Cảnh tượng hỗn loạn khi mỗi phương tiện đi một hướng |
Vào thời điểm khoảng 11h trưa và 5h chiều hàng ngày, trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cậu Giấy, Hà Nội) đoạn qua các trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và Đại học Điện lực, cảnh tượng giao thông hỗn loạn, xung đột thường xuyên xảy ra.
Lượng phương tiện đi ngược chiều lớn, người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định cùng với lượng sinh viên ồ ạt đổ ra đường giờ tan tầm là những nguyên nhân chính tạo nên khung cảnh giao thông lộn xộn, mất an toàn ở khu vực này.
Theo ghi nhận của Tạp chí GTVT, mặc dù đoạn đường giữa cổng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và Đại học Điện lực đã xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ từ lâu, rất thuận tiện cho người đi bộ sang đường và di chuyển đến các bến xe bus ở đó. Tuy nhiên, đa số người qua đường bỏ qua sự có mặt của chiếc cầu vượt này và thản nhiên băng qua đường một cách tùy tiện, gây ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường.
Lượng phương tiện đi ngược chiều đông không kém gì phương tiện đi đúng luật |
Người đi bộ dàn hàng ngang dưới lòng đường dù cầu vượt đi bộ chỉ cách đó vài mét |
Va chạm rất dễ xảy ra khi người đi bộ không thể quan sát cả 2 hướng xe |
Cùng với đó, lượng phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy và xe đạp điện đi ngược chiều trên đoạn đường này rất nhiều, xung đột, thậm trí là va chạm giữa những người đi ngược chiều và người đi bộ do không thể quan sát hết các luồng phương tiện là chuyện không hiếm thấy.
Những người điều khiển xe đi ngược chiều phân trần: Do vị trí quay đầu xe ở đoạn đường này ở xa, phải đi hết đường mới có chỗ quay đầu và vị trí quay đầu lại là ngã ba lớn, cắt với đường Phạm Văn Đồng nên rất đông và bất tiện, vì vậy họ chọn cách đi ngược chiều và đi lên vỉa hè để “tiết kiệm” thời gian. Trong khi đó, người đi bộ băng qua đường mà không sử dụng cầu vượt chủ yếu là sinh viên của 2 trường nói trên. Sinh viên đổ ra đường giờ tan tầm thường đi thành từng tốp, dàn hàng băng qua đường bất chấp nguy hiểm. Nhiều sinh viên cho rằng việc sang đường như vậy đã trở thành thói quen hình thành từ lâu, họ “ngại” phải leo cầu thành lên xuống cầu vượt và đi bộ dưới lòng đường như vậy là cách thuận tiện và nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên sử dụng xe máy, xe đạp điện khi ra khỏi cổng trường cũng không ngần ngại đi ngược chiều hay đi lên vỉa hè để tránh phải đi vòng đoạn đường xa.
Những xe đi ngược chiều và đi trên vỉa hè hướng đến ngã tư Nguyễn Phong Sắc – Trần Cung |
Hình ảnh những người đi ngược chiều không đội mũ bảo hiểm hay chở quá số người quy định cũng không hiếm thấy |
Điều đáng nói là thực trạng này đã diễn ra từ lâu, và đã trở thành thói quen di chuyển của tham gia giao thông ở khu vực này. Tuy nhiên, không có những biện pháp xử lý thường xuyên và hiệu quả từ phía cơ quan chức năng.
Cần phải nói thêm rằng, không chỉ ở khu vực trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và Đại học Điện lực, mà ở rất nhiều trường Cao đẳng, Đại học khác, tình trạng sinh viên đổ ra đường trong giờ tan trường thiếu ý thức, không tuân thủ luật giao thông như sang đường không đúng nơi quy định, tụ tập dưới lòng được hay đi ngược chiều để “tiện đường” thường xuyên diễn ra. Giao thông ở trước các cổng trường giờ tan tầm thường rơi vào tình trạng ùn tắc, hỗn loạn.
Nhiều sinh viên không ngần ngại đi ngược chiều để “tiết kiệm” thời gian |
Giờ tan tầm, lưu lương phương tiện tham gia giao thông đông đúc, nhất là ở các cổng trường học, sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông gây mất an toàn và tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Thiết nghĩ, để đảm bảo ATGT khu vực này, ngoài trách nhiệm điều tiết giao thông, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, cần phải có sự chấp hành nghiêm túc luật lệ từ những người tham gia giao thông, đặc biệt là từ phía học sinh, sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.