Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 - Bài 3: Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Đường bộ

Tác giả: KL

saosaosaosaosao
Vận tải 11/11/2023 06:40

Dự thảo Luật Đường bộ được Bộ GTVT trình Chính phủ xây dựng với nhiều điểm mới trên tinh thần kế thừa và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách mà Luật GTĐB 2008 đã đặt ra.

Trong đó có những điểm  đáng chú ý về kết cấu hạ tầng đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về GTĐB.

Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 - Bài 3: Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Đường bộ- Ảnh 1.

Bảo vệ hạ tầng đường bộ là trách nhiệm của toàn dân

Phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương trong quản lý đường bộ

Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT, dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 đã chuyển 02 chương sang Luật Trật tự, ATGT đường bộ, giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều và bổ sung mới 54 điều.

Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 - Bài 3: Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Đường bộ- Ảnh 2.

Hệ thống đường thôn, xóm được đưa vào mạng lưới đường bộ

Trong dự thảo Luật Đường bộ, đã bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đồng thời phân loại đường bộ theo cấp quản lý để phân định trách nhiệm quản lý đường bộ từ trung ương đến địa phương; Bổ sung quy định về tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đối với đô thị xây dựng mới và đối với các đô thị tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đô thị là di sản được UNESCO công nhận (Điều 15); bổ sung quy định đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 16), phần đất để bảo vệ, bảo trì công trình đường bộ (Điều 17); hành lang an toàn đường bộ (Điều 18, Điều 19); phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 20). 

Bổ sung quy định tổ giao thông được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng đến giai đoạn quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả; quy định rõ các hoạt động và trách nhiệm tổ chức giao thông (Điều 29) Bổ sung quy định làm rõ các trường hợp kết nối giao thông (Điều 34); bổ sung trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 39)… Bổ sung quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh là nơi thu thập, lưu giữ, phân tích và xử lý dữ liệu để kết nối, chia sẻ cho các cơ quan có liên quan phục vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đường bộ và chỉ huy giao thông (Điều 43); quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện; ưu tiên bố trí hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện tại bãi đỗ xe, điểm đỗ xe (Điều 44)…

Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 - Bài 3: Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Đường bộ- Ảnh 3.

Cơ chế chính sách xây dựng phát triển đường cao tốc tiếp tục được hoàn thiện

Hoàn thiện cơ chế để phát triển đường cao tốc

Theo ông Ngô Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam với việc đưa vào sử dụng cao tốc Bắc Nam – nhánh Đông việc bổ sung quy định làm rõ đường bộ cao tốc, và các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn và ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc đã tạo tiền đề khai thác hiệu quả an toàn. Đồng thời bổ sung các chính sách phát triển đường cao tốc như: Nhà nước bố trí vốn ngân sách đầu tư xây dựng các dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh; dự án đi qua địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; dự án kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và dự án khác không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách; nhà nước ưu tiên sử dụng các nguồn lực thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc để đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc phân kỳ; nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư và các hình thức khác theo quy định pháp luật,…

Bên cạnh đó, đã bổ sung quy định đặc thù trong đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc như: đường gom, đường bên, trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến, trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe, hệ thống thu phí điện tử không dừng, hệ thống kiểm soát tải trọng xe phải xây dựng đồng bộ với đường cao tốc. Đồng thời đưa quy định việc mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đối với các dự án đường cao tốc và bổ sung quy định việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc được thực hiện theo các phương thức sau đây: Trực tiếp tổ chức khai thác; chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng đường cao tốc; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc; nhượng quyền kinh doanh - quản lý theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; phương thức khác theo quy định của pháp luật.

Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 - Bài 3: Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Đường bộ- Ảnh 4.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Đường bộ

Bổ sung quy định về tạm dừng khai thác đường cao tốc (Điều 55); trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe trên đường cao tốc (Điều 56); Trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia (Điều 57); Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến (Điều 58); thông tin trên đường cao tốc (Điều 60).

Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 - Bài 3: Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Đường bộ- Ảnh 5.

Bán vé xe tại Bến xe Miền Tây

Hoàn thiện chính sách vận tải

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong dự thảo Luật bổ sung các quy định về hoạt động vận tải đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ trong nước, hoạt động vận tải đường bộ quốc tế điều này cho thấy những tồn tại mà Luật GTĐB 2008 đang vướng phải. Cùng với đó, dự thảo Luật quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hoá (Điều 61).

Bổ sung quy định về hoạt động vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương, trong đó xe ô tô cứu thương vận tải người bệnh phải có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin, gắn thiết bị giám sát hành trình, camera và truyền dữ liệu (Điều 75); Bổ sung quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, theo đó hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô có thể do cơ sở giáo dục đào tạo tự tổ chức phải đáp ứng các quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ hoặc do đơn vị kinh doanh vân tải thực hiện phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải (Điều 76); Bổ sung quy định về dịch vụ cho thuê phương tiện, theo đó dịch vụ cho phương tiện bao gồm dịch vụ cho thuê phương tiện để tự lái, dịch vụ cho thuê phương tiện để kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. 

Đơn vị kinh doanh cho thuê phương tiện để tự lái phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể được quy định tại Điều 84. Bổ sung quy định về dịch vụ cứu hộ GTĐB (Điều 85); ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô (Điều 86) để phù hợp với thực tiễn phát sinh.

Ý kiến của bạn

Bình luận