Những "bóng hồng" gác chắn đường ngang

Tác giả: Nguyễn Phương

saosaosaosaosao
08/03/2018 05:50

Gác chắn đường ngang hay gọi đơn giản là gác đường tàu, một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, khó khăn và cả nhưng phút giây chạnh lòng, đặc biệt là với nữ nhân viên…

 

 

1 (5)
Công việc gác đường ngang diễn ra cả ngày lẫn đêm, bất kể thời tiết.

Gắn bó với nghề gác chắn từ năm 1995, với chị Nguyễn Thị Kim Dung (44 tuổi, trạm chắn ngã tư Đại Cồ Việt – Giải Phóng), dù nắng như thiêu như đốt hay lạnh cắt da cắt thịt, chị và đồng nghiệp đều phải trực đủ 12 tiếng mỗi ca, không được phép chợp mắt nghỉ bất cứ lúc nào.

“Mỗi ngày, có hàng chục chuyến tàu qua lại, lại là trạm chắn lớn nên chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể xảy ra tai nạn. Có thể là mình đúng về quy định nhưng vẫn lo lắm chứ.” – chị Dung cho biết.

Theo quy định của ngành đường sắt, công nhân viên đang trong ca trực thì không được phép rời trạm gác. Công việc chính của họ là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến, bật đèn cảnh báo và căn giờ kéo giàn chắn để bảo đảm an toàn giao thông, giúp tàu vượt qua mà không gặp chướng ngại nào. Vì thế nên dù trạm gác cách nhà chỉ 600m nhưng mâm cơm của gia đình chị Dung ít khi được trọn vẹn.

“Nhiều khi gia đình muốn ăn cơm với nhau còn phải điện để hẹn. Cả tuần tính ra cũng chỉ ăn cơm với nhau được vài bữa.” – chị Dung chia sẻ.

Cùng ca trực với chị Dung, chị Trần Thị Thanh Nhàn (45 tuổi, trạm chắn ngã tư Đại Cồ Việt – Giải Phóng) hàng ngày phải di chuyển từ nhà riêng tại Gia Lâm đến trạm gác để nhận ban nên thời gian dành cho gia đình cũng rất eo hẹp. Chị tâm sự, do đặc thù công việc, những ngày nhận ban chiều lúc 6 giờ tối thì phải đi từ 5 giờ 30, lúc đó chồng và các con mới về nhà. Đến 6 giờ sáng, khi hoàn tất thủ tục giao ban, trở về nhà thì chồng con cũng đã đi học, đi làm.

“Giờ giao nhận ban diễn ra lúc 6 giờ sáng và 6 giờ tối, lúc mà mình cần ở nhà để thu xếp cơm nước, sinh hoạt cho con cái thì lại không có nhà. Những dịp lễ Tết, tàu chạy nhiều nên thời gian ở nhà lại càng ít hơn. Nhìn người ta tất bật sắm Tết, về nhà với gia đình mà cũng thấy chạnh lòng.” – chị Nhàn tâm sự.

Cũng kể từ khi bước vào nghề, các chị cũng ít chăm chút nhan sắc như nhiều phụ nữ khác, bên cạnh đó, thời gian làm việc dài và luôn phải tỉnh táo túc trực ở trạm gác nên các chị hay mắc các bệnh về lưng hoặc thoái hóa đốt sống cổ.  Tuy vất vả là vậy nhưng điều khiến họ e ngại mà lại chính là ý thức chấp hành luật lệ giao thông, thái độ và cách cư xử của người đi đường.  Nhiều khi đang đóng chắn, một số người bất chấp nguy hiểm vẫn cố lách xe qua. Nếu không qua được họ mắng chửi ngay lập tức hoặc thậm chí sẵn sàng hành hung nhân viên gác chắn.

2 (5)
Các nhân viên gác đường ngang đều mong muốn thông qua Tạp chí GTVT giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, đặc biệt là nơi có đường sắt chạy qua.

Mặc dù công việc đầy khó khăn, nặng nhọc nhưng các nữ nhân viên gác đường ngang đều tâm niệm đã theo nghề là xác định hy sinh một phần cuộc sống vì công việc. Có những người còn rất trẻ, tuổi chỉ dưới 30. Có người đã có gia đình, có người còn độc thân nhưng tất cả cùng chung một “cái nợ” với nghề.  Dù công việc vất vả, nguy hiểm và khác biệt về giờ giấc nhưng với các chị, chính gia đình đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc để bản thân mình hoàn thành nhiệm vụ.

Chia sẻ với PV, chị Dung cho biết, chồng chị trước đây cũng là nhân viên gác đường chắn nên rất hiểu và thông cảm với chị. Thấu hiểu những khó khăn của vợ, chồng chị thỉnh thoảng cũng giúp đỡ, chia sẻ các công việc nhà để chị yên tâm công tác. Cậu con trai lớn của anh chị đang học lớp 12 nhưng rất ý thức, giúp đỡ mẹ nấu cơm, giặt giũ để mẹ có thời gian nghỉ ngơi sau mỗi ca trực.

“Thi thoảng cô con gái thức hai ở nhà cũng hỏi thăm mẹ hoặc gọi điện giục mẹ về ăn cơm. Các dịp 8/3 hay 20/10, chồng tôi cũng thường mua hoa về tặng vợ.” – chị Dung vừa cười vừa nói.

Khác với chị Dung, chồng chị Nhàn không làm việc trong ngành đường sắt và mặc dù là người rất tâm lý nhưng khoảng thời gian đầu hay xảy ra xích mích, lục đục, dần dần, anh đã hiểu và thông cảm với công việc của vợ và động viên vợ cùng nhau cố gắng. Chia sẻ thêm với PV, chị Nhàn vui mừng báo tin sắp “lên chức” bà ngoại.

Cuộc trò chuyện giữa tôi với những nữ công nhân gác tàu bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại đổ dồn, báo hiệu sắp có tàu đi qua. Các chị lại tất tả chạy ra thi hành nhiệm vụ. Quan sát tận mắt công việc của các chị, tôi mới thấu hiểu câu nói của chị Nhàn, “bao giờ tàu đi qua an toàn, lúc đấy chúng tôi mới thờ phào nhẹ nhõm.”

Ý kiến của bạn

Bình luận