Ảnh: JOC |
Suốt nhiều thập kỷ qua, nhắc đến ngành hàng hải và những khu cảng biển châu Á, chắc chắn cái tên đầu tiên được nhắc đến luôn là cảng Singapore, tuy nhiên điều này có thể đang thay đổi khi mà tăng trưởng của khối lượng hàng hóa qua cảng Singapore ngày một thấp đi. Thay vào đó, tăng trưởng về khối lượng hàng hóa tại Indonesia và Malaysia ngày một tăng lên.
Một yếu tố khiến tầm quan trọng của cảng Singapore giảm chính là bởi các công ty trong khu vực điều chỉnh sản xuất ra rải rác khắp khu vực, theo khẳng định của báo Nikkei. Những gì xảy ra với cảng Singapore không khỏi khiến người ta nhớ đến những gì từng xảy ra vào những năm 2000 giữa các cảng Trung Quốc và Hồng Kông.
Cảng Tanjung Pelepas ở Malaysia đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm của cảng Singapore. Trong tháng 11/2017, công ty điều hành cảng Tanjung Pelepas cho biết họ đã lắp đặt thêm 4 cần trục mới với chiều cao mỗi cái 55,5 mét. Đây là hệ thống cần trục cảng cao nhất trong khu vực, nhờ vậy, năng lực bốc dỡ hàng của cảng sẽ tăng lên đáng kể.
Trong tuyên bố mới nhất khi công bố đưa vào lưu hành hệ thống cần trục, giám đốc cảng, ông Dato' Sri Che Khalib bin Mohamad Noh khẳng định hệ thống cần trục của cảng mới lắp đặt hiện đại nhất trong khu vực.
Dù mới chỉ được đưa vào vận hành từ năm 2000, mới hơn 17 năm trôi qua nhưng cảng Tanjung Pelepas đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 19 trên thế giới nếu tính theo lượng container được vận chuyển qua cảng. Chi phí xử lý hàng hóa tại cảng cũng thấp hơn nhiều nếu so với cảng Singapore.
Theo nhiều chuyên gia về hàng hải quốc tế, ngày một nhiều doanh nghiệp lựa chọn bốc dỡ hàng tại cảng Tanjung Pelepas ở Malaysia chứ không phải cảng Singapore. Cảng Tanjung Pelepas nằm cách cảng Singapore chỉ khoảng một giờ đi tàu.
Dù vậy, cảng Singapore vẫn có nhiều lợi thế. Cảng nằm ở tuyến đường vận chuyển hàng hóa vô cùng quan trọng giữa châu Á và châu Âu, hệ thống xử lý giấy tờ hoạt động hiệu quả cũng như hệ thống trung chuyển hàng hóa tại cảng có công suất cao.
Những cảng khu vực xung quanh cảng Singapore thường thiếu khả năng xử lý các loại tàu lớn, và hệ thống xử lý kho bãi của họ cũng chưa thể hiệu quả như cảng Singapore. Chính vì vậy trong khu vực Đông Nam Á, dù có nhiều cảng nhưng vị thế hàng đầu của cảng Singapore cho đến hiện tại vẫn khó có thể lung lay.
Tuy nhiên những ngày hoàng kim của cảng Singapore sẽ có thể kéo dài bao nhiêu lâu nữa? Không ai dám khẳng định nó sẽ lâu dài. Trong năm ngoái, cảng Singapore xử lý khoảng 31,68 triệu container 20 feet, đứng thứ hai trên thế giới sau cảng Thượng Hải.
Theo thông tin từ Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, tăng trưởng về khối lượng hàng hóa bốc xếp từ năm 2010 đến nay của cảng Singapore chỉ đạt 8,6% trong khi tăng trưởng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên toàn cầu đạt 27,6%.
Trong cùng khoảng thời gian trên, giá trị hàng hóa vận chuyển tại khu vực Đông Nam Á tăng hơn 11% bởi nhiều nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để ứng phó với tình trạng chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tại Indonesia tăng 53,7% trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển tại Philippines và Việt Nam tăng hơn 40%.
Các cảng đối thủ của Singapore đã đón được làn sóng tăng trưởng khối lượng hàng hóa vận chuyển trên. Họ không ngừng nâng cấp thiết bị để giúp cho hoạt động vận chuyển ở các càng được thông suốt, giảm bớt nhu cầu đến cảng Singapore cho các công ty sản xuất.
Trong khu vực Đông Nam Á, chính phủ Việt Nam, Thái Lan đều đang lên những kế hoạch tỷ USD để đầu tư mở rộng cũng như hiện đại hóa cảng biển.
Việc ngày một nhiều khu cảng tại châu Á phát triển mạnh hơn cả về hoạt động lẫn quy mô có thể bắt đầu đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên vàng tăng trưởng của cảng Singapore.
Chính quyền Singapore đang cố gắng đảo ngược quá trình này bằng cách tăng cường đầu tư, công suất vận chuyển của cảng được dự báo có thể tăng đến 50% khi quá trình đầu tư hiện tại kết thúc. Phần thắng cuối cùng thuộc về bên nào, sẽ cần đến thời gian trả lời.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.