Nhiều dự án cao tốc trọng điểm vẫn vướng mặt bằng, thiếu vật liệu

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 29/11/2023 15:03

Tại dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát đắp được 16,9/19 triệu m3. Thực tế, đến nay, nhà thầu mới khai thác được 0,7 triệu m3.

Nhiều dự án cao tốc trọng điểm vẫn vướng mặt bằng, thiếu vật liệu- Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã bàn giao được 673,29/721,25 km (đạt 93,4%), tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công 645,8/721,25 km (đạt 89,5%) - Ảnh minh họa

Gần 90% mặt bằng cao tốc Bắc - Nam có thể triển khai thi công

Thông tin về tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay, các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai để hoàn thành công tác GPMB đáp ứng tiến độ triển khai thi công.

Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã bàn giao được 673,29/721,25 km (đạt 93,4%), tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công 645,8/721,25 km (đạt 89,5%).

Tuy nhiên, công tác xây dựng các khu tái định cư (dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 76/147 khu tái định cư), di dời đường điện cao thế triển khai chậm so với yêu cầu.

Tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đồng Nai chậm hơn nhiều so với mặt bằng chung các tỉnh, thành phố. Cụ thể, tại dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Dự án thành phần 1 chưa bàn giao, dự án thành phần 2 đạt 12,8%; Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh: Dự án thành phần 4 đạt 6%.

Công tác chuyển mục đích sử dụng rừng tại dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB. Cụ thể, dự án thành phần 2 thuộc dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột GPMB đạt 24%.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đã hoàn thiện hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản 8361 ngày 17/11/2023 gửi Chính phủ để giải trình, hiện nay Văn phòng Chính phủ đang xem xét, giải quyết.

Đối với dự án Hòa Liên - Túy Loan đi qua khu vực nhiều dân cư, triển khai từ tháng 2/2023 đến nay chưa bàn giao thêm mặt bằng (GPMB tuyến chính 1,85/11,5 km, tương đương khoảng 16,1% theo chiều dài và khoảng 10% theo diện tích thuộc phạm vi đã bàn giao của dự án La Sơn - Túy Loan trước đây.

Hàng loạt dự án thiếu nguồn vật liệu

Thông tin về vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, với các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa: Cát được sử dụng từ 79 mỏ đang khai thác và 14 mỏ mở mới; các nhà thầu đã khai thác được 8/14 mỏ. Đất được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác và 74 mỏ mở mới; các nhà thầu đã khai thác được 27/74 mỏ.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát đắp được 16,9/19 triệu m3 (trong đó đã và đang khai thác 3,63 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục 13 mỏ với trữ lượng 13,27 triệu m3). Thực tế, đến nay, nhà thầu mới khai thác được 0,7 triệu m3.

Ngày 17/11/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương về nguồn cát, các địa phương đã cam kết hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trong năm 2023; tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng 2,1 triệu m3 chưa xác nhận được nguồn cung cấp và công suất khai thác của các mỏ hiện nay rất thấp.

Đối với dự án Vành đai 4 TP.Hà Nội, hiện nay, TP.Hà Nội đang phối hợp với các địa phương lân cận để bảo đảm nguồn cung cho dự án đoạn qua TP.Hà Nội; các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh mới dự kiến nguồn cung cấp chưa triển khai các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nguồn cung cấp vật liệu xây dựng trong khu vực đáp ứng nhu cầu; đã trình 14 mỏ đất, 6 mỏ đá, 1 mỏ cát nhưng chưa được xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nguồn cung cấp VLXD trong khu vực đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên trong khu vực đang triển khai đồng loạt các dự án có thể gây thiếu hụt về công suất cung cấp đất đắp.

Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh: Đất đắp, đá, cát xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu; đang triển khai các thủ tục về khai thác và cung cấp vật liệu. Riêng với nguồn cát đắp nền đường thiếu khoảng 20% khối lượng, đề nghị điều phối từ các tỉnh lân cận.

Cuối cùng là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ sử dụng nguồn cát từ An Giang, nhưng mới xác định được nguồn khai thác của 7,5 triệu m3 (55% nhu cầu) và đang hoàn thiện thủ tục khai thác; tỉnh An Giang và Sóc Trăng đã xác định đủ nguồn cung vật liệu, đang hoàn thiện thủ tục khai thác.

Ý kiến của bạn

Bình luận