Nhộn nhịp công trường thi công cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 02/12/2023 18:56

Chỉ hơn một tháng khởi công, nhà thầu đã huy động đầy đủ thiết bị, máy móc, nhân lực để tổ chức thi công và hoàn thành đổ bê tông cọc khoan nhồi đầu tiên của dự án xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu nối Trà Vinh và Sóc Trăng.

Nhộn nhịp công trường thi công cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu- Ảnh 1.

Nhà thầu Tập đoàn Thuận An đã hoàn thành đổ bê tông cọc khoan nhồi đầu tiên (trụ T15) trong ngày 1/12/2023

Hoàn thành đổ bê tông cọc khoan nhồi đầu tiên

Trong những ngày đầu tháng 12, PV Tạp chí GTVT có dịp trở lại công trường thi công xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, trên QL60 nối nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Trái ngược với cảnh tượng đìu hiu, vắng lặng của hơn một tháng trước (dự án khởi công ngày 15/10/2023), giờ đây công trường thi công cầu Đại Ngãi đã trở nên nhộn nhịp, tiếng máy đào, máy xúc, máy ép cọc rền vang suốt ngày đêm.

Đi dọc công trường, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh cán bộ kỹ sư, công nhân, máy cẩu, máy xúc, máy đào gắn trên mình logo của các thương hiệu nhà thầu làm cầu, làm đường lớn nhất Việt Nam: Tổng công ty Xây dựng số 1, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Đạt Phương… Đây là các nhà thầu được chủ đầu tư "chọn mặt gửi vàng" để triển khai gói thầu 11XL - Thi công cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến.

Theo quan sát của chúng tôi, trên công trường, các nhà thầu đang tập trung các mũi thi công để phát quang, đào bóc hữu cơ, đắp đường công vụ, xây dựng lán trại, thi công nền đường,… Không khí sôi động nhất lúc này là ở khu vực do nhà thầu Tập đoàn Thuận An đảm nhiệm thi công phần đường từ Km13+425 - Km14+097 và cầu dẫn phía Nam của cầu Đại Ngãi 2 từ trụ T10 đến trụ T15 và mố M2. Đây là nhà thầu dẫn đầu về tiến độ hoàn thành đổ bê tông cọc khoan nhồi đầu tiên ở gói thầu này.

Lau vội những giọt mồ hôi đang lăn xuống gò má đen sạm, ông Cao Văn Giáp, Chỉ huy trưởng nhà thầu Tập đoàn Thuận An chỉ tay về phía những chiếc cần cẩu đứng trên hệ sàn lan giữa sông Hậu, thủng thẳng nói: "Đây là công trình giao thông trọng điểm nên ngay sau lễ khởi công, chúng tôi đã tập trung huy động đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng như: Xà lan 900 tấn, tàu kéo, cẩu 800 tấn, búa rung, dây chuyền khoan cọc nhồi,… để đảm bảo tiến độ ngay từ những ngày đầu tiên triển khai dự án".

Nhộn nhịp công trường thi công cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu- Ảnh 2.

Phần đường của gói thầu cũng đang được nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công

Theo ông Giáp, hạng mục khó khăn và phức tạp nhất của Thuận An ở gói thầu này là việc tổ chức thi công phần cầu dẫn phía Nam của cầu Đại Ngãi 2 (từ trụ T10 đến trụ T15 và mố M2). Trên thực địa, Tập đoàn Thuận An đã hoàn thành mặt bằng lán trại và bãi đúc dầm. Dưới lòng sông Hậu, sà lan, hệ cẩu, máy ép cọc đang hoạt sộng hết công suất cả ngày lẫn đêm. "Chúng tôi đã huy động xong dây chuyền khoan và hoàn thành đổ bê tông cọc khoan nhồi đầu tiên (trụ T15) trong ngày 1/12/2023, tiên phong trong các nhà thầu tham gia ở gói thầu này", ông Giáp hồ hởi.

Ngoài phần cầu, Tập đoàn Thuận An cũng đang tập trung đẩy nhanh thi công phần đường của dự án đoạn từ Km13+425 đến Km 14+097. Hiện tại, nhà thầu đang bố trí gần 100 cán bộ, công nhân để tổ chức thi công cả phần đường và phần cầu của gói thầu 11XL.

Nhà thầu lớn cam kết vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Thuận An (Thuận An E&C - đơn vị trực tiếp thi công) cho biết, theo hợp đồng với chủ đầu tư, khối lượng thi công của nhà thầu Thuận An ở gói thầu 11XL gần 300 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành trong 24 tháng, gồm: 1,5 tháng chuẩn bị và 22,5 tháng tổ chức thi công.

"Để đảm bảo tiến độ, chất lượng cho công trình, ngay từ những ngày đầu mới khởi công, chúng tôi đã chỉ đạo các mũi thi công huy động ngay máy móc, thiết bị, nhân sự để tổ chức thi công. Chỉ sau khoảng hơn 1 tháng chuẩn bị, chúng tôi đã hoàn thành đổ bê tông cọc khoan nhồi đầu tiên ở trụ T15 vào ngày 1/12/2023, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình tổ chức thi công hạng mục cầu dẫn phía Nam của dự án cầu Đại Ngãi", ông Hòa chia sẻ.

Đề cập đến kế hoạch triển khai trong thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn Thuận An cho biết, nhà thầu sẽ hoàn thành toàn bộ công tác khoan cọc nhồi (65 cọc) trước Tết Giáp Thìn 2024. Đồng thời, triển khai thi công bệ và thân trụ song song với công tác khoan cọc nhồi. Ngoài ra, nhà thầu tiếp tục tập trung đẩy mạnh các mũi thi công phần đường trên tuyến. "Chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng cả phần đường và phần cầu theo yêu cầu của chủ đầu tư và Bộ GTVT", ông Hòa nhấn mạnh.

Nhộn nhịp công trường thi công cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu- Ảnh 3.
Nhộn nhịp công trường thi công cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu- Ảnh 4.
Nhộn nhịp công trường thi công cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu- Ảnh 5.

Tiếng máy móc trên công trường chưa bao giờ ngơi nghỉ bất kể ngày hay đêm

Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện Ban QLDA 85 (chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án xây dựng cầu Đại Ngãi có tổng chiều dài khoảng 15,14 km, gồm 8,7 km trên tỉnh Trà Vinh và 6,5 km trên tỉnh Sóc Trăng. Dự án gồm cầu dây văng Đại Ngãi 1 cấp đặc biệt và cầu Đại Ngãi 2 cấp I và đường bộ cấp II. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.962 tỷ đồng, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Theo đại diện Ban QLDA 85, đối với cầu dây văng Đại Ngãi 1 hiện đang trong quá trình triển khai công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật; khảo sát hiện trường, lập dự doán,... Trong khi đó, cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến (gói thầu 11-XL) đã tổ chức thi công từ giữa tháng 10/2023.

Đánh giá của chủ đầu tư cho thấy, tiến độ thi công của các nhà thầu ở gói thầu 11-XL đang đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Trong đó, các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành công tác tập kết máy máy móc, thiết bị, phát quang, xây dựng lán trại, đào bóc hữu cơ,... Đặc biệt là hạng mục cầu dẫn phía Nam cầu Đại Ngãi 2, nhà thầu Thuận An đã tiến hành thi công cọc khoan nhồi và đã hoàn thành đổ bê tông cọc khoan nhồi đầu tiên (T15) vào ngày 1/12/2023.

Theo Ban QLDA 85, kết quả giải ngân vốn từ đầu dự án đến nay đạt 510,83/971,58 tỷ đồng (đạt 52,6%). Riêng, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đến nay đạt 496,83/957,58 tỷ đồng (đạt 51,9%).

Đề cập đến khó khăn, vướng mắc của dự án, đại diện chủ đầu tư cho biết, về vật liệu cát, qua kết quả khảo sát do các nhà thầu báo cáo, nguồn cung cấp cát (cát đắp và cát xây dựng) đang rất khó khăn và khan hiếm.

Nguyên nhân, do cùng thời điểm hiện nay, khu vực lân cận dự án có nhiều dự án lớn đang triển khai với nhu cầu cất rất lớn như: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ...

Về công tác GPMB, đến nay, địa phương đã cơ bản bàn giao khoảng 99% mặt bằng, tuy nhiên còn hệ thống đường điện và một số hộ dân cản trở thi công với lý do chưa đền bù GPMB (1 hộ phía Trà Vinh và 4 hộ phía Sóc Trăng), gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công của các nhà thầu.