Đồi núi bị băm nát, san lấp mặt bằng diễn ra nhan nhản dọc QL27, ĐT724
Đi dọc các tuyến QL27, ĐT724 qua địa bàn huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng), những ngày qua, PV Tạp chí Giao thông vận tải ghi nhận tình trạng đào, san lấp mặt bằng dọc 2 bên hành lang an toàn đường bộ, hàng loạt đồi núi bị băm nát, nham nhở, khe suối bị san lấp. Đáng lo, việc đào bới, san lấp mặt bằng diễn ra ngay khu vực các công trình cầu, dòng chảy sông suối, những khúc đường cua, chuyển hướng liên tục. Thậm chí đào bới, san lấp cả đất hành lang đường bộ. Đấu nối vào tuyến đường, vúi lấp rãnh thoát nước dọc, gây hư hỏng lề đường, lôi bùn đất ra mặt đường.
Điển hình như tại Km119+830 tuyến QL27 qua xã Phi Liêng (huyện Đam Rông), vị trí san lấp nằm ngay trong đoạn đèo dốc, khúc cua chuyển hướng liên tục. Đáng nói, vị trí san lắp nằm trong phạm vi khe suối, dòng chảy thu nước công trình đường bộ. Quy mô vị trí san lấp rộng hàng ngàn m2, đất san lấp có độ cao lớn 6-10m, tuy nhiên không hề có biện pháp gia cố nền đất đắp, biện pháp đảm bảo an toàn, nguy cơ sạt lở vùi lấp đến công trình nhà, cây canh tác khu vực tiếp giáp và gây mất ATGT, tiềm ẩn TNGT.
Chưa hết, tại Km120+350 cũng có một điểm san lấp mặt bằng có diện tích khá lớn. Quan sát hiện trường, PV thấy điểm san lấp nằm ngay trong khu vực đường cong, độ dày đất san lấp cao 3-5m, cao ngang bằng mái nhà dân trong khu đất liền kề. Mặt bằng san lấp tiếp giáp với mặt đường QL27.
Tương tự, trên tuyến ĐT724 qua huyện Đam Rông cũng bị đào bới, san lấp diễn ra phổ biến. Điển hình như vị trí Km1+200, việc đào, san lấp diễn ra ngay đầu cầu công trình cầu Thác Nếp với phạm vi lớn, quy mô như dự án san lấp mặt bằng khu đô thị. Đáng nói, việc san lấp có dấu hiệu xâm phạm hành lang an toàn công trình cầu, thu hẹp dòng chảy sông suối qua cầu Thác Nếp. Hành lang an toàn đường bộ dài hơn 300m dọc 2 bên tuyến đường cũng bị san lấp.
Còn dọc 2 bên tuyến ĐT724 qua địa bàn xã Đạ K'Nàng, tình trạng đào, san lấp mặt bằng cũng diễn ra nhan nhản. Có những khu vực san lấp nằm ngay trung tâm xã, cách trụ sở UBND xã Đạ K'Nàng chừng 200m, thậm chí nằm ngay đối diện trụ sở Công an xã Đạ K'Nàng. Đi dọc tuyến, PV ghi nhận phương tiện máy đào cỡ lớn, xe ben tải trọng nặng dừng đỗ, vận chuyển đất đá nằm san sát dọc 2 bên tuyến đường. Nhiều phương tiện chở đất hoạt động vào cả thời gian nghỉ trưa. Ngay vào thời gian cao điểm học sinh đến trường. Xe chạy với tốc độc cao cuốn bụi đất bay mù trời. Xe chở đất chạy lấn lán, dừng đỗ ngược chiều, tạo xung đột, hỗn loạn giao thông, gây mất ATGT.
Người dân địa phương phản ánh, việc san lấp mặt bằng không chỉ diễn ra ban ngày, mà còn diễn ra vào ban đêm. Xe ben chở đất chạy rầm rập, gây mất vệ sinh môi trường, tiềm ẩn TNGT. "Tình trạng đào, san lấp diễn ra khắp nơi, rầm rộ, người dân không thể phân biệt được chỗ nào được cấp phép, chỗ nào không được cấp phép. Lợi dụng tình tránh này, có những trường hợp lén lút để thực hiện đào núi, xẻ đồi, san lấp trái phép", một người dân địa phương lo lắng.
Hàng loạt trường hợp vi phạm
Theo lãnh đạo xã Đạ K'Nàng, Phi Liêng, trước đây tình trạng đào, san lấp mặt bằng trái phép diễn ra khá phổ biến nhằm tạo mặt bằng xây dựng công trình nhà ở, cải tạo đất sản xuất, tuy nhiên, hiện nay tình trạng này đã được kiềm chế, ngăn chặn. Các khu vực, vị trí đào, san lấp mặt bằng dọc 2 bên tuyến QL27, ĐT724 đều được UBND huyện Đam Rồng chấp thuận cho phép.
Nói về xử lý các trường hợp san lấp mặt bằng trái phép, ông Hồ Xuân Hướng, Chủ tịch UBND xã Phi Liêng cho biết, cuối năm 2022, chính quyền xã đã phát hiện và xử phạt trường hợp ông Nguyễn Văn Điền có hành vi san lấp mặt bằng khi chưa có giấy phép. Từ đầu năm 2023 đến nay, chính quyền cùng các đơn vị chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tự ý đào, san lấp mặt bằng, xâm phạm hành lang ATGT. Qua đó người dân cũng chấp hành tốt quy định của pháp luật, nên thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Trả lời câu hỏi "Có hay không có tình trạng các hộ dân đào, san lấp mặt bằng vượt diện tích, khối lượng được chấp thuận cho phép, cụ thể như hộ dân Vũ Thị Rê có diện tích san gạt 500m2, Đỗ Thị Hạt san lấp 100m2...nhưng thực tế quan sát hiện trường diện tích san lấp, đào rất lớn, lên đến cả ngàn m2?", ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đam Rông ghi nhận thông tin, sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên trách kiểm tra và cho biết: Trong văn bản chấp thuận cho phép các hộ dân đào, san lấp mặt bằng của UBND huyện Đam Rông đều giao UBND xã kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện và chấp hành của hộ gia đình. Nếu quá trình san gạt, cải tảo, đào, san lấp mặt bằng gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng hiện có, hệ thống cấp thoát nước, giao thông, điện hoặc gây ảnh hưởng đến môi trường, quyền lợi của người dân thì phải kịp thời đình chỉ, xử lý theo thẩm quyền.
Video hoạt động san lấp mặt bằng dọc 2 bên tuyến ĐT724 diễn ra rầm rộ, gây mất ATGT, vệ sinh môi trường, gây tiềm ẩn TNGT, phát sinh hệ lụy về tài nguyên, môi trường
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đam Rông, do đặc thù địa hình của huyện dọc QL27 chủ yếu là đồi núi cao và tầng sâu, do đó nhu cầu san lấp của người dân tương đối lớn để xây dựng nhà ở và sản xuất nông nghiệp. Qua các đợt kiểm tra định kỳ, các cơ quan chức năng và UBND xã đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp san lấp mặt bằng trái quy định.
"Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND huyện Đam Rông không có văn bản nào về chấp thuận cho người dân san lấp mặt bằng hành lang ATGT tuyến QL27 và tuyến ĐT724. UBND huyện chỉ chấp thuận cho người dân san lấp mặt bằng đất ở để làm nhà ở và đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng.
Cụ thể, tính dọc theo QL27 có 18 văn bản chấp thuận (trong đó 11 trường hợp san lấp để làm nhà ở; 7 trường hợp cải tạo để sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng); tính dọc theo tỉnh lộ ĐT724 có 8 văn bản chấp thuận (trong đó 5 trường hợp san lấp để làm nhà ở; 3 trường hợp cải tạo để sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng)", Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đam Rông thông tin.
Cũng theo Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đam Rông, đầu năm 2023, qua làm việc với UBND xã Phi Liêng, có 1 trường hợp vượt diện tích khối lượng được phép (hộ dân bà Đỗ Thị Hạt), UBND xã đã đình chỉ và lập hồ sơ xử phạt theo quy định.
Trước đó, năm 2022 UBND huyện phát hiện 95 trường hợp vi phạm về san lấp mặt bằng trên địa bàn, trong đó có 17 trường hợp vượt diện tích, phạm vi cho phép san lấp. Trong năm 2022, UBND các xã cũng đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền là 89 vụ với tổng số tiền phạt đã thu nộp ngân sách nhà nước là 308,5 triệu đồng.
Video cận cảnh điểm san lấp mặt bằng tại km119+820 tuyến QL27 khu vực ke suối, với khối lượng lớn, có dấu hiệu vượt diện tích cho phép
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.