Làm 4,2km còn lại của đường tránh phía Đông TP.Đông Hà
Đầu tiên, UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hoàn thành 4,2km còn lại của đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH giai đoạn 2022 - 2023, Bộ GTVT cho biết, để đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc giao thông đô thị, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường tránh phía Đông, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị tại Quyết định 1719 ngày 28/9/2021, chiều dài 13,2km, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2023.
Đối với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị về hỗ trợ vốn đầu tư hoàn thành 4,2km còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Tờ trình 5463 ngày 5/8/2022 về việc giao danh mục và mức vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; điều chỉnh, bổ sung vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó đã đề nghị bố trí 230 tỷ đồng cho 4,2km còn lại của đường tránh phía Đông TP.Đông Hà.
"Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng trị trong quá trình triển khai tiếp theo sau khi dự án được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn", văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy ký nêu rõ.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đúng theo cam kết tại Văn bản 144 ngày 25/7/2022 về việc hoàn thành dự án trong năm 2023 để bảo đảm khai thác toàn tuyến; bố trí đủ số vốn còn thiếu từ ngân sách địa phương để hoàn thành dự án trong trường hợp phát sinh tăng tổng mức đầu tư.
Đối với đề xuất về dự án đường nối từ cầu Thạch Hãn đến trung tâm phường An Đôn, Bộ GTVT cho biết, việc đấu nối đường đô thị vào QL1 tại Km770+000, ngày 8/7/2022, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc, yêu cầu đấu nối vào quốc lộ theo quy định tại Nghị định 117/2021, Thông tư 39/2021 của Bộ GTVT.
Đối với việc cải tạo, mở rộng đường ngang tại Km633+030 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh, ngày 14/9/2022, Bộ GTVT đã chấp thuận việc cải tạo, mở rộng đường ngang, bảo đảm yêu cầu đường ngang được nâng cấp, mở rộng có quy mô phù hợp với cấp đường bộ của dự án và tuân thủ theo quy định tại Nghị định 65/2018 và Thông tư 25/2018 của Bộ GTVT.
"Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ GTVT trong quá trình triển khai, bảo đảm tuân thủ quy định", Văn bản của Bộ GTVT nêu.
Phối hợp gia hạn hiệp định vay vốn thi công dự án QL9
Liên quan đến đề xuất về dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1, Bộ GTVT cho biết, dự án này sử dụng vốn dư của dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Trong đó, Bộ GTVT là cơ quan chủ quản dự án, thời gian đóng hiệp định vay vốn là 31/12/2022; UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thi công dự án trong năm 2021-2022.
Theo Bộ GTVT, dự án khởi công vào tháng 4/2022, đến nay mới bàn giao mặt bằng được 7,52km/27,6km, không đáp ứng yêu cầu về tiến độ GPMB như đã cam kết và không thể thi công hoàn thành trước ngày đóng hiệp định vay vốn (ngày 31/12/2022). UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất gia hạn thời gian đóng hiệp định vay vốn thêm 1 năm, đến ngày 31/12/2023.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT làm việc với WB, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về đề xuất gia hạn Hiệp định vay; trường hợp được chấp thuận, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thủ tục gia hạn hiệp định vay. "Trường hợp không được chấp thuận, UBND tỉnh Quảng Trị chịu toàn bộ trách nhiệm về việc không thực hiện đúng cam kết", Bộ GTVT nêu rõ.
Cuối cùng, trả lời về đề xuất của UBND tỉnh Quảng Trị đối với dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP), Bộ GTVT đối với hợp phần đường thuộc dự án LRAMP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tổng số vốn ODA được phân bổ là 202,55 tỷ đồng, đến hết năm 2021, số vốn ODA đã rút của tỉnh Quảng Trị là 170,87/202,55 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, dự án LRAMP được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng vốn dư ODA của Ngân hàng thế giới (WB) từ nguồn tiết kiệm sau đấu thầu, dự phòng 5% của các công trình. Phần vốn dư này phải áp dụng tỷ lệ vay lại theo quy định tại Nghị định số 97/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đôn đốc các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu sử dụng vốn dư sau đấu thầu, dư dự phòng theo yêu cầu tại văn bản số 9294/BGTVT-KHĐT ngày 12/9/2022 của Bộ GTVT. Đồng thời hoàn thiện thủ tục ký hợp đồng vay lại đối với phần vốn dư theo quy định làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.