Nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Giao thông và Sức khỏe cho thấy, nồng độ khí độc hại NO2 - một chỉ số quan trọng về chất lượng không khí - cao hơn đối với những người đi làm bằng ô tô so với những người đi bộ hoặc đi bằng xe đạp. Tuy nhiên, nồng độ bụi mịnh (PM2.5) lại thấp hơn một chút nếu đi ô tô.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu 4 tuyến đường điển hình được người dân ở Leicester sử dụng để đi làm mỗi ngày. Các tình nguyện viên đi bộ và đi xe đạp sẽ mang những cảm biến chất lượng không khí trong balo để đo nồng độ NO2 và PM2.5. Các thiết bị tương tự cũng được lắp đặt trong cabin của một chiếc xe điện Nissan Leaf nhằm xác định mức độ phơi nhiễm của người lái ô tô với các chất ô nhiễm. Việc sử dụng xe điện để thử nghiệm nhằm loại bỏ khả năng người lái phơi nhiễm với khí độc do chính ô tô của mình xả ra.
Kết quả cho thấy, trên cùng một lộ trình, nồng độ NO2 trong cabin ô tô (thậm chí là ô tô điện) có thể cao hơn nồng độ mà người đi bộ và đi xe đạp tiếp xúc. Trong khi đó, chỉ số PM2.5 thấp hơn một chút nhờ vào hệ thống lọc của ô tô. Tuy nhiên, NO2 có thể được hút trực tiếp vào trong ô tô từ khí thải của phương tiện khác. Dù rằng, điều này có thể sẽ thay đổi nếu trong tương lai ngày càng nhiều người chuyển sang đi xe điện nhưng nó cũng cho thấy thêm một lý do để chuyển từ ô tô sang đi bộ hoặc đi xe đạp.
Tiến sĩ Rikesh Panchal, chủ nhiệm nghiên cứu cho hay: "Nhiều người tin rằng không khí trong ô tô sạch sẽ hơn ngoài đường. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này cho thấy, việc di chuyển bằng ô tô, đặc biệt là trong giờ cao điểm có thể khiến người ngồi trong xe tiếp xúc với nồng độ chất gây ô nhiễm đậm đặc hơn hẳn so với người đi bộ hoặc đi xe đạp trên cùng hành trình, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe; chưa kể những lợi ích của việc tập thể dục thông qua đi bộ hoặc đạp xe. Do đó, cần có những hình thức khuyến khích người dân ra khỏi ô tô và tích cực vận động."
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.