Nhiều giải pháp đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng khu vực phía Nam

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Bạn đọc 24/01/2020 05:11

Để thu hút người dân sử dụng loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), những năm gần đây, các tỉnh, thành phía Nam đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện và đưa ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

 

hình 1
TP. Hồ Chí Minh đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ vào quản lý nhằm thu hút người dân đi xe buýt, giảm UTGT

Ứng dụng công nghệ trong quản lý

Hiện nay, với trên 16.000 chuyến xe buýt hoạt động phục vụ vận chuyển khoảng 800.000 lượt hành khách mỗi ngày, VTHKCC bằng xe buýt vẫn là phương thức chủ lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP. Hồ Chí Minh.

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hồ Chí Minh (Trung tâm) cho biết: “Để nâng cao chất lượng phục vụ thu hút người dân đi xe buýt, hạn chế xe cá nhân và giảm UTGT, Trung tâm đã đầu tư nâng cấp, cải tạo các trạm, nhà chờ xe buýt, lắp đặt camera, bảng thông tin điện tử... Ngoài ra, Trung tâm cũng tiếp tục kiểm soát, giám sát các tuyến xe buýt thông qua hệ thống RFID kết hợp với hệ thống GPS để giám sát nghiệm thu thông qua ứng dụng công nghệ, vừa tiết kiệm được nhân sự giữa hai đầu bến, vừa tăng độ chính xác, công khai minh bạch và lưu trữ được toàn bộ dữ liệu hành trình của chuyến xe, phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát về sau”. 

"Hiện nay, Trung tâm đang làm việc với các đơn vị tư vấn và xây dựng đề án trình Sở GTVT thẩm định, qua đó nâng cấp trung tâm điều hành, bổ sung các hệ thống hạ tầng, chức năng phần mềm giám sát tự động tốt hơn nhằm phát hiện những hành vi vi phạm trên hệ thống xe buýt như: tài xế hút thuốc, nghe điện thoại, nhận diện tài xế, móc túi... Nếu phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ tự động nhận diện và báo về Trung tâm để xử lý ngay", ông Trung cho biết thêm.

TP. Cần Thơ hiện có 8 tuyến xe buýt hoạt động gồm 5 tuyến nội thành và 3 tuyến kế cận đi các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang và ngược lại. Tổng chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 223km, tổng số lượt xe trung bình hoạt động trong ngày khoảng 388 lượt/ngày. Trong giai đoạn 2010 - 2019, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố liên tục có sự suy giảm về khối lượng vận chuyển, phương tiện khai thác và số tuyến buýt. Doanh thu năm 2018 đạt hơn 9,52 tỷ đồng, chi phí 10,04 tỷ đồng (lỗ 516 triệu đồng); dự kiến năm 2019 lỗ trên 300 triệu đồng.

Từ thực trạng trên, để khắc phục tồn tại và đưa xe buýt Cần Thơ phát triển, Sở GTVT Thành phố đang tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Phát triển VTHKCC trên địa bàn TP. Cần Thơ giai đoạn 2019 - 2020. Kế hoạch này góp phần triển khai thực hiện Đề án Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC trên địa bàn TP. Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng sau năm 2020. Theo đó, TP. Cần Thơ sẽ mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác 5 tuyến xe buýt không trợ giá giai đoạn 2019 - 2020.

Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi đang trình UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch phát triển xe buýt giai đoạn 2019 - 2020, đồng thời triển khai 5 tuyến xe buýt mới không trợ giá và mời gọi nhà đầu tư để đổi mới phương tiện xe buýt cũ. Các phương tiện buýt công cộng chỉ mới đáp ứng 01% nhu cầu VTHKCC. Từ nay đến cuối năm 2019, ngoài xã hội hóa 135 xe buýt mới, chúng tôi sẽ xây thêm 101 nhà chờ; sau năm 2020 sẽ mở thêm 5 tuyến xe buýt trợ giá. Lượng xe buýt này sẽ cơ bản đáp ứng 5% so với yêu cầu đề ra, còn 10% thì phải chờ thêm thời gian”.

Kết nối giao thông công cộng

Đại diện UBND tỉnh Bình Dương nhận định, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị nhanh, cùng với việc hình thành nhiều khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều lao động từ các tỉnh đến làm việc, sinh sống đã gây áp lực lên hệ thống giao thông trên địa bàn. Để giải quyết vấn đề UTGT trong tương lai gần đòi hỏi phải xây dựng hệ thống VTHKCC khối lượng lớn, tốc độ cao và kết nối với các tuyến đường bộ, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm…

Quá trình quy hoạch phát triển đa dạng các loại hình, phương tiện giao thông công cộng của Bình Dương đang được các cơ quan nỗ lực thực hiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tương lai. Ngay bây giờ, việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân sẽ góp phần giảm bớt áp lực UTGT là rất cần thiết.

Trong đề án phát triển hệ thống giao thông công cộng tại địa phương này đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025, việc quy hoạch 4 tuyến chính sẽ đưa hệ thống giao thông này trở thành hình thức đi lại chủ yếu cho người dân trong tương lai. Theo đó, trên trục sẽ xây dựng mạng lưới hướng tâm về thành phố mới, phát triển giao thông công cộng kết nối với TP. Thủ Dầu Một, các huyện, đô thị vệ tinh cũng như với các tỉnh, thành lân cận; tăng cường kết nối giữa các quận, huyện, các khu dân cư tập trung; khu thương mại, du lịch, khu công nghiệp…, đặc biệt ưu tiên phát triển loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn (đường sắt đô thị và BRT).

Tuyến vành đai sẽ kết nối các đô thị vệ tinh, giảm lưu lượng hành khách đi vào khu trung tâm. Trên các trục này chỉ sử dụng loại hình buýt thường và giao thông công cộng đường sông; xem xét phát triển giao thông công cộng khối lượng lớn trên một số tuyến đi trên các trục giao thông quan trọng như QL13 và ĐT743. Tuyến nhánh sẽ kết nối các khu vực của tỉnh ra các tuyến hướng tâm và tuyến vành đai thông qua các đường đô thị thứ yếu, đường khu vực. Các tuyến còn có vai trò kết nối các đô thị vệ tinh ở phía Bắc TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) và tỉnh Tây Ninh.

Giai đoạn sau năm 2025, mạng lưới giao thông về cơ bản đã hoàn thiện các trục chính, mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao, nhu cầu đi lại lớn, vì vậy trên các trục chính của tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng các làn đường dành riêng cho các tuyến BRT.

Về công tác tuyên truyền, Bình Dương cũng khuyến khích người dân tham gia và sử dụng giao thông công cộng để mọi người dân hiểu rõ lợi ích, tác dụng của việc sử dụng hình thức này. Để từng bước hình thành mạng lưới tuyến, tạo thói quen cho người dân sử dụng giao thông công cộng đi lại hàng ngày cần phải có chính sách trợ giá của Nhà nước để hỗ trợ giá vé cho các loại hình xe buýt, đường sắt đô thị và buýt đường sông; chính sách miễn vé cho các đối tượng chính sách, người khuyết tật; giảm giá vé tháng cho các đối tượng là sinh viên và học sinh...

Ý kiến của bạn

Bình luận