Nhà Trắng sắp áp lệnh trừng phạt “nặng nề” với Iran

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Chính trị 10/05/2018 16:24

Chính quyền Trump có thể ra lệnh trừng phạt mới với Iran từ đầu tuần sau để đảm bảo Tehran không thể phát triển vũ khí hạt nhân.

 

anh-1-6103-1525921515_flkw

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi cam kết 100% để đảm bảo rằng Iran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân", người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết trong cuộc họp báo ngày 9/5, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, theo Reuters.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa và áp đòn trừng phạt nặng nề với Iran. Tất cả các lệnh trừng phạt từng áp dụng trước khi ký thỏa thuận sẽ được khôi phục và chúng tôi đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt bổ sung, có thể được công bố ngay đầu tuần sau", bà Sanders cho biết thêm.

Phát biểu trước cuộc họp nội các trước đó, Trump cho biết sẽ mở cuộc đàm phán về thỏa thuận mới với Iran nhưng khẳng định Mỹ sẽ "thực hiện một thỏa thuận thực sự tốt cho thế giới hoặc sẽ không có thỏa thuận nào hết".

Trump hôm 8/5 tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran, chấm dứt nỗ lực ngoại giao suốt 15 năm qua giữa các cường quốc với Iran vì cho rằng thỏa thuận này không ngăn được Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Mỹ kêu gọi xây dựng một "thỏa thuận mới và lâu dài", trong đó không chỉ đặt ra giới hạn sâu hơn với chương trình hạt nhân Iran, mà còn nhằm vào chương trình tên lửa đạn đạo cũng như hoạt động hỗ trợ các nhóm vũ trang khắp Trung Đông của Tehran.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc được ký vào năm 2015 với tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), trong đó Tehran cam kết hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Trump từng phê phán JCPOA từ trước khi đắc cử, cho rằng đó là "thỏa thuận tồi tệ chưa từng có" và hứa xé bỏ nó trong ngày đầu nắm quyền. Hành động này của Trump vấp phải sự phản đối của các đồng minh ở châu Âu, những nước cho rằng thỏa thuận vẫn có giá trị ngay cả khi không có Mỹ.

Ý kiến của bạn

Bình luận