Việt Nam là quốc gia biển với khoảng trên 34 triệu dân số bám biển. Các hoạt động kinh tế biển rất đa dạng và phát triển. Bờ biển Việt Nam dài trên 3.200km với hàng triệu kilomet mặt biển. Hệ thống cảng biển với 44 cảng biển, 219 bến cảng lớn, nhỏ đón nhận trên 120.000 lượt tàu ra, vào bốc xếp hàng. Đội tàu biển Việt Nam tăng đều trong những năm gần đây và hiện có 1.700 tàu biển đang hoạt động khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, đội tàu khai thác, đánh bắt thủy sản với số lượng trên 125.000 chiếc, trong đó khoảng 25.000 tàu đánh bắt cá xa bờ. Tình hình thời tiết những năm qua diễn biến phức tạp, bão lũ xuất hiện nhiều, cường độ thay đổi khó dự báo gây nhiều thảm họa cho hoạt động hàng hải, từ đó đặt ra bài toán trong công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải cần phải chủ động nâng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế hàng hải nói riêng.
Với những yếu tố bất lợi trên, tình hình tai nạn, sự cố trên biển và các nguy cơ dẫn đến tai nạn, sự cố do hoạt động giao thông trên biển Việt Nam cũng tăng lên là điều không thể tránh khỏi. Hàng năm, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã thu nhận và xử lý từ 200 - 250 vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố trên biển, cứu và hỗ trợ hàng trăm lượt người, tàu, thuyền trong và ngoài nước, góp phần giảm thiểu thiệt hại gây ra, khẳng định chủ quyền và uy tín của Việt Nam với quốc tế.
Với nghĩa vụ, trách nhiệm của một quốc gia có biển trong tiến trình tham gia hội nhập sâu rộng, đồng thời triển khai thực hiện có trách nhiệm các công ước mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có Công ước quốc tế về Tìm kiếm cứu nạn trên biển (SAR 79) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2007. Để triển khai Công ước có hiệu quả, Bộ GTVT đã thành lập Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, điều hành các lực lượng tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển, chủ trì phối hợp với các lực lượng tiến hành tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam.
Những năm qua, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thực hiện chức năng là đơn vị chủ trì hoạt động tìm kiếm, cứu nạn khi tai nạn, sự cố xảy ra trên vùng biển Việt Nam. Trung tâm trực tiếp chỉ huy, điều hành hoạt động của lực lượng, phương tiện ngành Hàng hải và của các bộ, ngành khác được huy động tham gia hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển, bao gồm lập kế hoạch, xác định vùng tìm kiếm, tổ chức phân công khu vực hoạt động cho từng lực lượng, phương tiện, chỉ định chỉ huy hiện trường (OSC); thu thập, tiếp nhận thông tin hiện trường, điều chỉnh kế hoạch hoạt động tìm kiếm, chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ đối tượng bị nạn và phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để giải quyết các công việc sau hoạt động tìm kiếm, cứu nạn (cấp cứu người bị nạn, bàn giao người, phương tiện bị nạn, hồi hương người bị nạn…).
Với các phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng hiện đại và đội ngũ cán bộ, thuyền viên chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, Trung tâm thu nhận và xử lý các vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải, cứu và hỗ trợ hàng trăm lượt người, tàu thuyền trong và ngoài nước gặp nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam, góp phần giảm thiểu thiệt hại do tai nạn, sự cố gây ra, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế. Đặc biệt từ khi đưa đội tàu chuyên dụng vào hoạt động, Việt Nam đã được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các nước trong khu vực công nhận là một trong những quốc gia có hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải phát triển nhanh và hoạt động có hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong lĩnh vực hoạt động kinh tế biển.
Nhằm đáp ứng tốt nhất công tác tìm kiếm, cứu nạn, Trung tâm duy trì chế độ trực ban tìm kiếm, cứu nạn 24/24h hàng ngày tại Phòng Phối hợp cứu nạn (phòng chỉ huy điều hành chung) và 4 phòng chỉ huy phối hợp tại các đơn vị trực thuộc. Các phòng điều hành được trang bị máy móc, trang, thiết bị thông tin liên lạc cần thiết để có thể thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin báo nạn, liên lạc được với các phương tiện tham gia cứu nạn và phương tiện bị nạn để phối hợp xử lý vụ việc cứu nạn. Với tính năng kỹ thuật của trang, thiết bị thông tin liên lạc này, bộ phận trực thông tin tại Phòng Phối hợp cứu nạn và các đơn vị trực thuộc phối hợp với hệ thống đài thông tin duyên hải thực hiện chức năng phối hợp thông tin tìm kiếm, cứu nạn, có thể tham gia hoạt động thông tin liên lạc trong vùng A1, A2, A3 theo yêu cầu của Hệ thống Thông tin cứu nạn và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS).
Trong trường hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển có sự tham gia của lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài, Trung tâm thực hiện chức năng là cơ quan đầu mối thông tin liên lạc giữa cơ quan chỉ huy, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển Việt Nam với lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài.
Ngoài ra, đối với trường hợp vụ việc vượt quá khả năng của mình, Trung tâm báo cáo, đề xuất với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn huy động thêm lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành khác (không quân, hải quân, cánh sát biển, kiểm ngư…) hoặc lực lượng của các nước lân cận cùng tham gia phối hợp ứng cứu. Có thể nói những năm qua, công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng của mình, là người bạn - vị cứu tinh cho mỗi chuyến tàu xa khơi bám biển, làm giàu cho đất nước, khẳng đỉnh chủ quyền và kết nối với bạn bè năm châu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.