Nhãn hiệu “Bảo Xuân” bị xâm phạm bản quyền: Chờ một bản án nghiêm minh

Tác giả: Ngọc Lan

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 01/07/2017 18:29

Ngày 5/7/2017 tới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang sẽ mở phiên tòa xét xử công khai việc cơ sở Ngân Anh nộp đơn khởi kiện ngược Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) về quyết định xử phạt số 51/QĐ-XPHC ngày 10/6/2016 ra tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang.

g-2314

Kem Bảo Xuân (bên trái) là sản phẩm của Cơ sở Ngân Anh - Viên uống Bảo Xuân (bên phải) là của Cty Dược phẩm Ích Nhân

Kiện cả thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ

Được biết, việc cơ sở Ngân Anh tại Hậu Giang xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với nhãn hiệu “Bảo Xuân” của Công ty TNHH Dược Phẩm Ích Nhân kéo dài nhiều năm, cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thậm chí, cơ sở Ngân Anh còn kiện ngược quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục SHTT về việc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho nhãn hàng “Bảo Xuân” mà họ đăng ký.

Vụ án kéo dài nhiều năm, trải qua hai phiên tòa. Phiên tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang ra bản án số 13/2015/HC-ST ngày 22/9/2015. Ngay sau khi tuyên án, bản án đã bị viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang kháng nghị và các bên kháng cáo. Sau đó, sự việc chỉ kết thúc khi Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ra bản án phúc thẩm số 110/2016/HC-PT ngày 29/8/2016  tuyên xử  “Không chấp nhận đơn khởi kiện của chủ cơ sở Ngân Anh về yêu cầu hủy quyết định 11692/QĐ-SHTT của Cục SHTT”.

Sự việc chưa lắng xuống thì gần đây, cơ Sở Ngân Anh lại nộp đơn khởi kiện ngược Thanh tra Bộ KHCN về quyết định xử phạt số 51/QĐ-XPHC ngày 10/6/2016 ra tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang.

“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Theo đơn khởi kiện, cơ sở Ngân Anh lập luận vụ việc Ngân Anh khởi kiện quyết định số 11692/QĐ-SHTT của cục SHTT đang trong quá trình xét xử nên cho rằng Thanh tra bộ KH&CN vi phạm khoản 2 điều 28 Nghị định 99/2013/NĐ-CP. “Trong thời gian tòa án đang đang giải quyết, Bộ KH&CN không được phép ra bất cứ một quyết định xử lý hành chính nào cho đến khi quá trình giải quyết tranh chấp của Tòa án có quyết định hiệu lực cuối cùng”.

Thực tế, trong vụ án khởi kiện quyết định số 11692/QĐ-SHTT thì bị đơn là Cục SHTT; đối tượng khởi kiện (tranh chấp) là Quyết định 11692/QĐ-SHTT. Như vậy, vụ án này không liên quan gì tới việc cơ sở Ngân Anh xâm phạm quyền SHTT nhãn hiệu “Bảo Xuân” của công ty Ích Nhân và bị Thanh tra bộ KH&CN xử phạt.

Trong biên bản làm việc ngày 20/4/2017 giữa Thanh tra bộ KH&CN với Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang cũng nêu rõ “Bản án sơ thẩm số 13/2015/HC-ST không liên quan đến hiệu lực của các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đang được bảo hộ của công ty Ích Nhân nên công ty Ích Nhân có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý vụ việc”.

Rõ ràng, cơ sở Ngân Anh đang viện dẫn luật theo kiểu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Kéo các vấn đề không liên quan đến nhau thành một vấn đề chung.

Bắt chước tới từng xentimet

Cơ sở Ngân Anh cho rằng cơ sở Ngân Anh đã được Cục SHTT cấp giấy CNĐKNH số 231484 ngày 16/09/2014 nên việc sử dụng nhãn hiệu BẢO XINH (cách điệu) là thuộc phạm vi nhãn hiệu mà cơ sở Ngân Anh đã đăng ký.

Thanh tra bộ KH&CN đồng ý rằng cơ sở Ngân Anh có quyền sử dụng nhãn hiệu như đã đăng ký (cụ thể là nhãn hiệu chữ “Bảo Xinh” theo phông chữ in thường với chữ cái đầu “B” và “X” in hoa).

Tuy nhiên, trên sản phẩm kem dưỡng da do cơ sở Ngân Anh sản xuất (được lấy mẫu trong quá trình thanh tra), dấu hiệu “Bảo Xinh, hình”  có hình thức thể hiện cách điệu trùng với hình thức thể hiện của nhãn hiệu “Bảo Xuân, hình” đang được bảo hộ của công ty Ích Nhân theo giấy chứng nhận nhãn hiệu số 172843, 180951. Do vậy, đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ của công ty Ích Nhân.

Cùng nhận định với Thanh tra bộ KH& CN, trước đó, Viện khoa học sở hữu trí tuệ đã có Giám định số NH-084-13YC/KLGĐ ngày 26/04/2013 và Giám định số NH-018-16YC/KLGĐ ngày 22/01/2016 kết luận dấu hiệu BẢO XUÂN và “Bảo Xinh, hình” gắn (trình bày) trên bao gói sản phẩm kem dưỡng da của cơ sở Ngân Anh là yếu tố xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu đang được bảo hộ của công ty Ích Nhân.

Là các sản phẩm tương tự/ có liên quan

Cơ sở Ngân Anh cho rằng: Bảo Xinh là sản phẩm mỹ phẩm thuộc nhóm 03 khác với Bảo Xuân là dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng (nhóm 05) nên không vi phạm. Tuy nhiên, khi xem xét một sản phẩm có xâm phạm quyền SHTT đối với sản phẩm khác hay không thì các chuyên gia sở hữu trí tuệ sẽ căn cứ vào khả năng “tương tự/có liên quan”.

Thanh tra bộ KH&CN cho biết căn cứ theo các quy định pháp luật sau, thì Bảo Xinh (nhóm 03) mà cơ sở Ngân Anh sản xuất và Bảo Xuân (nhóm 05) mà công ty Ích Nhân sản xuất là các sản phẩm tương tự/có liên quan : Mục 39.9(b) thông tư 01/2017/TT-BKHCN ngày 14/12/2017 của bộ KH&CN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/07/2010 và thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/07/2011; Điều 2.23 Luật an toàn thực phẩm; Điều 2.1 Thông tư số 06/2011/BYT;

Thanh tra bộ KH&CN cũng cho biết: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ thì hành vi sử dụng nhãn hiệu BẢO XINH  trong trường hợp này là xâm phạm quyền SHTT của công ty Ích Nhân. Điều đáng lưu ý là lập luận này của cơ sở Ngân Anh cũng đã bị tòa án Phúc thẩm cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh bác trong vụ cơ sở Ngân Anh khởi kiện quyết định 11692/QĐ-SHTT của Cục SHTT.

Thiết nghĩ, việc thực hiện công tâm đúng pháp luật bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời loại bỏ các đơn vị ăn theo, bắt chước, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết. Đây cũng là hành động thiết thực bảo vệ khách hàng, bảo vệ người tiêu dùng trước cảnh hàng xâm phạm quyền SHTT còn tồn tại và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau trên thị trường.

Dư luận mong chờ một bản án nghiêm minh, công bằng, công tâm của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang sắp tới./.                                                                                           

Ý kiến của bạn

Bình luận