Nhiều mô hình, kinh nghiệm hay trong kiểm soát tải trọng phương tiện

Hoạt động Ban ATGT 10/04/2015 11:10

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong công tác chỉ đạo, điều hành; 63/63 địa phương có kế hoạch phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở GTVT triển khai thực hiện; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ kế hoạch và tổ chức lực lượng liên ngành kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm.


Theo số liệu từ phần mềm Kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) của Tổng cục ĐBVN, tính từ 01/4 đến 31/12/2014, các Trạm KSTTX lưu động của 63 địa phương đã kiểm tra được hơn 500.000 lượt xe, phát hiện hơn 70.000 xe vi phạm, chiếm 14%, tước 43.000 giấy phép lái xe, xử phạt gần 300 tỷ đồng; kiểm tra bằng cân xách tay gần 130.000 xe, phát hiện hơn 15.000 xe vi phạm (bằng 11%); xử lý xe ô tô tải tự đổ vi phạm kích thước thùng chở hàng, đã kiểm tra 6.757 xe, có 1.217 xe vi phạm, số xe này đã buộc cắt phần thùng cơi nới trái phép.

Một số địa phương sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo địa phương thì tình hình xe vi phạm chở quá tải gần như đã được hạn chế, điển hình như: Hà Tĩnh, Hòa Bình, Nghệ An. Lãnh đạo Công an tỉnh, Sở GTVT kiểm tra đôn đốc hàng ngày và ra tận hiện trường để chỉ đạo, giám sát thực hiện. Các lực lượng chức năng chủ động, khéo léo, mềm dẻo nhưng kiên quyết trong giải quyết các vụ việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Dưới đây là một số mô hình, kinh nghiệm hay cần được nhân rộng.

xequatai0219872240

Ảnh minh họa

Nhân rộng mô hình ở Hải Dương

Hải Dương là một trong số các địa phương có mô hình KSTTX khác biệt với quy chế liên Bộ GTVT – Công an. Nhưng qua gần một năm hoạt động cho thấy, mô hình này rất hiệu quả. Phó giám đốc Sở GTVT Hải Dương Lê Quý Tiệp cho biết: ‘‘Trạm KSTTX trực thuộc Sở GTVT nhưng các lực lượng làm nhiệm vụ tại Trạm lại là lực lượng liên ngành. Do đó, UBND tỉnh đã giao cho Ban ATGT tỉnh chủ trì. Bên cạnh đó, lực lượng tại Trạm được phân công nhiệm vụ theo nguyên tắc CSGT chỉ thực hiện việc dừng xe, còn TTGT làm tổ trưởng các kíp trực và thực hiện việc lập biên bản vi phạm”.

Đến nay, Hải Dương đã kiểm tra hơn 12.000 lượt phương tiện, phát hiện và xử phạt gần 3.000 phương tiện vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước 31 tỷ đồng. Vào ban ngày, có đến 98% lượng xe được kiểm tra tải trọng không vi phạm. Dù ban đêm vẫn còn xe quá tải đi vào các đường nhánh để tránh trạm KSTTX nhưng các lực lượng liên ngành đã chủ động tuần lưu để phát hiện đưa về trạm kiểm tra, xử lý. Xe quá tải hoạt động trên đường bộ, đặc biệt là QL5 đã giảm rõ rệt, ý thức chấp hành chở hàng đúng tải của lái xe và chủ doanh nghiệp được cải thiện.

Hòa Bình – “Đánh mạnh” xe quá tải

Theo kết quả KSTTX từ Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, từ ngày 01/4/2014 đến 21/03/2015, đã kiểm tra 15.121 xe, phát hiện và xử phạt 948 trường hợp vi phạm, phạt tiền 3.814.600.000đ, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 960 trường hợp.

Theo ông Ngô Văn Điềm – Chánh Thanh tra sở GTVT tỉnh Hòa Bình, qua 1 năm triển khai KSTTX tại địa phương, được sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, UBND tỉnh, Tổng cục ĐBVN, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Công an, GTVT và chính quyền các địa phương trên địa bàn, trong năm 2014, Sở GTVT, Công an tỉnh Hòa Bình đã triển khai và phối hợp nhiều đợt KSTTX, huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia phối hợp kiểm tra 24/24h.

Trước sự vào cuộc quyết liệt đó, số lượng xe chở hàng vi phạm quá tải đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, công tác KSTTX đôi khi vẫn còn bị gián đoạn, không thực hiện được liên tục, nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự đi vào chiều sâu ý thức tự giác chấp hành của đội ngũ lái xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, biên chế làm việc tại Trạm kiểm tra tải trọng xe chưa được giao bổ sung thêm trong năm 2014 nên trước mắt phải trưng tập, điều động biệt phái từ các đơn vị trực thuộc Sở GTVT, dẫn tới tình trạng gián đoạn; bộ cân kiểm tra tải trọng xe và các thiết bị đi kèm không sử dụng được khi trời mưa lớn và phải làm việc liên tục 24/24h dẫn tới quá tải, đôi lúc bị treo.

Để khắc phục những hạn chế trên, Sở GTVT, Công an tỉnh Hòa Bình đã có kiến nghị, đề xuất với Bộ GTVT, Bộ Công an, UBND tỉnh, huyện, thành phố có những giải pháp hỗ trợ để duy trì liên tục, hiệu quả công tác KSTTX tại trạm cân lưu động; cùng phối hợp “đánh mạnh” những xe vượt tải trọng cho phép nhằm giải quyết triệt để tình trạng này trong năm 2015.

Thanh Hóa: 31/6 sẽ xử lý hết xe quá tải

Theo Sở GTVT Thanh Hóa, chỉ tính trong Quý I năm 2015, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 380 phương tiện chở quá tải, phạt tiền 1,9 tỷ đồng và  tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, chủ phương tiện tự giác cắt thùng xe phù hợp quy định, phấn đấu cuối tháng 3/2015 cơ bản cắt hết thùng xe HOWO sau Thông tư số 32. Ông Trịnh Ngọc Minh – Chánh TTGT Sở GTVT cho biết, lực lượng TTGT sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng xe ô tô vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến hết tháng 6/2015 xử lý cơ bản tình trạng xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải.

Hiện nay, ngoài trạm cân đặt tại QL1 (đoạn qua Dốc Xây), lực lượng TTGT sử dụng cân xách tay phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và chính quyền các địa phương quyết liệt KSTTX trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tuyến đường trọng điểm như: QL1A, 45, 47, 217, đường Nghi Sơn – Bãi Trành, đường Hồ Chí Minh và các đường tỉnh 512, 513, 522, 530…; kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở quá tải.

Được biết, trong tháng 4 này, Tổng cục ĐBVN sẽ tăng cường thêm lực lượng cho Thanh Hóa để KSTTX. Lực lượng liên ngành sẽ thành lập tổ cơ động, tuần tra kiểm soát trên tất cả các tuyến đường, các điểm ra vào mỏ vật liệu, nơi cung cấp nguồn hàng; sẽ xử lý tại cho, đặc biệt là hành vi vi phạm kích thước thành thùng.

Nhiều địa phương xin tăng cường thêm cân xách tay

IMG_9447

Ảnh minh họa

Theo Tổng cục ĐBVN, hiện rất nhiều địa phương xin thêm cân xách tay. Ngoài con số đang duy trì tại các trạm KSTTX mà Tổng cục đã cấp từ năm 2014, Tổng cục ĐBVN vừa tăng cường thêm cân xách tay cho các tỉnh Hà Nam, Lào Cai, Hà Nội để cơ động di chuyển tại các địa bàn nóng về tải trọng như mỏ vật liệu tại Hà Nam, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và các cửa ngõ ra vào TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí của địa phương, mỗi tỉnh hiện nay có từ 5 đến trên 10 bộ cân xách tay, lực lượng TTGT triển khai cơ động trên các tuyến đường QL, tỉnh lộ nhằm KSTTX.

Cũng theo Tổng cục ĐBVN, hiện có 2 địa phương được tăng cường thêm Trạm KSTTX di động từ 1 lên 2 chiếc là Hải Phòng, Hải Dương. Bạc Liêu là địa phương duy nhất xin trả lại Trạm KSTTX với lý do phương tiện chở hàng hóa, vật liệu xây dựng chủ yếu vận tải bằng đường thủy nội địa, lượng xe quá tải vi phạm trong gần 1 năm triển khai Trạm KSTTX là rất ít. Trạm KSTTX được điều chuyển về cho tỉnh Hải Dương.

Hướng đến thị trường vận tải lành mạnh

Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, KSTTX là một khó khăn nhưng việc đó phải làm. Hiệp hội rất ủng hộ chủ trương này của Chính phủ và Bộ GTVT. Phải thực hiện nghiêm túc, thực hiện đều đặn chứ không phải chỉ trên một số tuyến trọng điểm để bảo đảm sự công bằng. Nếu chỉ thực hiện ở một vài nơi, một vài thời gian và để xảy ra tình trạng tránh trạm kiểm tra và những hiện tượng sang tải, lẩn tránh thì cái đó sẽ tạo ra một mặt bằng không bình đẳng.

Đại đa số các doanh nghiệp đã ý thức được việc quá tải, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp còn cố tình vi phạm tải trọng, mà chủ yếu là ở các tuyến ngắn, tập trung vào vật liệu xây dựng, hàng nông sản. Để ngăn chặn nạn xe chở quá tải, Hiệp hội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được chở đúng tải trọng cho phép. Thực tế, những doanh nghiệp làm ăn đúng đắn, tử tế luôn ủng hộ chủ trương này. Họ rất mong sự công bằng và hướng đến thị trường vận tải lành mạnh.

Bảo Châu –  Vũ Thành – Minh Đức – Khánh Hà – Châu Giang

Ý kiến của bạn

Bình luận