Nhựa đường cao su bước tiến mới trong xây dựng đường bộ

Tác giả: Hà Vũ

saosaosaosaosao
Ứng dụng 21/07/2015 10:13

Hằn lún đường hiện đang là vấn đề đau đầu đối với các nhà quản lý công trình giao thông.

image_wxmg1
Nhựa đường cao su đang được thử nghiệm ở Việt Nam

Để khắc phục những hư hại do quá trình sử dụng đường, áp dụng công nghệ mới là điều cần thiết để có thế giảm thiểu chi phí, thời gian khắc phục, đồng thời gia tăng tuổi thọ khai thác của đường.

Hiện nay, nhiều nước phát triển trên thế giới đang áp dụng công nghệ bê tông nhựa đường cao su (Rubberized Asphalt Concrete - RAC), còn được gọi là cao su nhựa hoặc đơn thuần nhựa đường cao su nhằm vào việc xây dựng, sửa chữa và bảo trì đường sá. Công nghệ này đã được áp dụng tại Hoa Kỳ từ những năm 1960. Chính quyền thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona đã tiến hành thay thế phương pháp xây dựng đường truyền thống bằng công nghệ nhựa đường cao su dựa trên những ưu điểm về độ bền, khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt và giảm thiểu tiếng ồn.

Tiểu bang Arizona đứng đầu về sử dụng nhựa đường cao su, theo đó là California, Florida, Texas, South Carolina, Nevada và New Mexico cũng trong đà phát triển mạnh sử dụng nhựa đường cao su. Những tiểu bang miền Bắc (với khí hậu khắc nghiệt) cũng đã xác định độ bền của nhựa đường cao su như Washington và Colorado. Ngoài ra, đây cũng là một giải pháp hữu hiệu đối với điều kiện nhiệt độ mặt đường cao trong mùa hè ở Việt Nam, đồng thời cũng rất đơn giản trong việc sử dụng và sản xuất.        

Tính năng vượt trội của công nghệ nhựa đường cao su nằm ở những đặc điểm:

- Nhựa đường có thành phần từ cao su sẽ giúp cho mặt đường có độ đàn hồi cao hơn, gia tăng sức chịu đựng trước nhiệt lượng và các hoạt động vận tải gây ra;

- Chi phí áp dụng đối với việc xây dựng và sửa chữa tương đối thấp;

- Mức độ ô nhiễm tiếng ồn thấp hơn;

- Gia tăng khả năng tiếp xúc giữa mặt đường và lốp các xe lưu thông, qua đó gia tăng sự an toàn khi vận hành phương tiện trên loại mặt đường này.

Một đặc điểm khác khiến cho công nghệ này ưu việt hơn so với sản phẩm khác nằm ở nguyên liệu sử dụng - vốn được khai thác từ những lốp xe cũ. Hàng năm, ước tính ngành công nghiệp xe hơi trên toàn thế giới thải ra gần 1 tỷ chiếc lốp xe không còn khả năng sử dụng và chỉ có một phần nhỏ trong số những chiếc lốp xe đó được tái sử dụng trong vào các lĩnh vực khác. Thậm chí, để có thể tái chế, cần tới các nhà máy đốt chảy lốp xe, khiến cho thải ra các loại khí gây ô nhiễm không khí. Số lượng rác thải lốp xe sử dụng đang dần trở thành vấn nạn môi trường toàn cầu.

Việc áp dụng nhựa đường cao su sẽ giúp gia tăng khả năng tái chế lốp xe, qua đó giảm thiểu diện tích các khu chứa loại rác thải khó phân hủy này. Hiện tại, Hoa Kỳ đang là quốc gia đi đầu trong việc tái sử dụng lốp xe vào việc chế tạo nhựa đường, với khối lượng tái chế hàng năm lên tới 100.000 tấn, hay tương đương với khoảng 12 triệu lốp xe hơi rác thải.

Việt Nam là một quốc gia có khí hậu tương đối khắc nghiệt, khiến cho ảnh hưởng của thời tiết lên các công trình giao thông lớn, cùng với các hoạt động kinh doanh vận tải trên các tuyến đường phức tạp, gây ra áp lực lớn đối với các tuyến đường trọng yếu, đòi hỏi mức độ sửa chữa và cải tiến lớn. Phụ gia từ cao su lốp xe cũ trong công nghệ này có thể được sử dụng để vá bù và sửa chữa những chỗ bị nứt và gãy lớn trên mặt đường cũ và tạo chức năng kết nối các mảng đứt gãy. Công nghệ mới bê tông nhựa đường cao su hóa có ưu điểm chống lún và chống nứt mặt đường, tăng tuổi thọ mặt đường và giảm hiện tượng ô xy hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tận dụng từ các lốp xe thải. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ mới, giá thành sẽ giảm một nửa so với bê tông nhựa polyme cùng chức năng” .

Ý kiến của bạn

Bình luận