Tái cơ cấu lại đội tàu biển
Vận tải biển là một trong ba trụ cột của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu khi hàng hóa bị ngưng trệ, sụt giảm bởi dịch Covid-19. Theo ông Trần Tuấn Hải - Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải biển gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng sâu sắc từ thị trường thế giới suy giảm sau chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung, tiếp đó là cú sốc của dịch Covid-19 dẫn tới hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng, giá cước thấp, chi phí khai thác tăng...
Với số lượng gần 70 tàu của các doanh nghiệp toàn Tổng công ty, hoạt động cả nội địa và quốc tế, nhiều tàu chạy hàng khu vực xa như châu Mỹ, châu Phi... nhưng thời gian qua không có đơn hàng chạy về hay hai chiều mà chủ yếu dừng neo chờ. Trong khi đó, tàu dầu đang bị các đối tác trả hoặc yêu cầu giảm cước. Tàu container hoạt động kém hiệu quả do cước quá thấp, cung lớn hơn cầu, nhiều tàu phải dừng.
Đối với hoạt động khai thác kinh doanh tàu, hầu hết hợp đồng hàng hóa mà Tổng công ty đã ký đều bị hủy bỏ, các đơn hàng đang thực hiện thì thiệt hại nặng nề do không thể nhận, trả hàng do nhiều nước như Philipines, Ấn Độ... bị phong tỏa, cảng không có lao động... Thực trạng này làm đội chi phí rất lớn cho việc neo chờ tàu, chi phí lương thuyền viên, bảo hiểm, phí neo đậu, nhiên liệu... Ngoài ra, việc duy trì đảm bảo tình trạng kỹ thuật tàu rất khó khăn do không cung cấp được phụ tùng vật tư, dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa...
Cũng theo ông Hải, hết quý I/2020, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Tổng công ty với tổng doanh thu 1.218,126 tỷ đồng, tổng chi phí 1.604,268 tỷ đồng và hiện tại đang lỗ 386 tỷ đồng. Báo cáo của các doanh nghiệp khẳng định, tình hình kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2020 sẽ rất khó khăn, cạn kiệt dòng tiền, nguy cấp khả năng duy trì khai thác tàu và duy trì bảo đảm tài sản.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, một trong những giải pháp quan trọng mà theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Quyền Tổng Giám đốc VIMC đưa ra là tái cơ cấu lại đội tàu biển, xem xét chỉ cho chạy lại một số tàu, rà soát cắt giảm các chi phí không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và điều hành doanh nghiệp; khôi phục lại chuỗi sản xuất bị đứt gãy do dịch bệnh để kết nối lưu thông hàng hóa, tìm kiếm các thị trường mới. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần chỉ đạo các ngân hàng xem xét cho giãn nợ, giảm lãi đối với đội tàu biển bởi nguồn vốn VIMC vay chủ yếu từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đóng mới tàu tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trước đây với lãi suất cố định suất chu kỳ vay 11,4%, trong khi mặt bằng lãi suất vay hiện nay đã xuống rất thấp. Do đó, VIMC đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét lại cơ cấu khoản nợ, giảm lãi và xóa lãi cho doanh nghiệp.
Điều chỉnh cơ chế, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp
Theo ông Trịnh Thế Cường - Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam), tổng lượt tàu thông qua cảng biển trong quý I là 16.473 lượt, giảm 10% so với năm 2019, trong đó tàu khách nước ngoài giảm 40%. Lượt tàu hàng hóa thông qua cảng quý I/2020 cũng giảm, chỉ bằng 91% so với cùng kỳ, lượt tàu nội địa bằng 84,2% và lượt tàu quốc tế bằng 98% so với năm 2019.
Cơ hội cho vận tải biển Dự báo, trong tháng 5 và quý II/2020, thị trường vận tải biển thế giới tiếp tục giảm mạnh, vận tải biển của Việt Nam năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của các nước sụt giảm, tình hình sản xuất trên thế giới bị ngừng trệ dẫn đến sản lượng hàng hóa vận tải bị ảnh hưởng cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tính đến thời điểm này không bị tác động nhiều, vẫn có xu hướng tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với trung bình của thời gian trước. Mặc dù thời gian tới còn nhiều khó khăn do bối cảnh chung song đây cũng là cơ hội cho vận tải biển bởi hàng hóa xuất khẩu qua biên giới bằng đường bộ hiện nay đang ùn ứ, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu chuyển sang vận chuyển bằng đường biển. Nguyễn Xuân Sang Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam |
Mặc dù bị tác động bởi tình hình dịch bệnh nhưng sản lượng hàng hóa thông qua cảng không bị tác động nhiều, vẫn có xu hướng tăng, tuy nhiên tốc độ tăng chậm hơn so với trung bình của thời gian trước. Cụ thể, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong quý I/2020 đạt 161.478.000 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng hàng hóa container thông qua cảng trong quý I cũng tăng 16% so với cùng kỳ. Chỉ riêng trong tháng 4, Cục Hàng hải Việt Nam ước tính khối lượng hàng container đạt 1.695.000 TEUs, tăng 3% so với năm 2019.
Để có được sự tăng trưởng đáng khích lệ này trong mùa dịch Covid-19, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển trong giai đoạn khó khăn. Cục đã kịp thời làm việc với Hiệp hội Hoa tiêu Hàng hải Việt Nam và các công ty hoa tiêu để đưa ra các giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động và thống nhất từ ngày 01/5, các doanh nghiệp vận tải đã được áp dụng mức giá tối thiểu (giảm 10% so với mức giá hiện hành) dịch vụ hoa tiêu đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa (bao gồm cả tàu biển và phương tiện VR-SB), thời gian áp dụng là 3 tháng.
Theo dự kiến, trong quý II/2020, các công ty hoa tiêu thực hiện dẫn được khoảng 25.000 lượt tàu, trong đó có khoảng 10.000 lượt tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa. Mức giá giảm cho các doanh nghiệp ước tính khoảng 4,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá dịch vụ lai dắt cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa (bao gồm cả tàu biển và phương tiện VR-SB) cũng được điều chỉnh giảm. Hiện nay, khoảng 40 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt đã có thông báo điều chỉnh giảm giá dịch vụ, đưa về mức giá dịch vụ tối thiểu theo quy định.
Đối với chính sách và lệ phí hàng hải, các đơn vị được phép giãn thời gian thực hiện quy định về điều kiện được chậm nộp các khoản phí và lệ phí cho tàu thuyền theo Thông tư số 90/2019/TT-BTC; miễn phí sử dụng vị trí neo, đậu đối với tàu thuyền trong thời gian phải neo chờ để thực hiện việc kiểm tra y tế hoặc cách ly do dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa tàu thuyền vào cầu cảng. Thời gian miễn phí đến hết ngày 31/12/2020.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.