Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN) |
Trốn phí, nuốt thẻ, chạy như "xe vua"
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Cách nào quản xe hộ đê tràn lan trốn phí đường bộ" vào sáng nay (3/10), ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, theo quy định, hiện có hai cơ quan được cấp phù hiệu xe hộ đê là Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai và Ủy ban Nhân dân các tỉnh ủy quyền cho một cơ quan trực thuộc.
Cụ thể, năm 2018, Trung ương cấp 568 phù hiệu xe hộ đê, các địa phương cấp 1.867 phù hiệu. Theo báo cáo của các địa phương, thẩm tra bước đầu cho thấy chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Nói về việc số phù hiệu xe hộ đê do Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai giảm mạnh như vậy trong khi những năm gần đây thiên tai nhiều hơn (năm 2017 trên 1.000 chiếc), ông Quang cho biết, phù hiệu xe hộ đê chỉ dùng cho việc hộ đê và khắc phục khẩn cấp trong phòng chống lụt bão. Phạm vi sử dụng của phù hiệu này ở các địa phương có đê và mùa mưa bão.
Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ động điều chỉnh lại quy định theo hướng quản lý chặt chẽ hơn. Hiện nay, theo thống kê, có một số tỉnh cấp nhiều như Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định... với trên 200 phù hiệu.
Là đơn vị quản lý 4 tuyến đường cao tốc với gần 500km, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đã phát hiện các hiện tượng dùng biển giả, biển hết hạn, sử dụng không đúng mục đích, xe sử dụng không đúng địa bàn, xe thực hiện hiệu lệnh không đúng điều lệnh, quy định.
Đáng chú ý, các xe này thường gây khó khăn cho đơn vị thu phí như đầu vào không trưng phù hiệu, vẫn lấy thẻ thu phí song chỉ tới đầu ra mới trưng phù hiệu hộ đê, không trả thẻ cho đơn vị quản lý. Điều này gây thất thoát kép khi không thu được phí lẫn thẻ (có giá hơn 200.000 đồng/chiếc). Mỗi năm VEC mất hơn 4.000-5.000 chiếc thẻ trên toàn hệ thống.
“Đặc biệt, không ít trường hợp lái xe có phù hiệu hộ đê lái rất ẩu, khi bị nhân viên thu phí phản ứng tài xế có hành vi thiếu văn hóa, thậm chí còn nhục mạ, chống đối với lực lượng thi hành nhiệm vụ. Nhiều lần VEC phải phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến để xử lý,” ông Nhi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam nhìn nhận, có những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng. Trước tiên, cơ quan quản lý cấp phù hiệu rất vô trách nhiệm khi tới giờ này Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai vẫn không rõ địa phương thực hiện như thế nào, cấp bao nhiêu phù hiệu, cấp đúng hay sai.
“Việc sử dụng phù hiệu hộ đê trục lợi chính là ăn cắp tiền của người dân, của Nhà nước. Trong khi đó, các công ty quản lý, khai thác cao tốc cũng có biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm với thực trạng này. Nhiều năm trời thất thoát hàng chục tỷ mà không phản ánh đề xuất giải pháp. Phải chăng là nếu hụt thu thì lại xin kéo dài thời gian thu phí?,” ông Thanh bày tỏ lo ngại và nghi ngờ.
Đề cập đến một số tài xế sang Lexus, Cadilac lại được cấp phù hiệu xe hộ đê, vị Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đặt câu hỏi: “Sao đã sở hữu ôtô vài tỷ mà vẫn cố tình ăn trộm vài chục tới vài trăm nghìn đồng?" Và theo ông, ở đây có chuyện thích ra oai, coi thường kỷ cương pháp luật chứ không chỉ chuyện trốn phí đường bộ...
Dùng nhiều loại giấy tờ giả
Từ đó, ông Thanh kiến nghị cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra trách nhiệm cơ quan tổ chức buông lỏng quản lý cấp phù hiệu, đối tượng sử dụng phù hiệu giả để trục lợi. Và, phải xử lý hình sự làm rõ trách nhiệm cá nhân vi phạm.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, không chỉ sử dụng phù hiệu xe hộ đê giả, trong quá trình giám sát các lái xe thực hiện rất nhiều hình thức giấy tờ giả để lưu thông với nhiều mục đích khác nhau như giấy ra vào Bộ Công an, giấy Công lệnh Chính phủ, giấy giới thiệu Ban cố vấn đặc biệt Chính phủ…
“Xe có phù hiệu hộ đê là loại xe được quy định ưu tiên. Không chỉ dừng lại ở vấn đề trốn phí, mà còn nhiều quyền khác khi tham gia giao thông như đi không hạn chế tốc độ, được đi ngược chiều, đi vào đường ưu tiên... Vì vậy việc này phải ngăn chặn ngay,” ông Nhật nói.
Trả lời về việc có thể xác minh các hành vi trục lợi, mua bán, làm giả phù hiệu hộ đê hay không, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đã có văn bản gửi sang Bộ Công an đề nghị vào cuộc. Các cơ quan đang tiến hành xác minh.
Về việc xử lý vi phạm, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói, trường hợp xe “giả danh,” không có tín hiệu, phù hiệu giả, sử dụng biển giả của xe ưu tiên, theo Nghị định 46 sẽ xử phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Tùy tính chất, mức độ vi phạm, chiếu theo các quy định xử lý hiện nay sẽ phải xử lý hình sự.
Để nhận biết dấu hiệu nhận biết phù hiệu giả, thật, Thượng tá Nhật dẫn theo Nghị định 109 Chính phủ cho hay, tín hiệu xe hộ đê, làm nhiệm vụ hộ đê phải có cờ hiệu cắm phía trước xe, bên trái người lái. Nếu xe không có cờ hiệu thì không phải là xe được ưu tiên.
Ngoài ra, Thông tư 159 Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu phí quy định xe hộ đê còn phải trình được phù hiệu và giấy phép xe ưu tiên, do vậy nhân viên thu phí phải nắm được để giám sát xe có cờ hiệu, phù hiệu xe hộ đê hay không.../.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.