Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng hạ tầng giao thông

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Ứng dụng 28/07/2016 16:10

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học trong việc đảm bảo chất lượng xây dựng công trình công cộng, tăng cường năng lực quản lý an toàn và chất lượng công trình, cải thiện an toàn và chất lượng trong xây dựng cầu và đảm bảo chất lượng kết cấu bằng ứng dụng các công nghệ mới...

DSC_1410
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội thảo.

Sáng 28/7, Bộ GTVT và cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đã phối hợp tổ chức Hội thảo Quản lý chất lượng công trình hạ tầng giao thông đường bộ.  

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá, được ưu tiên trong thập kỷ qua và đặc biệt là giai đoạn 2016-2020. Trong tất cả các lĩnh vực, đường bộ là lĩnh vực được quan tâm đầu tư nhiều nhất, các công trình lớn quan trọng đã từng bước được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác trong đó có 725 km đường bộ cao tốc. Các công trình này góp phần cải thiện bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội và gặp rất nhiều thách thức.

“Thách thức lớn của ta là nhu cầu đầu tư lớn trong khi huy động nguồn lực rất khó khăn, đầu tư trên kết nối mới tập trung vào lĩnh vực đường bộ và rất khó khăn trong việc hài hòa kết nối các lĩnh vực vận tải. Ngoài ra, chi phí xây dựng còn cao và áp dụng công nghệ mới tuy nhiều nhưng còn mảnh lẻ. Một trong những điểm thách thức của chúng ta là một số công trình còn khiếm khuyết về chất lượng trong những năm vừa qua”, Thứ trưởng bày tỏ.

Thay mặt Đại sứ quán Nhật Bản, Công sứ Katsuro Nagai chia sẻ: “Hội thảo này được tổ chức rất đúng thời điểm khi mà các dự án quản lý chất lượng công trình đường bộ ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như Thứ trưởng Đông đã nhắc tới. Chúng tôi hy vọng công nghệ cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung công trình giao thông nói riêng mà Nhật Bản đã trải qua".

DSC_1413
Toàn cảnh hội thảo.

Trao đổi tại hội thảo, ông Dương Viết Roãn - Phó cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết trong những năm qua, chất lượng các công trình ngày càng nâng cao nhờ năng lực, công nghệ và nhận thức của các chủ thể tham gia thực hiện dự án ngày càng hoàn thiện. Hầu hết các dự án hoàn thành đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác sử dụng, được xã hội và nhân dân đồng tình hoan nghênh. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn một số công trình, dự án cục bộ có tồn tại về chất lượng.

IMG_8806
Công sứ Katsuro Nagai cho biết Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam

Theo ông Roãn, những hạn chế hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình liên quan đến cơ chế, chính sách, công tác xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn và ứng dụng KHCN, kiểm tra giám sát thực hiện của chủ thể, công tác quản lý, xây lắp, tư vấn dự án… Trong đó, quy định, chính sách trong quản lý hoạt động xây dựng chưa hoàn thiện, các hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng chậm ban hành, đồng thời chưa bao quát được hết các điều kiện thực tế. Ngoài ra, một số quy định phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các rào cản thực hiện dự án, bảo đảm quyền lợi và hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia dự án. Đồng thời, vốn đối ứng của ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nên giải phóng mặt bằng tại một số dự án chậm, ảnh hưởng tới tiến độ và triển khai thi công.

Mặc dù việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn được thực hiện thường xuyên nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên các tiêu chuẩn chủ yếu được xây dựng dưới hình thức chuyển đổi hoặc dịch từ tiêu chuẩn, tài liệu nước ngoài nên một số nội dung chưa phù hợp với Việt Nam. Về công tác kiểm tra giám sát thực hiện, dù đã thường xuyên kiểm tra nhưng do ý thức chưa cao của các đơn vị nên cục bộ ở một số dự án, vẫn có những khiếm khuyết về chất lượng, làm giảm và hạn chế khả năng khai thác công trình như lún, sụt, hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa, hư hỏng ở một số bộ phận kết cấu công trình… Một số dự án xảy ra sự cố đáng tiếc như sập giàn giáo tại các dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sập cần cẩu tại các dự án nâng cấp QL30 Cao Lãnh - Hồng Ngự…

Trao đổi tại hội thảo, ông Yoshiaki Matsuno – chuyên gia JICA chia sẻ hiện nay, Nhật Bản đang áp dụng hệ thống lựa chọn dựa trên chất lượng và chi phí thay cho lựa chọn dựa trên chi phí. Theo đó, hệ thống lựa chọn dựa trên chất lượng và chi phí là một cơ chế đấu thầu toàn diện, xem xét đến chi phí và các yếu tố khác, chẳng hạn như thời gian xây dựng, chức năng, an toàn… Hệ thống này được áp dụng trong bối cảnh hiện tại, ở Nhật Bản, hình thức đấu thầu rộng rãi được áp dụng trong việc lựa chọn các nhà thầu xây dựng công trình. Hệ thống lựa chọn dựa trên chất lượng và chi phí lần đầu tiên được đưa vào sử dụng từ những năm 1990 và cũng được các chủ đầu tư biết đến rộng rãi sau khi “Luật thúc đẩy đảm bảo chất lượng công trình” được ban hành năm 2003.

“Trước đây, chúng tôi áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, trong đó, mời khoảng 10 công ty xây dựng mà mình tin tưởng để tham dự đấu thầu. Tuy nhiên, nhằm tăng tính cạnh tranh nên đã chuyển sang hình thức đấu thầu cạnh tranh rộng rãi để tiến hành đấu thầu các công trình công cộng. Khi đó, chúng tôi lo ngại về vấn đề giảm sút chất lượng do có sự tham gia đấu thầu của những công ty xây dựng mới”, ông Yoshiaki Matsuno cho biết thêm.

Về công tác đảm bảo chất lượng kết cấu bằng ứng dụng các công nghệ mới, ông Yukoh Tsutaya giới thiệu về thép chịu thời tiết và cọc vít NS-ECO. Theo đó, thép chịu thời tiết là loại thép mà bản thân nó có hiệu năng chống ăn mòn mà không cần sơn phủ. Trong quá trình chế tạo, một lượng nhỏ hợp kim như đồng, crom và Niken được thêm vào để tạo thành lớp gỉ mịn. Loại thép thường sẽ có lớp gỉ rỗng và giòn, tốc độ gỉ không giảm mà càng tăng còn thép chịu thời tiết có lớp gỉ mịn và chặt, tốc độ ăn mòn chậm lại rất đáng kể.

“Để sử dụng thành công thép chịu thời tiết, trước khi thi công cần xác nhận điều kiện môi trường phù hợp với khả năng ứng dụng phụ thuộc, tránh điều kiện ẩm ướt thường xuyên và phải có các chi tiết kết cấu phù hợp. Trong quá trình sử dụng cũng cần kiểm tra định kỳ và sửa chữa khi có sự cố”, ông Yukoh Tsutaya nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học trong việc đảm bảo chất lượng xây dựng công trình công cộng, tăng cường năng lực quản lý an toàn và chất lượng công trình, cải thiện an toàn và chất lượng trong xây dựng cầu và đảm bảo chất lượng kết cấu...

Ý kiến của bạn

Bình luận