ty FPT triển khai lần đầu tiên trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ được thử nghiệm trong thời gian 01 năm, trên cơ sở đó cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định mức phí thuê dịch vụ phù hợp. Kết quả thí điểm này sẽ góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT cũng như cơ chế, chính sách cần thiết để thúc đẩy các nhà đầu tư, các doanh nghiệp CNTT triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT theo mô hình xã hội hóa nhằm góp phần bảo đảm TTATGT, giảm thiểu TNGT và tổn thất kinh tế do TNGT gây ra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.