Nhiều kết cấu hạ tầng giao thông ở Quảng Nam thiệt hại nặng sau bão số 5

Tác giả: Đức Tài

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/10/2022 19:53

Mưa bão số 5 gây thiệt hại lớn kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường thủy nội địa ở Quảng Nam.

Ngày 18/10, Văn phòng Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa có báo gửi UBND tỉnh, Cục đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về tình hình thiệt hại giao thông trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của bão số 5 (từ ngày 14/10-16/10). 
Nhiều kết cấu hạng tầng giao thông Quảng Nam thiệt hại nặng sau bão số 5 - Ảnh 1.

Hố tử thần xuất hiện trên tuyến QL14B

Cụ thể, trên các tuyến quốc lộ do Sở GTVT tỉnh quản lý hư hỏng nghiêm trọng. Tại QL14B có đến 41 vị trí sạt lở taluy dương, tràn lấp mặt đường và rãnh dọc, khối lượng 13.260 m3. Ba vị trí cống bị tắc cống, sụp 1/2 mố cầu và tứ nón cầu gây tắc đường, 2 vị trí mặt đường bị hư hỏng, sình lún và khoảng 2,1km lề đường bị xói lở. 

Trên QL14E cũng có 21 vị trí hư hỏng, sình lún mặt đường, khối lượng 14.340m2. Xói lở lề đường 52md, 2 cống, 11 biển báo bị hư hỏng. QL40B có 5 vị trí sạt lở taluy âm, taluy dương 20 vị trí, tắc cống và lấp hố thu 13 cái. Hư hỏng mặt đường 3 vị trí, khối lượng khoảng 5.525 m2. Ứớc tính thiệt hại khoảng 14.454 triệu đồng. 
Trên các tuyến tỉnh lộ, sạt lở, ngập úng cũng làm hư hỏng nhiều hạng mục giao thông như: Mặt đường, lề đường, các cống, rãnh, taluy dương, âm, vỉa hè… . Trong đó, nặng nhất là các tuyến đường ĐT 611, 612, 609.. , ước tính thiệt hại khoảng trên 4,5 tỷ đồng.
Nhiều kết cấu hạng tầng giao thông Quảng Nam thiệt hại nặng sau bão số 5 - Ảnh 2.

Ngành giao thông đang nỗ lực khắc phục hư hỏng các tuyến đường tại Quảng Nam

Mưa lớn cũng làm nhiều trang thiết bị, biển báo trên tuyến đường thủy nội địa hư hỏng, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 602 triệu đồng. 

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, sau mưa bão, nhằm kịp thời xử lý ùn tắc giao thông, khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt, Sở cùng các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai hót dọn, vận chuyển sang ngang, vận chuyển đến bãi đổ đúng quy định khối lượng đất, bùn, đá trôi tràn lề đường, mặt đường, rãnh dọc, bồi lấp làm tắc cống thoát nước.
Các nhà thầu dùng máy để phá, vận chuyển các khối lượng đá tảng rơi xuống nền, mặt đường có kích thước lớn; kè rọ thép nhồi đá hộc hoặc bằng kè bê tông cốt thép (chân khay bằng bê tông M200; mái ta luy bằng bê tông lưới thép M250) tại các taluy bị sạt lở. Mặt đường ổ gà, bong tróc, lề đường bị xói trôi được san gạt, bảo đảm êm thuận, kết hợp cắm biển báo báo tạm thời. Lề đường các đoạn xen kẹp giữa mặt đường và rãnh dọc được gia cố đồng thời với kết cấu bê tông xi măng M300 dày 20cm trên lớp cấp phối đá dăm dày 12cm. 
“Tính đến thời điểm hiện tại, cơ bản các tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh do đơn vị quản lý đã được khắc phục, người dân và các phương tiện có thể lưu thông qua lại”, ông Tuấn nói. 


Ý kiến của bạn

Bình luận