Ở Mỹ, lừa đảo liên quan tới công-tơ-mét là vi phạm pháp luật. Ảnh: Antyradio. |
Tua ngược công-tơ-mét được hiểu là việc ngắt kết nối, khôi phục về ban đầu hoặc chỉnh sửa công-tơ-mét với ý định thay đổi số km được hiển thị trên đồng hồ. Dạng lừa đảo này thường kết hợp với hình thức "phù phép" bên ngoài để làm chiếc xe có vẻ mới hơn so với thực tế.
Theo Cơ quan Quản lý An toàn giao thông cao tốc Mỹ, mỗi năm có hơn 450.000 phương tiện bị chỉnh lùi công-tơ-mét được bán ra thị trường. Khách hàng bị lừa thường phải trả số tiền lớn hơn giá trị thực tế của phương tiện, tổn thất hàng năm lên tới hơn một tỷ USD. Để bảo vệ người tiêu dùng, luật pháp liên bang và tiểu bang đều đặt ra quy định về việc này.
Điều 32704, chương 327, đạo luật Liên bang số 49 (được thông qua năm 1972) yêu cầu người bán phải tiết lộ số km thực tế đã đi khi chuyển giao quyền sở hữu xe. Nếu không biết số km thực tế, người bán cũng cần cho người mua biết rõ.
Điều 32703 cùng đạo luật cũng nghiêm cấm hành vi quảng cáo, rao bán, lắp đặt, hoặc sử dụng thiết bị để vặn lùi công-tơ-mét. Cá nhân vi phạm sẽ đối diện với mức phạt tiền tối đa 250.000 USD hoặc gấp đôi số tiền lãi ròng hoặc lỗ ròng có được từ hành vi tội phạm, tùy mức nào nhiều hơn. Mức phạt tù cho hành vi này cao nhất là 3 năm. Pháp nhân vi phạm bị phạt tiền tối đa 500.000 USD. Giám đốc hoặc nhân viên của công ty nếu cố ý vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình phạt như với cá nhân.
Vào ngày 12/9, hai cư dân thành phố Jackson, bang Mississippi là Mark Longgrear (53 tuổi) và con trai Zachary Longgrear (29 tuổi) nhận tội trước thẩm phán Carlton Reeves rằng đã can thiệp công-tơ-mét của ôtô và quảng cáo sai lệch liên quan tới công-tơ-mét. Riêng Mark Longgrear còn chịu 6 tội danh về lừa đảo tiền bảo hiểm.
Theo cáo buộc, từ năm 2014 tới tháng 2/2018, Mark Longgrear và Zachary Longgrear đã mua lượng lớn ôtô đời cũ với số km khá "cao" rồi chỉnh sửa đồng hồ công-tơ-mét để hiển thị chỉ số "thấp" hơn. Các bị cáo làm giả giấy tờ để hợp thức hóa số km mới và bán lại xe với giá cao. Phiên định tội hai bị cáo được ấn định vào tháng 12.
Bên cạnh việc đặt ra quy định pháp luật, cơ quan chức năng còn đưa ra một số khuyến cáo cho người mua xe cũ như: yêu cầu xem hồ sơ bảo hành hoặc sửa chữa để đối chiếu số km đã đi; kiểm tra độ mới của xe như phần lốp, bàn đạp chân phanh và ga; dùng mã định danh phương tiện (mã VIN) để kiểm tra lịch sử sửa chữa.
Hiện, một số dòng xe có trang bị loại công-tơ-mét điện tử nên khó bị can thiệp hơn, tuy nhiên một khi đã thực hiện chỉnh ngược đồng hồ thì lại rất khó phát hiện. Khách hàng chỉ có thể dựa vào tình trạng vật lý của chiếc xe và lịch sử sửa chữa để xác định liệu có bị can thiệp hay không.
Đơn cử như scandal của hãng xe sang Ferrari vào tháng 2 vừa qua. Theo Dailymail, hãng thừa nhận cho phép các đại lý sử dụng phần mềm chuyên biệt của hãng có tên Deis Tester để làm giảm số km thực tế, đôi khi là về hẳn 0. Vụ việc chỉ được làm sáng tỏ sau khi một đại lý xe ở Florida bị nhân viên bán hàng cũ khởi kiện.
Đơn kiện cáo buộc sau khi bị phản đối hành vi phi pháp, đại lý đã sa thải nhân viên này. Ngay sau đó, hãng xe Ferrari thông báo sẽ ngừng cấp mã truy cập phần mềm cho đại lý và loại bỏ tính năng tua ngược.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.