Người thương binh già 12 năm tình nguyện gác tàu ngăn tai nạn

15/03/2017 04:05

Suốt 12 năm qua, ông Nguyễn Huy Chi (77 tuổi, ngụ tại xã Quỳnh Tân, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An; thương binh ¼) tình nguyện gác tàu tại đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt Bắc - Nam.

 

Người thương binh già 12 năm tình nguyện gác tàu n
Ông Nguyễn Huy Chi báo hiệu an toàn cho đoàn tàu chạy qua đường ngang dân sinh

Khoảng 4 giờ 30, ông Chi lọ mọ đạp xe, chở theo tấm bạt, võng, chai nước, cờ và pháo hiệu, vượt gần 1 km từ nhà ra chòi gác.

“5 giờ sáng có chuyến tàu khách chạy qua. Vì thế, bất kể mưa gió, rét buốt tôi đều đạp xe ra cho kịp giờ tàu. Tấm bạt này tôi dùng để che gió rét khi mưa, chắn bụi khi nắng. Cái võng thì mắc lên chòi, nằm gác tàu”, ông Chi nói.

10 giờ 30, đang ngồi trò chuyện với chúng tôi trong chòi gác hun hút gió, ông nhìn đồng hồ rồi đứng phắt dậy, nói “tàu đến”. Ông Chi nhanh tay cầm cờ hiệu màu đỏ và chiếc còi, lật đật chạy ra đường khi trời đang lất phất mưa, ra hiệu cho các phương tiện không băng qua đường rồi đứng cầm cờ trực hướng tàu đang đến báo hiệu an toàn như một nhân viên gác chắn chuyên nghiệp. Chuyến tàu khách SE8 từ phía núi kéo còi rồi bất chợt lao ra, vượt qua đường dân sinh rồi lại mất hút sau rặng cây. “Lại sắp có tàu khách từ ngoài vào. Chừng 15-20 phút nữa”, ông nói.

10 giờ 50, tiếng còi tàu kéo từ đằng xa vọng lại, ông Chi lại rời chòi gác ra đường. Đó là chuyến tàu khách cuối cùng của buổi sáng. Khi toa tàu cuối cùng rời khỏi điểm giao cắt và lẩn khuất sau sườn núi, ông vội vã quay lại chòi, thu dọn đồ để kết thúc buổi gác. “Phải nhanh về ăn cơm để còn kịp trở lại chốt gác. 12 giờ sẽ có thêm chuyến tàu khách chạy qua đây và buổi chiều còn nhiều chuyến nữa”, ông Chi nói.

Niềm hạnh phúc xóa được “điểm đen”

Trước đó, trò chuyện với chúng tôi trong chòi gác, ông Chi cho biết, đường sắt Bắc-Nam đoạn này có hình vòng cung, điểm giao cắt với đường dân sinh bị núi đá và cây cối che khuất khiến tầm quan sát rất hạn chế. Người qua lại rất khó phát hiện có tàu sắp đến trong khi tại đây không có đèn, chuông cảnh báo nên rất nguy hiểm. Trước năm 2004, ông Chi từng chứng kiến ít nhất 5 vụ tai nạn chết người ở “điểm đen” này.

Năm 2004, xã Quỳnh Tân giao các đoàn thể đảm trách việc cảnh giới người và phương tiện qua lại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh nhưng được một thời gian, vì nhiều lý do, hoạt động này không còn được duy trì nữa.

Ông Chi nghĩ, không ai đứng chốt thì “điểm đen” này sẽ tiếp tục rình rập mạng sống của người dân nên quyết định ra gác, khi đó ông 65 tuổi. Chính quyền xã cho dựng chòi gác cạnh điểm giao cắt hai con đường để ông có chỗ trú mưa nắng.

Những ngày đầu ra gác chắn, ông kể, nhiều người nghĩ ông khùng. “Một xe tải cố vượt qua đường ngang, tui phải đứng trước xe yêu cầu lùi ngay. Tài xế hạ kính xuống nạt nộ tui nhưng thấy tui cương quyết, rồi cũng phải lùi trước khi tàu lao đến. Tàu qua rồi, anh ta liền xuống xin lỗi tui”, ông Chi nhớ lại. Bây giờ, người dân đã quen với công việc của ông, khi thấy ông ra hiệu đều dừng lại chờ tàu qua mới băng qua đường.

Niềm hạnh phúc nhất của ông Chi từ ngày ra chốt gác tàu chính là “điểm đen” đã bị xóa, ngăn chặn được các vụ tai nạn. Chiếc pháo hiệu ngành đường sắt trang bị để báo hiệu có sự cố tàu phải dừng khẩn cấp lúc nào ông cũng đem theo nhưng đã gần chục năm rồi, ông chưa phải dùng đến.

Ý kiến của bạn

Bình luận