Hệ thống xe buýt cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người khuyết tật khi đi lại. |
Phân biệt đối xử trên nhiều tuyến xe
Đi xe buýt hàng chục năm nay, bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh cho biết: So với trước, hiện vận tải xe buýt đã có nhiều cải thiện cả về chất lượng lẫn cung cách phục vụ. Tuy nhiên, tình trạng phân biệt đối xử trên các tuyến xe buýt vẫn còn, đặc biệt là với các đối tượng là NKT, người có vé miễn, giảm.
Đơn cử, NKT bị câm, điếc thì chỉ giao tiếp bằng cử chỉ, hành vi nhưng nhà xe lại rất khó chịu và không lấy gì làm hòa nhã, khiến họ luôn cảm thấy rất thiếu tự tin và dè dặt mỗi khi đi xe buýt. Bên cạnh đó, việc bố trí ghế ngồi dành riêng cho NKT ở xa các cửa lên xuống khiến họ rất khó khăn mỗi khi lên, xuống xe. Trong khi, tại các trạm lên, xuống lại không có các bảng chỉ dẫn, thông báo hay hệ thống loa phát thanh khiến NKT luôn phải tự mày mò khi di chuyển. "Tôi là thương binh hạng 2/4 nhưng khi đi các tuyến buýt như: Chợ Lớn - Củ Chi; Chợ Lớn - Bến xe Miền Đông; Chợ Lớn - Bến Thành… Việc dừng đón tại các trạm chờ rất khó khăn, có những trạm phải đi gần 2km mới đến nơi", bà Khánh nói.
Là NKT, chị Trần Thị Kim Danh (ngụ tại Quận 7) xem xe buýt là bạn đồng hành mỗi khi di chuyển trong mười mấy năm nay. Thế nhưng, theo chị Danh, khi đi tuyến xe số 31 từ chợ Bến Thành (Quận 1) về Quận 7, chị vẫn gặp những hành vi phân biệt đối xử từ nhà xe. "Tôi có thẻ đi xe buýt miễn phí, nhưng khi xuất trình ra một số nhân viên và tài xế rất khó chịu. Thậm chí, khi tôi đứng đón xe đã bị một số tài xế bỏ trạm. Những NKT vận động như tụi tôi rất khó khăn khi di chuyển nên mỗi lẫn như thế lại mang cảm giác rất hoang mang và sợ hãi", chị Danh phản ánh.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Anh Vương Lai Thuận (người có nhiều sáng kiến cho ngành GTVT TP Hồ Chí Minh trong việc tạo điều kiện cho NKT đi xe buýt) cho rằng, để hạn chế hành vi phân biệt đối xử với NKT, trước hết, ngành GTVT thành phố cần triển khai lắp đặt hệ thống camera tại các điểm đón công cộng và trên xe buýt để giám sát tài xế lẫn nhân viên soát vé. Thứ hai, Sở GTVT cần đề xuất với chính quyền thành phố mở một số tuyến buýt chuyên biệt dành riêng cho NKT, trong đó, 1 tuyến có ít nhất 2 xe buýt đưa đón NKT.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần đưa ra chi tiết bản đồ, lịch trình, giờ chạy xe cụ thể và quy định thời gian dừng, đậu lâu hơn tại các trạm dừng, đón để NKT được an toàn khi đi lại. Cuối cùng, ngành GTVT cần phối hợp với các trường dạy chuyên biệt cho NKT mở các lớp đào tạo nghiệp vụ, các lớp học tâm lý cho nhân viên soát vé lẫn tài xế, vừa giảm được căng thẳng vừa xóa bỏ rào cản giữa nhà xe với những hành khách đặc biệt này.
Còn theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hồ Chí Minh), Sở GTVT cần yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với Đoàn thanh niên tại các trường học, Thành đoàn thành phố… đưa ra các chương trình nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia xe buýt, đặc biệt là văn hóa xếp hàng, nhường nhịn NKT, trẻ em, phụ nữ mang bầu hay người già. Đồng thời, phối hợp cùng các địa phương khảo sát cụ thể số lượng NKT để có những chính sách hỗ trợ miễn, giảm vé. Từ đó, đưa ra được con số chính xác về nhu cầu NKT đi xe buýt nhằm hỗ trợ đúng mục đích và đạt hiệu quả. "Việc phục vụ tốt nhu cầu đi lại của NKT cũng là cách tạo hình ảnh thân thiện hơn, qua đó, lôi kéo mọi người dân đến gần hơn với xe buýt", bà Nhung nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh khẳng định, thời gian tới, Sở GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các trường học chuyên biệt mở các lớp phổ biến kiến thức và thực hành đối với công tác phục vụ NKT khi đi xe buýt. Về các chính sách miễn, giảm vé, ông Minh cho hay, Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ cho NKT để bảo đảm các đối tượng đều được cấp. Sở cũng sẽ kiến nghị UBND thành phố có những chính sách hỗ trợ đầu tư cho các đơn vị sản xuất và mua xe buýt phục vụ NKT, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa việc phát triển loại hình này, đồng thời, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của NKT.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh có 263 xe buýt chuyên dùng dành cho NKT, chiếm hơn 10% tổng lượng xe tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt. Đồng thời, có 18 tuyến xe buýt hỗ trợ cho NKT khi đi lại. Hiện toàn thành phố có gần 2.460 xe buýt có bố trí ghế dành riêng cho NKT; 350 nhà chờ xe buýt có cải tạo lối lên xuống cho NKT đi xe lăn tiếp cận sử dụng. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.